Loạt địa phương vào cuộc gỡ vướng cho thị trường bất động sản

Nhiều địa phương đã vào cuộc, triển khai các giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản như họp trực tiếp lắng nghe chủ đầu tư, phân loại vướng mắc cho từng dự án...

Thị trường bất động sản có vai trò, đóng góp quan trọng trong nền kinh tế và tác động đến nhiều ngành, nghề, lĩnh vực. Tuy nhiên, theo Chính phủ, thời gian qua, đặc biệt là nửa cuối năm 2022, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn do bối cảnh chung của tình hình kinh tế, bất động sản của thế giới, tồn tại một số bất cập trong hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản.

Nhiều dự án bất động sản tại các địa phương gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện dẫn đến nguồn cung giảm nhiều so với thời gian trước. Cơ cấu sản phẩm không hợp lý, dư thừa sản phẩm, phân khúc cao cấp trong khi thiếu nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội. Thị trường, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ, dừng triển khai thực hiện dự án. 

Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời ban hành nhiều công điện, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, nhiều địa phương đã tích cực vào cuộc, triển khai các giải pháp cụ thể, từng bước tháo gỡ khó khăn cho thị trường.

TP HCM phân loại vướng mắc, tháo gỡ cho từng dự án

Tính từ đầu năm đến nay, UBND TP HCM đã tổ chức ba cuộc họp để lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản.

Ngày 15/2, UBND TP HCM đã tổ chức họp với 18 doanh nghiệp bất động sản đang gặp nhiều vướng mắc. Trong cuộc họp này, lãnh đạo TP HCM đã phân loại các vướng mắc thành nhiều nhóm cụ thể như vướng mắc về tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn, xác định giá đất...

Đến chiều ngày 20/2, UBND TP HCM tiếp tục mời 6 doanh nghiệp có 7 dự án bất động sản đang gặp vướng mắc cùng nhiều cơ quan quản lý để tham dự cuộc họp giải quyết khó khăn. Tại cuộc họp, từng chủ đầu tư trình bày lần lượt những vướng mắc liên quan đến dự án trước lãnh đạo của các cơ quan quản lý. Mỗi dự án có 30 phút để thảo luận.

Các dự án liên quan được nêu trong cuộc họp, gồm Khu trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp (đường Bến Nghé, phường Tân Thuận Đông, quận 7); dự án khu liên hợp thể dục thể thao và dân cư Tân Thắng (phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú); dự án chung cư Cửu Long (phường 1, quận 4); dự án khu phức hợp Sóng Việt (công trình tại lô đất 1-17, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức); dự án khu nhà ở Thiên Lý (phường Phước Long B, TP Thủ Đức); dự án 30,2 ha (phường Bình Khánh, TP Thủ Đức; dự án chung cư Cô Giang (phường Cô Giang, quận 1).

Tiếp ngày 1/3, UBND TP HCM tổ chức cuộc họp nghe báo cáo chuyên đề đất đai, bất động sản nhà ở xã hội. Các dự án nằm trong cuộc họp gỡ vướng lần này gồm khu đất của CTCP Bệnh viện Vạn Phúc Sài Gòn; 13 khu đất tại quận 1 của CTCP Thương mại Dịch vụ Bến Thành; dự án của CTCP Phát triển nhà Thanh Đa (quận Bình Thạnh); chung cư Phú Hoàng Anh (huyện Nhà Bè); dự án Bảy Hiền Tower (quận Tân Bình); việc thanh toán giá trị 288 căn hộ tại Lô C chung cư Thành Thái (quận 10) do CTCP Đầu tư và Phát triển đô thị Long Giang làm chủ đầu tư.

Hiện tại, đã có 4 dự án được UBND TP HCM chỉ đạo xử lý. Các dự án còn lại tiếp tục được phân nhóm vướng mắc để tháo gỡ. Tại phiên họp kinh tế - xã hội tháng 2 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp tháng 3 hôm 3/3, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đã đề nghị Phó Chủ tịch UBND thành phố Bùi Xuân Cường cùng Tổ tháo gỡ cho thị trường bất động sản tập trung cao độ để giải quyết các khó khăn đối với nhóm ngành này. 

Đà Nẵng đề xuất phương án gỡ khó cho các dự án liên quan đến kết luận thanh tra

Theo báo Đà Nẵng, thời gian qua, thành phố đã quan tâm, chỉ đạo, giải quyết và đề nghị Chính phủ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các dự án, nhất là các vấn đề liên quan đến đất đai.

Đặc biệt, UBND thành phố đã rà soát, tổng hợp, đề xuất phương án xử lý các khó khăn, vướng mắc của các dự án liên quan đến kết luận thanh tra, bản án đã có hiệu lực pháp luật và báo cáo Thanh tra Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời đề nghị Trung ương quan tâm, sớm có chỉ đạo để xử lý vướng mắc. 

UBND thành phố cũng kiến nghị Chính phủ xem xét, bổ sung quy định chuyển tiếp để tiếp tục cho phép chuyển quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở đối với các khu vực còn lại của các dự án khu đô thị (đã được phê duyệt khu vực được chuyển quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở theo Nghị định số 11/2013/NĐ-CP của Chính phủ đối với phần lớn diện tích đất của dự án) để đồng bộ toàn dự án, tháo gỡ vướng mắc cho các chủ đầu tư.

Bên cạnh đó, thành phố kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, có chính sách điều tiết linh hoạt, khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thị trường bất động sản; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà được tiếp cận nguồn vốn tín dụng; ưu tiên cấp tín dụng đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, người mua nhà ở xã hội nhằm giải quyết chính sách an sinh xã hội.

Cần Thơ vận động doanh nghiệp cơ cấu lại các phân khúc, giá cả

Ngày 13/2, UBND TP Cần Thơ có văn bản chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở.

Theo đó, UBND thành phố giao các đơn vị liên quan rà soát, đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án kinh doanh bất động sản trên địa bàn; qua đó xác định các chủ đầu tư dự án chưa triển khai hoặc chậm triển khai, đánh giá cụ thể nguyên nhân, chủ động xử lý các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

Sở Xây dựng phối hợp đơn vị liên quan tích cực triển khai thực hiện Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn thành phố.

Trong đó, rà soát, công bố quỹ đất phù hợp với quy hoạch để xây dựng nhà ở xã hội (gồm cả quỹ đất 20% đất ở tại dự án nhà ở thương mại dành để xây dựng nhà ở xã hội), nhà ở công nhân, các khu chung cư cũ; đôn đốc các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại sớm triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại quỹ đất 20% theo quy định. Đồng thời tiến hành các thủ tục pháp lý để công bố mời gọi đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư theo quy định.

Ngoài ra, Sở phối hợp các đơn vị liên quan rà soát, công bố danh sách các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất theo quy định của Chính phủ.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu đề xuất chủ trương đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại tại các khu đất do nhà nước quản lý.

Chủ tịch UBND thành phố cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Cần Thơ theo dõi, giám sát chặt chẽ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản; xem xét ưu tiên cho vay đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Hiệp hội Bất động sản TP Cần Thơ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên địa bàn thành phố chủ động cơ cấu lại các phân khúc sản phẩm, giá cả, thời hạn thanh toán, phương thức thanh toán phù hợp, khả thi, tạo thuận lợi cho khách hàng, người dân, nhất là những đối tượng có nhu cầu thực sự về nhà ở. 

Kiên Giang tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư Phú Quốc

Ngày 23/2, Đoàn công tác UBND tỉnh Kiên Giang đã làm việc với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn TP Phú Quốc nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư.

Tại buổi làm việc, các doanh nghiệp đã kiến nghị, đề nghị nhiều nội dung như đề nghị thực hiện điều chỉnh Quyết định chủ trương đầu tư dự án, đề nghị sớm hoàn thành phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, đề nghị sớm phê duyệt giá đất bồi thường của năm 2023, đề nghị giao đất, kiến nghị ưu tiên phê duyệt giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường, hỗ trợ năm 2023 cho dự án trọng điểm...

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã yêu cầu các sở, ban, ngành có liên quan phối hợp với UBND TP Phú Quốc rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư về công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân nằm trong khu vực dự án.

Phối hợp xử lý cưỡng chế dứt điểm đối với các trường hợp không thực hiện việc di dời để thu hồi đất, đồng thời rà soát lại chính sách tái định cư để hỗ trợ cho người dân đã đủ điều kiện. Đồng thời thực hiện đồng bộ, khẩn trương các giải pháp để triển khai sớm các bước phê duyệt giá đất, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường trong năm tránh kéo dài qua năm tiếp theo.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện việc lập Quy hoạch chung và Quy hoạch phân khu theo đúng trình tự thủ tục theo quy định; tiến hành rà soát các trường hợp người dân được tái định cư...

"Thị trường chắc chắn sẽ ấm lên''

Trước sự vào cuộc tích cực của Chính phủ cùng các bộ, ban, ngành, địa phương, nhiều chuyên gia nhận định thị trường sẽ sớm có những dấu hiệu khởi sắc.

Chia sẻ trong buổi tọa đàm “Điểm sáng trong cơ chế, chính sách cho thị trường bất động sản Việt Nam” diễn ra ngày 25/2, TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, thị trường bất động sản quý I/2023 đang có tín hiệu tích cực khi triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ bằng nhiều văn bản quy định pháp luật. Nhiều doanh nghiệp đảm bảo thực trạng “sức khỏe” thông qua việc cơ cấu, căn chỉnh và triển khai các dự án nhằm chuyển giao nhanh chóng và hấp thụ dễ hơn. Quý II/2023, Chính phủ sẽ tập trung sửa đổi và xử lý những vấn đề vướng mắc về thủ tục đầu tư với các dự án nhóm nhà ở gồm các dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, cải tạo nhà chung cư cũ. 

Nhiều chuyên gia cho rằng, với nỗ lực quyết tâm vượt khó, thị trường bất động sản chắc chắn sẽ dần ấm lên, từ đó khích lệ tinh thần, tạo ra sức lan tỏa cho các phân khúc, đưa thị trường vực dậy và phát triển theo đúng với định hướng mục tiêu 2023. 

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.