Loạt doanh nghiệp nhóm TNG Holdings báo lãi tăng mạnh trong nửa đầu năm, liên tục thế chấp tài sản tại MSB

4 doanh nghiệp BĐS chưa đại chúng thuộc "họ" TNG Holdings vừa công bố chỉ tiêu tài chính bán niên với lợi nhuận sau thuế đều tăng trưởng trên 100% so với cùng kỳ năm trước, tỷ suất ROE của các doanh nghiệp này cũng đạt mức cao nhất kể từ năm 2021 đến nay.

Lợi nhuận tăng bằng lần sau 6 tháng đầu năm

Gần đây, 4 doanh nghiệp bất động sản chưa đại chúng thuộc nhóm TNG Holdings đã công bố các chỉ tiêu tài chính cơ bản của kỳ bán niên 6 tháng đầu năm nay, qua đó cho thấy lợi nhuận sau thuế đều đạt mức tăng trưởng trên 100% so với cùng kỳ năm trước. 

  Nguồn: HM tổng hợp từ BCTC.  

Tăng mạnh nhất là CTCP Đầu tư và quản lý Khách sạn TNH với mức tăng 9,86 lần so với cùng kỳ, đạt 22,8 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) tăng từ mức 0,29% cùng kỳ lên 2,86%. Đây cũng là mức lãi và tỷ suất ROE lớn nhất của TNH từ năm 2021 đến nay.

TNH là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khách sạn của nhóm TNG Holdings với thương hiệu Sojo Hotel. Theo thông tin từ website doanh nghiệp, công ty đang vận hành các khách sạn tại Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hòa Bình, Việt Trì (Phú Thọ), Hạ Long (Quảng Ninh), Lạng Sơn. 

Gần nhất, tháng 10/2022, công ty đã chính thức khai trương khách sạn Sojo Hotel tại Hậu Giang, đồng thời cho biết điểm đến tiếp theo là tỉnh Lào Cai. Theo kế hoạch của doanh nghiệp, TNH đặt mục tiêu đến năm 2026 sẽ phát triển chuỗi 70 khách sạn trên toàn quốc, đồng thời mở rộng ra thị trường quốc tế. 

CTCP Bất động sản Mỹ là đơn vị có mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế lớn thứ hai với 3,83 lần, đạt 146 tỷ đồng. Đây cũng là doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận cao nhất trong kỳ trong nhóm 4 doanh nghiệp này. Tỷ suất ROE của BĐS Mỹ đạt 4,43%, cao nhất trong nhóm 4 doanh nghiệp, cũng là mức ROE cao nhất của đơn vị này từ năm 2021 đến nay. 

Hơn hai năm qua, BĐS Mỹ đã liên tục trúng thầu hàng loạt dự án ở phía bắc và các tỉnh tây nam bộ, có thể kể đến các dự án Khu đô thị mới Cường Thịnh (Lào Cai); dự án nhà ở thương mại (Thái Bình); Khu dân cư phường Bảo Vinh (Đồng Nai);...

Ngoài ra, BĐS Mỹ còn liên danh với một số doanh nghiệp cùng nhóm tại nhiều dự án, như Khu đô thị mới Bảo Hà (42 ha, Lào Cai), Khu đô thị mới thị xã Ngã Bảy 2 (Hậu Giang)...

   Nguồn: HM tổng hợp từ BCTC.  

Đứng thứ ba là CTCP Đầu tư Phát triển Bất động sản TNR Holdings Việt Nam, công ty đạt lợi nhuận sau thuế 85 tỷ đồng, tăng 2,14 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ suất ROE cũng tăng từ mức 1,29% lên 3,86% trong kỳ bán niên vừa qua. 

Tương tự hai doanh nghiệp trên, đây cũng là mức lợi nhuận và tỷ suất ROE cao nhất của TNR trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay. 

TNR Holdings được biết đến là nhà đầu tư và phát triển bất động sản với 3 dòng sản phẩm chính bao gồm TNR Gold, TNR Stars và TNR Grand Palace. Tại Hà Nội, TNR Holdings sở hữu hàng loạt dự án như TNR Tower Hoàn Kiếm, TNR Láng Hạ (Sky City), TNR Goldmark City... Tại TP HCM, TNR Holdings cũng sở hữu các dự án như TNR Nguyễn Công Trứ, TNR The GoldView,… 

Cuối cùng là CTCP Bất động sản Hano-vid báo lợi nhuận sau thuế 41 tỷ đồng, tăng 1,43 lần so với cùng kỳ. Tỷ suất ROE của đơn vị này cũng tăng từ mức 0,28% cùng kỳ lên mức 0,77%. 

Trong khoảng ba năm trở lại đây, Hano-vid đã liên tiếp trúng thầu hàng loạt dự án bất động sản, đặc biệt là tại khu vực miền Trung và miền Bắc như dự án Phát triển đô thị số 10A, phường Sông Hiến (Cao Bằng), Khu dân cư tại quỹ đất giáp mặt đường Âu Cơ (Yên Bái), dự án Khu dân cư tổ 3, phường Nghĩa Phú (Đắk Nông),... 

Tháng 2 đầu năm nay, Hano-vid đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án Khu đô thị mới thị xã Long Mỹ 2 (16,4 ha) tại tỉnh Hậu Giang, dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào đầu năm 2025. 

Đòn bẩy tài chính vẫn ở mức cao, liên tục thế chấp tài sản tại MSB

Lợi nhuận tăng trưởng, do đó cả 4 doanh nghiệp đều ghi nhận vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối tháng 6 tăng so với đầu năm. Song, đòn bẩy tài chính của các doanh nghiệp vẫn cao khi tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu đều ở mức trên 4, trong đó, tỷ lệ nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu đều trên 1,8.

   Nguồn: HM tổng hợp từ BCTC.  

Trong đó, đối với BĐS Mỹ và Hano-vid, tổng nợ phải trả tăng lần lượt 18% và 40%, trong khi dư nợ trái phiếu không chênh lệch nhiều, cho thấy nợ từ các nguồn khác của hai doanh nghiệp đã tăng vọt. Trong kỳ, BĐS Mỹ và Hano-vid cũng có nhiều đợt thế chấp tài sản đảm bảo tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB).

Cụ thể, trong tổng nợ phải trả, bên cạnh nợ trái phiếu, BĐS Mỹ cũng có khoản 12.544 tỷ đồng từ các nguồn nợ phải trả khác.

Công ty không cho biết cụ thể về các khoản nợ khác này, song, riêng trong 6 tháng đầu năm, BĐS Mỹ đã có 14 lần thế chấp tài sản tại MSB, tài sản đảm bảo là từ các dự án bất động sản như hoa lợi, lợi tức,... từ kinh doanh, phát triển Khu dân cư Bảo Vinh, Khu nhà ở đô thị Phong Châu,... hay quyền tài sản đối với lô đất thuộc dự án Khu đô thị mới Cường Thịnh, Khu nhà ở đô thị Hùng Sơn,... 

Tiếp đó, trong tháng 7, BĐS Mỹ cũng có 4 lần thế chấp tài sản tại MBS, gồm các tài sản liên quan đến dự án Khu đô thị mới Bảo Hà (tỉnh Lào Cai), Khu nhà ở thương mại (TP Thái Bình) và Khu biệt thự Sông Uông (tỉnh Quảng Ninh). 

Tại cuối tháng 6, tổng tài sản của BĐS Mỹ ở mức 23.734 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm. 

Tương tự BĐS Mỹ, nợ phải từ các nguồn khác bên cạnh trái phiếu của Hano-vid đã tăng gần 97,5% so với đầu kỳ, đạt 12.929 tỷ đồng. 

Trong 6 tháng đầu năm, Hano-vid cũng có 13 lần thế chấp tài sản tại MSB, tài sản đảm bảo đều là các tài sản có liên đến dự án bất động sản của công ty, như dự án Khu đô thị thị trấn Lam Sơn, Khu nhà ở Sông Thao, Khu dân cư tại thôn Đạm Thủy,... Bên cạnh đó, trong hai tháng 7 - 8, công ty cũng có 3 đợt thế chấp tài sản từ các dự án bất động sản tại nhà băng này.

Tại ngày 30/6, Hano-vid ghi nhận giá trị tổng tài sản đạt 27.863 tỷ đồng, tăng 30% so với đầu năm và lớn nhất trong nhóm 4 doanh nghiệp này. 

   Nguồn: HM tổng hợp từ BCTC.  

Còn đối với TNR và TNH, tổng nợ phải trả tại thời điểm cuối tháng 6 đã giảm lần lượt 5% và 26% so với đầu năm. 

TNR ghi nhận tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu giảm từ 9,46 hồi đầu năm còn 8,66. Song, trong tổng nợ phải trả, dư nợ trái phiếu tăng 4,6% so với đầu năm lên mức 9.425 tỷ đồng, cao gấp 4,28 vốn chủ sở hữu. Theo HNX, hiện TNR có 146 lô trái phiếu đang lưu hành. Gần nhất, trong giai đoạn từ ngày 22/6 - 31/7, doanh nghiệp đã chi hơn 187 tỷ đồng để mua lại trái phiếu trước hạn. 

Mặt khác, tương tự BĐS Mỹ và Hano-vid, trong 6 tháng đầu năm, TNR cũng có 4 lần thế chấp tài sản tại MSB, tài sản đảm bảo là các tài sản liên quan đến ba dự án tại tỉnh An Giang và tỉnh Trà Vinh của doanh nghiệp. 

Tại ngày 30/6, tổng tài sản TNR đạt mức 21.271 tỷ đồng, giảm gần 4% so với đầu năm. 

Về phần TNH, dư nợ trái phiếu của công ty đã giảm nhẹ 16 tỷ đồng, còn 3.610 tỷ đồng, song vẫn cao gấp 4,52 lần so với vốn chủ sở hữu. Theo HNX, TNH đang có 42 lô trái phiếu đang lưu hành, trong đó 41 lô với tổng giá trị 3.000 tỷ đồng sẽ đồng loạt đáo hạn vào ngày 15/7/2027, lô còn lại có giá trị 600 tỷ đồng sẽ đáo hạn vào tháng 4/2028. 

Tại thời điểm cuối tháng 6, tổng nguồn vốn (tương đương giá trị tổng tài sản) của TNH ở mức 5.762 tỷ đồng, giảm 22% so với đầu năm.