Lợi nhuận Thép Tiến Lên đi lùi do giá bán giảm, danh mục đầu tư chứng khoán lỗ 44%

Theo BCTC Thép Tiến Lên, lợi nhuận quý III giảm cùng chiều đà giảm giá thép. Bên cạnh đó, công ty cũng lỗ 8,6 tỷ đồng từ chứng khoán trong quý, danh mục tại thời điểm cuối quý ghi nhận lỗ 44% so với giá trị gốc của khoản đầu tư.

Lợi nhuận quý III giảm mạnh do giá bán thép giảm 

CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (mã chứng khoán: TLH) vừa có báo cáo tài chính hợp nhất quý III với doanh thu thuần đạt 1.159 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021 do sản lượng tiêu thụ tăng.

Trong kỳ, giá vốn của công ty cũng tăng 47%, đạt 1.103 tỷ đồng, khiến lợi nhuận gộp giảm 65%, còn 57 tỷ đồng, biên lợi nhuận giảm từ 17,7% còn 4,9%.

Thép Tiến Lên cho biết, do giá bán kỳ này giảm so với cùng kỳ năm trước nên lợi nhuận gộp trong kỳ giảm. Cùng với đó, doanh thu từ hoạt động tài chính cũng như lãi từ công ty liên doanh liên kết lần lượt giảm 45% và 66%.

Kết quả, công ty báo lãi sau thuế 6,8 tỷ đồng, giảm 94% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Thép Tiến Lên đạt doanh thu thuần 3.663 tỷ đồng, tăng 12%, lợi nhuận sau thuế 121,8 tỷ đồng, giảm 71%.

  KQKD 9 tháng đầu năm của Thép Tiến Lên. (Nguồn: Trương Nhi tổng hợp từ BCTC doanh nghiệp).    

Năm nay, công ty đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 300 tỷ đồng, như vậy, sau 3 quý kinh doanh công ty đã thực hiện được 41% mục tiêu lợi nhuận năm.

Nói thêm về việc tăng giá thép ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty, không chỉ Thép Tiến Lên, theo dự báo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), lợi nhuận các nhà sản xuất thép phẳng ảm đạm trong quý III. 

Theo VDSC, do yếu tố mùa vụ, tháng 7 và tháng 8 thường là mùa thấp điểm tiêu thụ thép nên càng tạo áp lực lên giá thép.

Cũng theo đơn vị này, áp lực lên giá thép sẽ dịu bớt từ quý IV. Tại thị trường trong nước, sau khi giảm liên tục trong 4 tháng, giá thép xây dựng của các nhà máy đã bắt đầu tăng vào tuần cuối cùng của tháng 8, trong khi Tập đoàn Hoa Sen (mã: HSG) là nhà sản xuất tôn mạ đầu tiên nâng giá bán kể từ đầu tháng 9.  

Lỗ từ đầu tư chứng khoán, nợ tài chính xấp xỉ vốn chủ sở hữu

Quay trở lại với hoạt động kinh doanh của Thép Tiến Lên, ngoài mảng kinh doanh chính, công ty cũng đầu tư chứng khoán. Báo cáo kết quả kinh doanh cho thấy, quý III, công ty lỗ gần 8,6 tỷ đồng từ kinh doanh chứng khoán và hoàn nhập 4,8 tỷ đồng dự phòng giảm giá, ghi nhận tại mục chi phí tài chính.

Tại ngày 30/9, tổng số tiền đầu tư chứng khoán của công ty có giá gốc là 138,2 tỷ đồng, trong khi giá trị hợp lý là 77,4 tỷ đồng, tương đương mức giảm 44%. 

Công ty đã trích lập dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán 60,8 tỷ đồng, trong đó, mã SHB của Ngân hàng SHB trích lập 11 tỷ đồng, mã VIX của CTCP Chứng khoán VIX trích lập gần 12 tỷ đồng, mã IJC của CTCP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật trích lập 8,5 tỷ đồng và trích lập 29,3 tỷ đồng vào các cổ phiếu khác.

 Danh mục đầu tư chứng khoán của Thép Tiến Liên. (Nguồn: BCTC doanh nghiệp).

Con số giá gốc này đã tăng 28,7% giá trị so với đầu năm. Khoản trích lập dự phòng cũng tăng mạnh so với con số hơn 4 tỷ đồng hồi đầu năm nay. 

Khoản đầu tư tài chính ngắn hạn vào chứng khoán kinh doanh này cũng đóng góp vào lượng tiền mặt của doanh nghiệp, đạt 244 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý III. Song, do công ty giảm các khoản tiền gửi ngân hàng, lượng tiền mặt cũng giảm 67% so với đầu năm.

Ở chiều ngược lại, giá trị hàng tồn kho, đạt 3.386 tỷ đồng, tăng 20,6% so với đầu năm và chiếm 72% tổng tài sản của doanh nghiệp, chủ yếu do lượng hàng hoá và nguyên vật liệu tăng cao. 

Công ty cũng ghi nhận 125,4 tỷ đồng các khoản tài sản ngắn hạn khác, tăng mạnh so với đầu năm, do tăng thuế giá trị gia tăng được khấu trừ (đạt 124,9 tỷ đồng). 

Qua đó, tổng tài sản tới cuối quý III của công ty đạt 4.686 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm.

 Cơ cấu tổng tài sản của Thép Tiến Lên tới cuối quý III/2022. (Nguồn: Trương Nhi tổng hợp từ BCTC doanh nghiệp). 

Về phần nợ tài chính của công ty, tổng nợ tới cuối quý III đạt 1.942 tỷ đồng, tăng 31,4%, và gần bằng với vốn chủ sở hữu (2.038 tỷ đồng), chủ yếu do tăng các khoản vay từ VietinBank, VietcomBank, SacomBank, VPBank,...

Liên quan đến dòng tiền của Thép Tiến Lên, báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ của công ty âm 551,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 196,4 tỷ đồng.

Nhờ ghi nhận 339,4 tỷ đồng từ khoản tiền thu hồi cho vay, bán lại các công cụ nợ của đơn vị khác và 4.245 tỷ đồng tiền thu từ đi vay, dòng tiền thuần trong kỳ của Thép Tiến Lên dương 46 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 80,2 tỷ đồng.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.