Lỗi túi khí Takata. (Ảnh: Fortune).
Theo thống kê của Cục quản lí đường cao tốc và an toàn giao thông quốc gia Mỹ, viết tắt là NHTSA đến nay trên toàn thế giới đã có 23 vụ tai nạn chết người, gần 300 người bị thương và hàng trăm triệu chiếc ôtô của hơn 19 hãng bị triệu hồi trên toàn thế giới do lỗi túi khí Takata gây ra.
Lỗi túi khí này xuất hiện trên các xe ôtô được sản xuất từ năm 2002-2015, có trang bị túi khí được cung cấp bởi Takata, nhà cung cấp phụ tùng lớn thứ hai trong ngành ôtô thế giới.
Những túi khí này có thể phát nổ, gây thương tích hoặc thậm chí giết chết người ngồi trong xe. Đã có hàng trăm triệu chiếc xe trên thế giới bị thu hồi do lỗi này mà NHTSA gọi là "Vụ thu hồi lớn nhất và phức tạp nhất trong lịch sử".
Theo đó, với những xe bị dính lỗi túi khí, khi xảy ra tai nạn, hệ thống túi khí được kích hoạt, khí trơ được giải phóng có thể tạo nên áp lực bên trong cụm bơm khí quá lớn dẫn đến khả năng cụm bơm khí bị nứt vỡ, khiến cho các mảnh kim loại của bơm khí có thể bắn văng ra xuyên qua túi khí, gây nguy hiểm cho người lái.
Nguyên nhân gốc rễ của vấn đề được xác định là do túi khí sử dụng nhiên liệu dựa trên amoni nitrat mà không có chất làm khô hóa học, theo thời gian sẽ bị giảm chất lượng do nhiệt độ và hơi ẩm xâm nhập, dẫn đến tình trạng trên.
Đến hết năm 2018, theo thống kê đã có hơn 41,6 triệu xe tại Mỹ bị triệu hồi liên quan tới vấn đề này. Hàng triệu phương tiện đã bị NHTSA cấm lưu thông.
Gần đây nhất, 29/3/2019, Honda và NHTSA thông báo rằng, một người lái chiếc Honda Civic đời 2002 đã qua đời trong bệnh viện ở Buckeye, Ariz do lỗi nổ túi khí. Đây là vụ tai nạn chết người thứ 14 trong một chiếc xe Honda liên quan tới túi khí Takata.
Ngày 28/2/2017, Takata thừa nhận đã lừa dối các nhà sản xuất ôtô về sự an toàn túi khí do hãng này cung cấp, chấp nhận mức phạt hơn một tỉ đôla của NHTSA trong đó dự kiến 25 triệu đô cho tội hình sự và 850 triệu đôla để bồi thường cho các nhà sản xuất.
Kể từ tháng 1/2018, NHTSA cho biết, tình trạng thiếu hụt túi khí thay thế đã giảm đáng kể. Trong thời gian đầu, chủ sở hữu những chiếc xe dính lỗi phải mất vài tuần hoặc vài tháng để có thể được thay linh kiện mới. Tuy nhiên, sau đó Takata đã tăng cường thêm dây chuyền lắp ráp mới, có khả năng sản xuất hơn một triệu bộ túi khí mỗi tháng.
Mặc dù vậy, với qui mô và số lượng xe bị ảnh hưởng quá lớn, các chuyên gia nhận định rằng phải mất nhiều năm liền các nhà sản xuất mới có thể thay thế toàn bộ túi khí ở tất cả các phương tiện trên toàn cầu.
Chủ tịch tập đoàn Takata, ông Shigehisa Takada trong buổi họp báo tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Reuters).
Takata được thành lập từ năm 1933 tại tỉnh Shiga, Nhật Bản. Người sáng lập ra công ty là ông Takezo Takata. Ban đầu, Takata hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp dệt nhưng lại nổi tiếng với sản phẩm phao cứu sinh trước khi quay sang sản xuất phụ tùng xe hơi trong thập kỉ 1950.
Takata đã nhanh chóng vươn sang thị trường Mỹ, nơi ngành công nghiệp ôtô đang phát triển cực kì mạnh. Takata tạo ra các sản phẩm đai dây an toàn bằng cách tận dụng công nghệ làm dù máy bay, và nhanh chóng chiếm lĩnh vị trí số một ở Nhật về mặt hàng này.
Trong những năm 1970, Takata đưa ra thị trường sản phẩm mới, ghế ngồi trên xe hơi cho trẻ em. Đến năm 1987, chiếc túi khí an toàn cho xe hơi nhãn hiệu Takata đầu tiên ra đời.
Ban đầu hãng chủ yếu cung cấp sản phẩm cho Honda Motor trước khi mở rộng bao thầu sản phẩm cho nhiều hãng xe khác. Đến nay, Takata cung cấp nhiều loại sản phẩm bảo hộ an toàn cho 19 nhà chế tạo xe hơi trên khắp thế giới.
Takata chiếm 20% thị phần phụ tùng ôtô thế giới. Tính đến tháng 6/2017, hãng có 46 nghìn nhân công và 56 nhà máy ở 20 nước. Trong năm 2016-2017, doanh số của hãng đạt 663 tỉ yên, tức khoảng 6 tỉ đô la Mỹ, trong đó chiếm 90% là từ hoạt động ở nước ngoài.
Tuy nhiên, đứng trước vụ bê bối khổng lồ liên quan tới lỗi túi khí, theo RFI, ngày 26/6/2017, nhà sản xuất phụ tùng xe hơi lớn thứ hai thế giới này đã chính thức tuyên bố phá sản.
Trong vòng hơn một thập kỉ qua, Takata đã bán gần 100 triệu thiết bị an toàn kém chất lượng, gây tử vong cho ít nhất 23 người và khiến 300 người bị thương.
Các chuyên gia cho rằng tập đoàn phụ tùng xe hơi đến từ Nhật Bản đã phải chịu tổn thất hơn 1.000 tỉ yên, gần 10 tỉ đô la.. Từ khi các vụ bê bối liên quan tới túi khí bị phát hiện vào năm 2014, giá trị cổ phiếu của tập đoàn này đã bốc hơi 95%.
Đây là đợt triệu hồi đầu tiên được VinFast thực hiện kể từ khi tiếp quản Chevrolet tại Việt Nam.
Ngày 29/5 cục Đăng kiểm Việt Nam đã phê duyệt đợt triệu hồi xe của công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast, đối với hai mẫu xe Chevrolet Cruze và Orlando dính lỗi túi khí dành cho người lái. Đây là đợt triệu hồi đầu tiên được VinFast thực hiện kể từ khi tiếp quản Chevrolet tại Việt Nam.
Theo đó, sẽ có tổng cộng 7.584 chiếc được triệu hồi. Trong đợt triệu hồi lần này, Chevrolet Cruze bị dính lỗi được sản xuất từ tháng 4/2010 – 12/2013 và Orlando sản xuất từ 10/2011 – 12/2013. Chương trình triệu hồi sẽ bắt đầu từ 10/6/2019 và kéo dài đến hết ngày 30/5/2022.
VinFast cũng đưa ra khuyến cáo vì quyền lợi và an toàn của chính mình và hành khách đi cùng, các chủ sở hữu cần nhanh chóng mang xe tới đại lí ủy nhiệm của VinFast trên cả nước để được kiểm tra, thay thế túi khí mới. Thời gian kiểm tra, thay thế sẽ mất khoảng 30 phút mỗi xe và hoàn toàn miễn phí.