Trong quá trình sử dụng, người dùng cần chú ý việc bảo trì và vệ sinh định kỳ dàn nóng và dàn lạnh để thiết bị phát huy tốt tính năng.
Nếu không vệ sinh, bộ lọc của máy điều hòa sẽ bám nhiều bụi bẩn nên thay vì lọc sạch không khí thì lại trở thành một ổ vi khuẩn ảnh hưởng đến sức khỏe đường hô hấp của các thành viên trong gia đình.
Việc có quá nhiều bụi bẩn bám vào khiến cho máy không thể đáp ứng được nhu cầu làm lạnh cho căn phòng ngay cả khi tiêu tốn nhiều điện năng để làm lạnh hết công suất.
Người dùng nên có kế hoạch vệ sinh định kỳ cho máy điều hòa. (Ảnh minh họa: Dettol Arabia).
Dàn nóng là bộ phận tản nhiệt cho máy lạnh. Nếu bụi bám quá nhiều sẽ làm cho nó tản nhiệt kém và bị quá tải, gây nên hiện tượng tự động bị ngắt điện. Nếu tình trạng này kéo dài cũng sẽ dẫn đến máy điều hòa bị hư.
Vì vậy, bảo trì định kỳ là việc làm rất cần thiết để không gây ảnh hưởng đến công suất hoạt động của máy và sức khoẻ của người dùng.
Anh Phú, nhân viên bảo trì máy lạnh cho biết, tùy theo tần suất sử dụng mà hộ gia đình nên có kế hoạch vệ sinh máy định kỳ. Ngoài việc vệ sinh, người dùng cũng nên quan tâm thay khí gas của máy. Hết khí gas cũng là nguyên nhân khiến máy không phát huy tốt tính năng.
Anh cũng chi sẻ thêm thời gian khuyến nghị vệ sinh máy điều hòa cho hộ gia đình thường xuyên sử dụng là khoảng 3 – 4 tháng/ lần. Trường hợp sử dụng máy 6 – 8 giờ/ngày thì nên vệ sinh mỗi 6 tháng/lần.
Người dùng nên chú ý việc thay khí gas mới cho máy điều hòa. (Ảnh minh họa: Inventor Air Conditioners).
Đối với công ty, nhà hàng nên vệ sinh 3 tháng/lần hoặc khoảng 1- 2 tháng/lần nếu môi trường làm việc có nhiều bụi bẩn.
Đối với cơ sở, xí nghiệp sản xuất có tần suất hoạt động cao nên vệ sinh máy khoảng 1 tháng 1 lần.
Ngoài ra, máy điều hòa có những dấu hiệu như không cảm thấy hơi lạnh hoặc hơi lạnh quá yếu thì người dùng nên thay khí gas.
Một số dòng máy lạnh cao cấp có chức năng tự chẩn đoán, người dùng có thể dễ dàng theo dõi được các thông số gas ngay trên remote đi kèm của máy lạnh để có biện pháp xử lí phù hợp.