Mang án giết cha, con trai chết trước khi được minh oan với dòng chữ 'hận đời...' chưa kịp xóa

Bị mang oan án giết cha, người con trai xăm lên mình chữ “hận đời oan trái” lên ngực với tâm nguyện khi nào được minh oan sẽ xóa đi. 

Mang án oan che giấu tội phạm, giết cha gần 30 năm, hôm qua (24/10), 3 mẹ con bà Đặng Thị Nga (SN 1938, ở Tuần Giáo, Điện Biên) đã được TAND tỉnh Điện Biên minh oan, xin lỗi công khai. Để có được ngày hôm nay, mẹ con họ đã phải trải qua bao cay đắng gõ cửa từng cơ quan chức năng…

Theo lời bà Nga kể, đêm một ngày trung tuần tháng 9/1989 bà Nga và các con không thấy ông Trịnh Huy Tùng (chồng bà Nga) về nhà ngủ nên đi tìm. Sau một hồi tìm kiếm, họ phát hiện ông Tùng đã tử vong dưới giếng. Trước cái chết đầy bí hiểm của ông Tùng, gia đình bà Nga đã báo cơ quan chức năng.

Căn cứ lời khai của các nhân chứng gồm Trịnh Thị Ngọc, Trịnh Việt Dũng (cùng là con ông Tùng) và những chứng cứ khác, Công an Lai Châu (nay tách thành 2 tỉnh Lai Châu và Điện Biên) đã bắt giữ bà Nga và 2 người con khác của họ là Trịnh Công Hiến (SN 1963) và Trịnh Huy Dương (SN 1970) để điều tra do nghi ngờ 3 mẹ con họ chính là người ra tay sát hại ông Tùng.

Sau khi bị bắt, ba mẹ con họ bị công an đánh đập, bức cung, nhục hình nhiều ngày liền. Bị đánh nhiều, bà Nga nghĩ có thể mình sẽ chết ở đây, như thế sẽ không có ai minh oan cho mình và con nên phải nhận tội trong oan ức.

“Khoảng hơn 10h sáng ngày thứ 3 sau khi bị bắt, tôi được gặp các con để bàn bạc. Thằng lớn bảo thôi mẹ nhận tội đi rồi về nuôi các em để bọn con đi tù… Tôi đành nhận tội” – bà Nga kể. Trên khóe mắt người phụ nữ 80 tuổi lăn dài những giọt lệ tủi hờn.

mang an giet cha con trai chet truoc khi duoc minh oan voi dong chu han doi chua kip xoa
Bà Nga cùng người thân tại buổi xin lỗi công khai

Năm 1990, TAND tỉnh Lai Châu đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bà Đặng Thị Nga 36 tháng tù cho hưởng án treo về tội “Che giấu tội phạm”. Hai con trai của bà Nga là Trịnh Công Hiến và Trịnh Huy Dương bị tòa buộc tội giết cha, tuyên họ 18 năm và 12 năm tù. Bản án sơ thẩm sau đó bị cấp phúc thẩm tuyên hủy.

Năm 1991, VKSND tỉnh Lai Châu trả hồ sơ cho Công an tỉnh Lai Châu điều tra lại. Năm 1992, các ông Trịnh Công Hiến và Trịnh Huy Dương được hủy bỏ quyết định tạm giam. Kể từ đó, vụ án bị treo lơ lửng suốt gần 30 năm không có bất cứ kết luận nào dù gia đình bà Nga liên tục gửi đơn kêu oan.

Chỉ đến năm 2016, cơ quan tố tụng liên ngành tỉnh Điện Biên vào cuộc giải quyết đơn kêu oan của bà Nga và con trai thì hơn 1 năm sau, tháng 10/2017 họ mới được tuyên bố vô tội. Lời tuyên bố ấy đã đến muộn đối với anh Trịnh Công Hiến.

Theo lời kể của anh Trịnh Huy Dương, anh Hiến đã mất năm 2004 trước khi được minh oan 13 năm. “Vì bị oan ức, anh Hiến đã xăm chữ “hận đời oan trái” lên ngực với tâm nguyện khi nào được minh oan sẽ xóa đi. Nhưng…”, anh Dương nói bằng giọng nghẹn ứ.

Cũng theo lời anh Dương, anh trai anh có cuộc đời đầy bi kịch, khổ đau chỉ vì cái án oan đầy nghiệt ngã. Bị mang tiếng giết cha, anh Hiến bị gia đình nhà người yêu từ hôn. Đau khổ, buồn bã, người đàn ông ấy đã dùng dao cứa cổ tự tử. “May tôi phát hiện nên cản lại. Tuy nhiên, con dao đã cứa vào 3 ngón tay tôi”, anh Dương vừa nói vừa giơ bàn tay có ba ngón không cử động được vì vết cứa tự tử bất thành của anh trai.

Phần mình, anh Dương cho biết do không chịu được dư luận nên phải bỏ xuống miền xuôi sinh sống. Hành trang anh rời bỏ quê hương là chiếc va li hoen gỉ bên trong có giấy tờ về vụ án cùng tờ giấy thay đổi biện pháp ngăn chặn.

Theo lời bà Nga, để có được ngày minh oan hôm nay, gia đình bà đã phải trải qua bao đắng cay, tủi cực, khổ sở đủ đường. Các con bà đi xin việc ở đâu cũng bị từ chối, trai đến tuổi lập gia đình cũng chẳng ai đoái hoài… Đôi mắt mờ đục nhìn về phía xa xăm, bà Nga bảo lần đầu tiên viết đơn kêu oan để gõ cửa các cơ quan chức năng, bà viết trong hoàn cảnh đi “chui”. Bởi bà bị án treo, không được rời khỏi nơi cư trú nên phải dắt con nhỏ lúc đó 10 tuổi đi trộm về Thái Nguyên nhờ anh trai viết đơn. Sau cứ mỗi tháng một lần tôi lại gửi đơn kêu oan đi khắp nơi, cứ về nhà bán bánh có tiền là tôi lại đi”.

Ròng rã hàng chục năm trời với hàng trăm lá đơn được gửi đi khắp nơi mà vụ án vẫn rơi vào im lặng. Gia đình bà Nga gần như buông xuôi, chấp nhận sống với thân phận bị can cho đến cuối đời. Thế rồi nhìn người mẹ đang ngày một già yếu, rồi chứng kiến những đứa con của mình phải chịu tiếng xấu nên anh Dương quyết định thay mẹ tiếp tục gửi đơn kêu oan. Và lời kêu oan ấy cuối cùng cũng được hồi đáp.

Ngày 24/10, TAND tỉnh Điện Biên quyết định tổ chức xin lỗi công khai với bà Đặng Thị Nga, ông Trịnh Huy Dương và người đại diện hợp pháp của ông Trịnh Công Hiến tại hội trường của UBND thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Hàng trăm người dân đã tới tham dự, chia vui cùng gia đình bà Nga.

Thay mặt các cơ quan tố tụng, ông Phạm Văn Nam, Chánh án TAND tỉnh Điện Biên đã công khai xin lỗi 3 mẹ con bà Nga vì đã truy tố, xét xử oan cho họ. Theo ông Nam, thời gian tới, gia đình có yêu cầu, toà án tỉnh sẽ giải quyết bồi thường theo đúng quy định pháp luật.

Cũng tại buổi xin lỗi công khai, ông Trịnh Minh Hải – đại diện chính quyền thị trấn Tuần Giáo nói lời cảm ơn các cơ quan tố tụng đã xin lỗi công khai các công dân theo quy định với tinh thần khẩn trương, góp phần giảm đau thương của gia đình.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.