Mạng lưới 8 cao tốc, 11 quốc lộ và 35 đường tỉnh ở Hà Nội

TP Hà Nội vừa công bố đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 để lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và đại diện cộng đồng dân cư, trong đó có đưa ra đánh giá hiện trạng giao thông trên địa bàn.

Theo đó, về hệ thống đường cao tốc, đến năm 2022, Hà Nội có 8 tuyến đường cao tốc (CT) đã được hình thành, bao gồm: (CT.03) Láng - Hòa Lạc - Hòa Bình; (CT.07) Hà Nội - Thái Nguyên; (CT.04) Hà Nội - Hải Phòng; (CT.01) Pháp Vân - cầu Giẽ; (CT.01) Hà Nội - Lạng Sơn; (CT.05) Hà Nội - Lào Cai; (CT.09) Hà Nội - Hạ Long; (CT.20) Vành đai 3 trên cao.

Bên cạnh đó, ba tuyến cao tốc chưa hình thành, gồm: Đường Vành đai 4 (đã khởi công xây dựng); đường Vành đai 5; Tây Bắc - Quốc Lộ 5. Như vậy, Thủ đô Hà Nội đã cơ bản hoàn thành hệ thống giao thông đối ngoại ở cả 4 hướng đông, tây, nam, bắc.

Một đoạn cao tốc vành đai 3 trên cao. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Về hệ thống đường quốc lộ, trong giai đoạn 2011 - 2022, thành phố có 6/11 tuyến quốc lộ (QL) đã và đang được đầu tư cải tạo, mở rộng theo quy hoạch: QL1; QL21B; QL32; QL21; QL6; QL5. Hiện nay, còn 5/11 tuyến QL chưa được đầu tư cải tạo, mở rộng theo quy hoạch: QL2; QL3; QL18; QL23; QL2C. 

QL5 và QL18 tạo nên một hành lang nối Hà Nội với khu vực đông bắc và các cảng Hải Phòng, Cái Lân. Đây là những tuyến đường có tầm quan trọng cả về kinh tế và quốc phòng có nhiệm vụ nối hai trung tâm kinh tế lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía bắc.

QL5 hiện tại có 6 làn xe với bề rộng mặt cắt ngang 21 - 30 m, đoạn trên địa bàn Hà Nội dài khoảng 11 km. QL18 đã được nâng cấp cải tạo theo tiêu chuẩn đường 4 làn xe đoạn trên địa bàn Hà Nội với chiều dài khoảng 17 km.

QL1A mới phía bắc là tuyến giao thông nối Hà Nội với cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, hiện tại đã được nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp III-ĐB. QL1A mới phía nam được xây dựng và khai thác từ năm 2002 với quy mô đường cấp I-ĐB, chiều dài tuyến khoảng 31,88 km cho 4 làn xe với bề rộng nền đường 25 m, mặt 22 m.

QL1A cũ phía bắc và QL1A cũ phía nam là tuyến đường bộ huyết mạch của Việt Nam chạy từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau. Phần chạy trên địa bàn Hà Nội phía bắc là 7,3 km, phía nam dài khoảng 30,67 km với mặt đường bê tông nhựa, nền rộng 9 - 10 m.

QL6 nối Hà Nội với các khu vực tây bắc của đất nước, đặc biệt nối với trung tâm thuỷ điện lớn nhất nước hiện nay là nhà máy thuỷ điện Hoà Bình, cách Hà Nội khoảng 70 km. Đoạn tuyến của QL6 qua địa bàn Hà Nội có chiều dài khoảng 29,8 km.

QL3 và QL2: QL2 được đấu nối với đường Võ Văn Kiệt , tạo mối liên hệ từ Thủ đô đi các tỉnh phía tây và tây bắc. QL3 đoạn từ huyện Sóc Sơn về thành phố đã được mở rộng để đảm bảo lưu lượng giao thông. Trên địa bàn Hà Nội QL2 có chiều dài khoảng 5 km, QL3 từ Vành đai III đến ranh giới tỉnh Thái Nguyên có chiều dài khoảng 20 km.

QL32 nối trung tâm Hà Nội với các tỉnh phía tây bắc như Phú Thọ, Yên Bái. QL32 bắt đầu từ Cầu Giấy, là tuyến QL đi vào Thủ đô từ phía tây, đoạn từ nút Mai Dịch vào nội thành mặt cắt ngang là 33 m. Đoạn tuyến tiếp theo từ Nhổn đến Trung Hà đã được mở rộng với 2 - 4 làn xe, tương đương cấp II-ĐB. Trên địa bàn Hà Nội QL32 có chiều dài khoảng 55,5 km.

QL21B thuộc tuyến đường bộ hành lang Cửa Đáy (Ninh Bình) đi tây bắc gồm QL12B, QL21B nối QL6 cũng là một trong những hành lang vận tải quan trọng của miền Bắc. Phần chạy trên địa phận Hà Nội dài 41,605 km, từ Ba La đến Chợ Dầu, huyện Ứng Hòa, tuyến đi qua Hà Đông, Thanh Oai, Ứng Hòa và là tuyến chính phục vụ du lịch lễ hội Chùa Hương, mặt đường bê tông nhựa.

QL21 là một phần của tuyến đường thuộc tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn thuộc địa phận Hà Nội từ Sơn Tây đến Cầu Cời (huyện Chương Mỹ ) dài 46 km, sẽ là tuyến trực thuộc chuỗi các đô thị trong tương lai như Sơn Tây – Hòa Lạc – Xuân Mai.

QL2C nối với QL37 tại Sơn Dương, liên kết Hà Nội với các tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Hà Giang, phần trên địa bàn Hà Nội dài 0,85 km, mặt đường bê tông xi măng.

QL23 nối từ đường đê Tả Hồng tại vị trí khu công nghiệp Bắc Thăng Long đến Phúc Yên nhập vào QL2, là tuyến đường phân bổ lưu lượng xe cho QL2. Trên địa phận Hà Nội đoạn tuyến có chiều dài khoảng 20,35 km.

Đối với hệ thống đường tỉnh, mạng lưới đường tỉnh (ĐT) trên địa bàn Thủ đô Hà Nội bao gồm 35 tuyến. 

 

 

 Hiện trạng hệ thống đường tỉnh trên địa bàn Thủ đô Hà Nội. (Ảnh chụp màn hình từ đồ án).

Hệ thống vành đai, hiện nay Hà Nội mới có một tuyến vành đai (VĐ) đã khép kín (VĐ2); còn 4/5 tuyến theo quy hoạch đã và đang đầu tư hình thành các đoạn tuyến.

Cụ thể, Vành đai 1, VĐ1 thực ra là một tuyến không khép kín hoàn chỉnh, song cho đến nay vẫn tồn tại trong các đánh giá mạng lưới giao thông Thủ đô. Tuyến đường bắt đầu từ đê Nguyễn Khoái - Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Đào Duy Anh - Ô Chợ Dừa - Cầu Giấy - Bưởi - Lạc Long Quân - đê Yên Phụ.

Vành đai 2, theo quy hoạch, VĐ2 có tổng chiều dài 38.91 km và qua các điểm khống chế chính như sau: Bắt đầu từ dốc Minh Khai - Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở - Đường Láng - Cầu Giấy - Bưởi - Lạc Long Quân - đê Nhật Tân và vượt sông Hồng từ vị trí xã Phú Thượng sang xã Vĩnh Ngọc, qua Đông Hội, Đông Trù, QL5, tiếp tục vượt sông Hồng tại Vĩnh Tuy nối vào dốc Minh Khai thành một vành đai khép kín.

Hiện tại Vành đai 2 mới cơ bản hình thành một nửa ở phía nam sông Hồng, phía bắc đã có đoạn từ nút cầu Chui (nút trung tâm quận Long Biên) đến cầu Vĩnh Tuy. Từ tháng 1, thành phố chính thức thông xe đoạn tuyến Vành đai 2 trên cao. Đoạn tuyến Vành đai 2 trên cao dài hơn 5 km, điểm đầu tiếp giáp phía nam cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tiếp giáp với nút giao Ngã Tư Sở. Phần dưới thấp dài hơn ba km, điểm đầu kết nối với cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tại nút giao Ngã Tư Vọng.

Vành đai 3, VĐ3 bắt đầu từ đường Bắc Thăng Long - Nội Bài - Mai Dịch - Thanh Xuân - Pháp Vân - Sài Đồng - cầu Phù Đổng - Ninh Hiệp – đi trùng đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên đoạn Ninh Hiệp tới Dục Tú đi tiếp phía nam đường sắt vành đai để nối trở lại với đường Bắc Thăng Long - Nội Bài tại khu vực Quang Minh thành tuyến đường khép kín.

Vành đai 4 và Vành đai 5 - hai tuyến vành đai liên vùng, VĐ4 chưa được hình thành; VĐ5 mới chỉ hình thành một số đoạn tuyến và chưa kết nối (mới chỉ hình thành cầu Vĩnh Thịnh và đoạn tuyến đường đi trùng đường Hồ Chí Minh hiện có; đoạn qua thị xã Sơn Tây và các huyện Ba Vi, Mỹ Đức, Ứng Hòa chưa được đầu tư hình thành).

Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đưa ra đánh giá việc thực hiện quy hoạch giao thông: Mạng lưới các tuyến đường giao thông thuộc hệ thống hạ tầng khung vẫn chưa hình thành đồng bộ theo quy hoạch (Vành đai 3 chưa khép kín; Vành đai 2,5 và Vành đai 3,5 vẫn chỉ đang triển khai từng đoạn chưa kết nối toàn tuyến; Vành đai 4 đang trong giai đoạn đầu tư hình thành); hệ thống các tuyến đường hướng tâm kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh vẫn chủ yếu khai thác trên cơ sở hệ thống đường quốc lộ hướng tâm hiện có.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.