Chuyện bi hài khi đổi tiền ở Ấn Độ | |
Người Ấn Độ sẵn lòng hiến thận cho Ngoại trưởng |
Người dân Ấn Độ xếp hàng chờ đổi tiền ở làng Hanuman Ganj, ngoại ô thành phố Allahabad, bangUttar Pradesh. Ảnh: AFP/Getty |
Khoảng một phần ba giao dịch tại Ấn Độ được thực hiện bằng tiền mặt trốn thuế, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản, thương mại, hàng hóa xa xỉ và dịch vụ tiệc cưới. Trước tình trạng thất thoát thuế hàng tỷ USD mỗi năm, chính phủ ban bố chính sách mới thằm siết chặt tình trạng trốn thuế và tham nhũng.
Lệnh cấm này đang làm chao đảo nền kinh tế Ấn Độ. Người dân Ấn Độ đang đau đầu nghĩ cách để cứu lấy hàng nghìn, thậm chí hàng triệu rupee tiền trốn thuế, sau khi Thủ tướng Narendra Modi khai tử đồng 500 và 1000 rupee, yêu cầu người dân đổi sang tiền mới.
Theo NY Times, dân chúng nháo nhác nghĩ cách hợp thức hóa số tiền mặt đang có để tránh tổn thất. Vì mỗi người chỉ được đổi tối đa 250.000 rupee, tương đương 3.700 USD mà không cần bằng chứng đã đóng thuế, tình trạng người giàu đưa tiền cho người nghèo và trả phí để họ đi đổi tiền hộ đang diễn ra ở đất nước này.
Một số khác xách cả va li tiền tới các tiệm vàng bạc và quần áo hàng hiệu, năn nỉ được mua hàng với hóa đơn cũ. Thậm chí để tránh bị điều tra, người ta còn vứt cả bao tiền vào sọt rác hoặc thả trôi sông.
Giờ đây, người dân phải xếp hàng hàng giờ liền trước cửa ngân hàng và máy ATM để đổi tiền và thường xuyên phải ra về tay trắng vì tiền mới vẫn chưa in kịp.
Các nhà phân tích cho rằng nền kinh tế vốn phụ thuộc vào tiền mặt như Ấn Độ sẽ không tránh khỏi hỗn loạn sau lệnh cấm.
Thời báo Ấn Độ tuần trước đưa tin, một số phụ nữ giàu nghĩ ra cách trả lương trước cả năm cho người giúp việc bằng tiền cũ. Những người giúp việc sau đó có thể ra ngân hàng đổi lấy tiền mới do tổng giá trị vẫn không vượt quá 3.700 USD. Số khác tìm cách thanh toán các dịch vụ như làm tóc, yoga hay gia sư trước hàng tháng trời.
Trước lệnh cấm mới, người dân Ấn Độ đang nháo nhác nghĩ cách hợp thức hóa số tiền mặt đang có để tránh tổn thất. Ảnh: AP |
Tina Tahiliani Parikh, giám đốc điều hành tập đoàn Ensemble, chủ sở hữu chuỗi thời trang hàng hiệu, cho biết khách hàng thường mang cả bao tiền đến và van nài nhân viên xuất hóa đơn từ nhiều ngày trước. Đương nhiên những yêu cầu này bị từ chối. Doanh thu của Ensemble giảm 60% kể từ khi lệnh cấm được ban hành.
Bất động sản bị thiệt hại nặng nề bởi chính sách cấm tiền đen, do giấy tờ giao dịch thường chỉ phản ánh một phần giá trị thanh toán bằng séc (người bán không có cách nào giải thích với cơ quan thuế về số tiền mặt mà họ nhận được), thường chiếm tới 60% giá trị giao dịch.
Đen đủi nhất là những người vừa bán bất động sản, bởi giờ đây họ không có cách nào để tiêu hay đầu tư số tiền vừa nhận. Một người đàn ông mới bán bất động sản với giá 3,5 triệu rupee, tương đương 51.000 USD đã thuê 14 người đi đổi tiền cho mình.
Dịch vụ cưới xin cũng điêu đứng vì lệnh cấm. Nhiều gia đình đã tích nhiều tiền mặt để chuẩn bị cho mùa cưới sắp tới giờ đang đau đầu tìm cách cứu vãn. Những cặp đôi dự tính tổ chức hôn lễ tại khách sạn 5 sao có lẽ sẽ phải ngậm ngùi bằng lòng với một đám cưới đơn giản hơn.
Những mánh khóe này có thành công hay không phụ thuộc vào mức độ giám sát của cơ quan thuế và cán bộ ngân hàng. Dù chính quyền ông Modi tuyên bố sẽ có biện pháp mạnh để xử lý, thực trạng quản lý trong vài năm qua lại rất lỏng lẻo.