Mấu chốt quyết định bản án đối với bà Trương Mỹ Lan

Bà Trương Mỹ Lan có hay không tham ô, chỉ đạo đưa hối lộ; số tiền phải bồi thường cho SCB... là những vấn tòa sẽ chốt để đưa ra phán quyết đối với Chủ tịch Vạn Thịnh Phát.

Ngày 11/4, sau hơn một tháng xét xử, TAND TP HCM tuyên án đối với bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 người khác liên quan đến các sai phạm tại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - SCB.

Quá trình xét hỏi và tranh luận, 80/86 bị cáo thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội (5 người trốn truy nã bị xét xử vắng mặt). Họ xin HĐXX xem xét toàn diện vụ án, đánh giá tính chất, mức độ, vai trò của mình và khoan hồng giảm nhẹ hình phạt. Riêng bà Trương Mỹ Lan và các luật sư còn nhiều nội dung không cùng quan điểm truy tố của VKS về tội Tham ô, Đưa hối lộ, định giá tài sản và số tiền thiệt hại.

Do đại án có nhiều bị cáo, tính chất phức tạp, đặc biệt nghiêm trọng nên phần tuyên án sẽ kéo dài. Dự kiến cuối ngày tòa sẽ đưa ra phán quyết.

Bà Trương Mỹ Lan tại tòa. (Ảnh: Quỳnh Trần). 

Quan điểm trái chiều về tội Tham ô tài sản

Sau nhiều vòng tranh luận, VKS vẫn giữ nguyên quan điểm xác định bà Lan đã lợi dụng chính sách của Nhà nước trong đề án tái cơ cấu SCB, thâu tóm nhà băng (sở hữu 91,5 % cổ phần) trong suốt 10 năm (2012-2022) như một công cụ tài chính để huy động vốn, rút tiền, chiếm đoạt, phục vụ kinh doanh cá nhân và Hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát.

Theo VKS, bị cáo phạm tội nhiều lần trong thời gian dài, có tổ chức, thủ đoạn tinh vi; không thành khẩn, khai báo quanh co, đổ lỗi cho cấp dưới; gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng... nên đề nghị mức án tử hình về các tội Tham ô tài sản; 20 năm tù về tội Đưa hối lộ; 19-20 năm tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hợp hình phạt, VKS đề nghị mức án tử hình đối với bà Lan.

Trong khi đó, các luật sư cho rằng bà Lan không phạm tội Tham ô tài sản vì bị cáo không phải là người có chức vụ, quyền hạn tại SCB. Hơn nữa, hành vi phạm tội của thân chủ diễn ra trong suốt 10 năm là cùng phương thức và đã thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Việc VKS truy tố bà Lan thêm tội Tham ô tài sản như một tội danh độc lập là chưa thỏa đáng, "làm nặng thêm tình trạng của bị cáo".

Không giấu thái độ gay gắt trước quan điểm này, đại diện VKS viện dẫn điều luật, khẳng định chủ thể tội danh này là "người nào có chức vụ, quyền hạn" chứ không phải có "chức vụ  quyền hạn" như cách tiếp cận của các luật sư. Bà Lan sở hữu đến 91,5 % cổ phần tại SCB, nên nắm quyền cao nhất trong Đại hội đồng cổ đông, chi phối điều hành các bị cáo có chức vụ khác trong HĐQT, Ban giám đốc... của ngân hàng.

Ngoài ra, Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, có hiệu lực ngày 1/1/2018 đã quy định về tội Tham ô tài sản thuộc sở hữu tư nhân. Hành vi của Trương Mỹ Lan và đồng phạm trong suốt 10 năm được chia thành hai giai đoạn trước vào sau ngày bộ luật này có hiệu lực. Do đó, hành vi phạm tội của bà Lan và đồng phạm xảy ra sau ngày 1/1/2018 sẽ bị xử lý theo bộ luật mới, tương ứng với tội danh Tham ô tài sản.

Về cáo buộc Đưa hối lộ 5,2 triệu USD cho bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, trưởng đoàn thanh tra), VKS đánh giá bà Lan có hai lần gặp gỡ, bàn bạc, trao đổi với bà Nhàn. Bà Nhàn là người biết rất rõ về thực trạng yếu kém và nhiều sai phạm tại SCB. Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu tổng giám đốc SCB) cũng khai nhận bị cáo Lan chỉ đạo đưa tiền cho bà Nhàn để "bưng bít sai phạm". Tiền được chuyển từ SCB Sài Gòn ra chi nhánh SCB tại Cầu Giấy (Hà Nội) sau đó rút ra và đưa cho bà Nhàn nên có đủ cơ sở để truy tố bà Lan về tội Đưa hối lộ.

Tuy nhiên, theo các luật sư, ngoài lời khai nhận tội của Nhàn và Văn, thì không có chứng cứ nào thể hiện bà Lan chỉ đạo việc đưa tiền hối lộ, nên không có cơ sở buộc tội thân chủ về tội danh này. Còn bà Lan, trong quá trình tranh luận và khi nói lời sau cùng đã nhiều lần "tha thiết mong HĐXX xem xét lại tội danh và cung cấp bằng chứng về tội Tham ô tài sản và Đưa hối lộ".

Các luật sư bào chữa cho bà Lan tại tòa. (Ảnh: Thanh Tùng).

Hàng trăm tài sản thế chấp chưa định giá

Xuyên suốt phiên xử, bà Lan và luật sư cho rằng Công ty Hoàng Quân định giá 726/1.166 tài sản được thế chấp vay tiền SCB là "quá thấp", chỉ có 295.000 tỷ đồng. Khi SCB định giá lại còn thấp hơn (179.000 tỷ đồng) - làm giảm đi so với giá trị thực tế khoảng 116.000 tỷ. Việc này là không hợp lý, gây bất lợi cho bà Lan; còn hàng trăm mã tài sản chưa được định giá.

Đối đáp, VKS cho rằng phần lớn những mã tài sản Công ty Hoàng Quân không định giá được là do không đầy đủ thông tin hoặc hồ sơ pháp lý. Ví dụ: bất động sản tại 152 Trần Phú (quận 5;) 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1)... đã bị kiến nghị thu hồi nên không thể định giá. Ngoài ra, một số mã tài sản là cổ phần hoặc phần vốn góp của doanh nghiệp mà SCB nhận thế chấp bổ sung, nhưng thực tế doanh nghiệp này chỉ sở hữu duy nhất một dự án, mà quyền sử dụng đất của dự án này cũng thế chấp cho SCB, thì Công ty Hoàng Quân chỉ định giá phần bất động sản; không định giá cổ phần/vốn góp, để tránh định giá hai lần đối với cùng tài sản.

Sau khi Công ty Hoàng Quân đã định giá tại thời điểm ngày 30/9/2022, thì ngoài việc căn cứ trên giá công ty này đã định, SCB còn phải căn cứ trên từng hồ sơ thế chấp, hồ sơ cầm cố tài sản cho từng khoản vay để tính số tiền dự phòng cụ thể (số tiền dự phòng của SCB không lấy từ giá trị tài sản được định giá). Hồ sơ thế chấp, cầm cố tài sản được SCB chấp nhận là các hồ sơ phải có đủ các điều kiện: SCB có quyền xử lý tài sản bảo đảm theo hợp đồng, quy định của pháp luật khi khách hàng không thực hiện nghĩa vụ của mình; tài sản bảo đảm phải được công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm đúng theo cách thức mà pháp luật yêu cầu khi thế chấp. Khi tài sản nào không đáp ứng cả hai tiêu chí trên thì giá trị của tài sản bảo đảm đó phải coi bằng 0.

Luật sư của bà Lan vẫn không đồng tình, cho rằng điều này khiến trách nhiệm của bà Lan "trở nên nặng nề hơn".

SCB bị thiệt hại bao nhiêu?

Theo VKS, từ 2012 đến năm 2022, bà Lan với nhiều phương thức thủ đoạn đã chỉ đạo lập khống hồ sơ, cho vay, giải ngân 2.527 khoản với tổng số tiền là 1.066.608 tỷ đồng. Đến ngày khởi tố vụ án (17/10/2022) nhóm bà Lan còn 1.284 khoản vay với dư nợ 677.286 tỷ đồng. Hành vi phạm tội của bà Lan diễn ra trong thời gian dài, sử dụng SCB như một công cụ tài chính để huy động tiền cho hoạt động kinh doanh và mục đích cá nhân. Bất cứ khi nào cần tiền, bà Lan chỉ đạo nhóm nhân viên thân tín và cán bộ chủ chốt của SCB lập hồ sơ khống, giải ngân... Do đó, số tiền thiệt hại của vụ án phải được xác định là dư nợ của các khoản vay, nên bà Lan phải có trách nhiệm bồi thường về số tiền này cho SCB.

Các luật sư cho rằng việc quy kết số tiền thiệt hại bà Lan phải chịu trách nhiệm như trên là không đúng. Hiện, không có một báo cáo nào đưa ra con số này cũng như chưa được cơ quan trưng cầu giám định trong tố tụng kết luận làm căn cứ. Tuy nhiên, VKS khẳng định, bằng nhiều biện pháp thu thập chứng cứ, cơ quan tố tụng đã xác định được con số thiệt hại trong vụ án, nên không cần thiết phải trưng cầu Hội đồng định giá tài sản trong Tố tụng hình sự.

Dù không đồng tình với một số cáo buộc, nhưng quá trình xét xử, bà Lan nhận trách nhiệm trong một số sai phạm của SCB, và xin chịu trách nhiệm cùng với các lãnh đạo của ngân hàng. Nói lời sau cùng, bà bảo hối hận vì đã tham gia tái cơ cấu SCB khi bản thân không có hiểu biết về lĩnh vực ngân hàng. Đồng thời, bà bày tỏ mong muốn được Nhà nước tạo điều kiện để xử lý tài sản nhằm khắc phục hậu quả của vụ án.

Ông Chu Lập Cơ tại tòa. (Ảnh: Quỳnh Trần).

Trước việc vợ bị đề nghị mức án tử hình, tỷ phú Hong Kong Chu Nap Kee Eric - tức Chu Lập Cơ, nhiều lần xin HĐXX cứu xét cho bà Lan "được sống", xin cho mình "cơ hội cứu vợ". "Chỉ có sớm trở về tôi mới giúp vợ giải quyết được hậu quả. Chỉ có tôi mới làm được việc đó bằng những nỗ lực lớn nhất", ông bày tỏ khi nói lời sau cùng.

Bị cáo buộc có vai trò giúp sức tích cực cho bà Lan, 3 cựu lãnh đạo SCB gồm: Đinh Văn Thành (đang bỏ trốn), Bùi Anh Dũng, cựu chủ tịch; Võ Tấn Hoàng Văn và cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn cũng bị VKS đề nghị mức án tù chung thân.

Các bị cáo còn lại bị đề nghị mức án từ 3 năm tù cho hưởng án treo đến 20 năm tù về loạt tội danh. 

chọn
Một doanh nghiệp dự chi gần 18.000 tỷ xây loạt cao ốc 25-40 tầng ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ
Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (khu K2) do Hacom Holdings làm chủ đầu tư vừa qua đã được điều chỉnh tổng vốn thành 17.779 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý III/2024 - quý I/2029.