Nhân viên Tập đoàn Vạn Thịnh Phát: 'Chỉ làm theo lệnh mà mức án ngang các sếp'

Bị cáo Đặng Phương Hoài Tâm khóc, nói chỉ làm theo chỉ đạo, nhưng VKS đề nghị mức án ngang các sếp trong Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là quá cao, xin giảm nhẹ.

Chiều 25/3, một số nhân viên thân tín của bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) được luật sư bào chữa về cáo buộc giúp sức tích cực cho bà chủ tập đoàn hợp thức hóa hồ sơ, phương án vay, rút hàng trăm nghìn tỷ đồng khỏi SCB.

Đặng Phương Hoài Tâm (Trưởng Văn phòng HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) là một trong những nhân viên thân tín của bà Lan, bị cáo buộc nhận chỉ đạo từ bà Lan quản lý tài sản công ty; phối hợp Nguyễn Phương Anh (Phó Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula) thành lập công ty "ma" để đứng tên khoản vay và quản lý dư nợ của các công ty này. Ngoài ra, Tâm còn phối hợp một số bị cáo khác lên phương án "giải quỹ" số tiền đã được SCB giải ngân, giúp bà Lan chiếm đoạt 171.359 tỷ đồng, gây thiệt hại 57.363 tỷ đồng.

VKS đánh giá Tâm giúp sức tích cực cho bà Lan gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nên đề nghị HĐXX tuyên phạt 19-20 năm tù về tội Tham ô tài sản.

Bị cáo Đặng Phương Hoài Tâm tại tòa. (Ảnh: Trung tâm báo chí TP HCM).

Tự bào chữa, bị cáo Tâm nói, không thực hiện một số hành vi như cáo trạng nêu, chỉ quản lý tài sản của Công ty Vạn Thịnh Phát, theo dõi dư nợ của các khoản vay có tài sản đảm bảo, không quản lý các công ty "ma" cũng như dư nợ của các khoản vay này.

Về "giải quỹ", bà Tâm cũng phủ nhận, nói "không biết gì", lời khai của bà Lan và các bị cáo khác là sếp Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã minh chứng cho bị cáo không thực hiện hành vi như cáo buộc.

Trình bày thêm, Tâm cho biết được bổ nhiệm làm quản lý Văn phòng HĐQT của Vạn Thịnh Phát vì không có ai làm, thực chất bị cáo làm các công việc như lúc còn là nhân viên. "Bị cáo chỉ làm theo chỉ đạo, không biết mình đã phạm tội gì mà mức án VKS đề nghị lại ngang ngửa với các sếp. Nếu trong quá trình làm việc, hỗ trợ cho các sếp có phạm luật, bị cáo kính xin HĐXX xem xét. Bị cáo đang một mình nuôi con và cha mẹ già", Tâm bật khóc.

Bào chữa cho bà, luật sư Nguyễn Tuấn Như cho rằng thân chủ chỉ có trình độ trung cấp kế toán, làm việc trên tinh thần chấp hành đúng chỉ đạo của HĐQT, không nhằm mục đích hưởng lợi.

"Bị cáo làm việc giống như người thủ kho, cung cấp thông tin các công ty theo yêu cầu cấp trên. Có hay không có bị cáo thì các chỉ đạo từ bà Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vẫn được thực hiện", luật sư Như nói, thêm rằng việc Tâm cung cấp các công ty thuộc tập đoàn cho bị cáo Nguyễn Phương Anh lập hồ sơ để vay tiền SCB là hành vi "có lỗi vô ý". Bị cáo Tâm hoàn toàn không được trao đổi, bàn bạc về động cơ mục đích, sai phạm xuất phát từ sự tin tưởng vào bà Lan.

Luật sư cũng nêu thêm nhiều tình tiết giảm nhẹ của Tâm như nhân thân tốt, hoàn cảnh khó khăn khi chồng chết, phải một mình nuôi cha mẹ già, con ăn học... để đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Bà Trương Mỹ Lan tại tòa. (Ảnh: Thanh Tùng).

Tương tự, luật sư của Nguyễn Phương Anh, Phó Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula, cho rằng mức án VKS đề nghị đối với thân chủ 19-20 năm là quá nặng.

Phương Anh bị cáo buộc giúp bà Lan tạo lập, quản lý các pháp nhân "ma", tìm người đứng tên cổ phần, vay vốn, ký chứng từ rút, nộp tiền tạo dựng hồ sơ vay vốn khống và rút tiền giải ngân tại SCB; phối hợp với nhiều người liên quan để "giải quỹ" các khoản vay từ SCB. Hành vi của Phương Anh đã giúp bà Lan chiếm đoạt hơn 297.417 tỷ đồng, gây thiệt hại hơn 128.730 tỷ.

Theo luật sư, bị cáo Phương Anh thực chất chỉ là người làm thuê hưởng lương, không vụ lợi cá nhân. Thời điểm đó, hoàn cảnh gia đình bị cáo khó khăn, vợ bị bệnh nặng phải phẫu thuật cắt một phần cơ thể, con nhỏ, cha mẹ già, nên nếu không làm việc sẽ không có thu nhập để nuôi gia đình. Sai phạm của bị cáo một phần do thiếu hiểu biết pháp luật, nghĩ rằng việc bà Lan được NHNN chấp thuận cho tái cơ cấu, nên chỉ đạo làm những việc đúng theo quy định. Việc bị cáo đứng tên là Phó tổng giám đốc Công ty Peninsula cũng chỉ là "cho có lệ", chứ không có quyền hạn đúng nghĩa.

Luật sư đề nghị HĐXX xem xét hành vi của Phương Anh không phải nguyên nhân chính, trực tiếp gây ra hậu quả; ghi nhận tình tiết bị cáo đã khắc phục một phần, tích cực giúp cơ quan điều tra giải quyết vụ án... để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Đến nay, khoảng gần một nửa số bị cáo đã thực hiện quyền bào chữa tại tòa. Ngày mai, phiên tòa tiếp tục với phần bào chữa của các bị cáo còn lại.

chọn
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Kính siêu trắng sẽ là mũi nhọn 5 năm tới của Đạt Phương, dự kiến mang về doanh thu nghìn tỷ từ 2026
Theo kế hoạch, quý I /2025 Đạt Phương sẽ khởi công nhà máy sản xuất kính siêu trắng tại Thừa Thiên - Huế, dự kiến từ 2026 sẽ mang về doanh thu 1.500 - 2.000 tỷ đồng. Chủ tịch Đạt Phương cho biết, đây là ngành mũi nhọn của Đạt Phương trong thời gian tới, doanh nghiệp đang có những lợi thế lớn trên thị trường kính siêu trắng.