Trưa 11/3, ngoài việc thẩm vấn bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) về việc thâu tóm SCB, rút tiền trái pháp luật để phục vụ cho Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, HĐXX cũng nhằm làm rõ nguồn tiền mặt bị cáo đã chỉ đạo rút từ SCB chuyển về nhà và phòng làm việc tại tập đoàn.
Theo cáo buộc, khi cần sử dụng ngay một số tiền mặt, bà Lan trực tiếp chỉ đạo thư ký Nguyễn Phương Hồng (đã chết), Trần Thị Mỹ Dung (Phó tổng giám đốc SCB) chuẩn bị, và báo Bùi Văn Dũng (tài xế) đến SCB Chi nhánh Sài Gòn nhận tiền. Hồng và Dung có nhiệm vụ liên hệ với người tại Vạn Thịnh Phát tìm cá nhân đến ký hồ sơ hợp thức hóa các khoản tiền đã giải ngân trước đó.
Tiền mặt xuất khỏi nhà băng sẽ được Dũng chở bằng ôtô về nhà riêng của Chủ tịch tập đoàn là tòa nhà Sherwood số 127 Pasteur, quận 3, TP HCM; hoặc trụ sở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát ở 193-203 Trần Hưng Đạo. Tiếp đó, Dũng hoặc Trần Thị Hoàng Uyên (trợ lý của bà Lan) sẽ chuyển đến các địa chỉ khác nhau do bà Lan chỉ đạo. Hai người này không được phép ghi chép, lưu giữ về lai lịch, địa chỉ người nhận tiền.
Cáo trạng xác định, từ ngày 26/2 đến ngày 12/9/2022, theo chỉ đạo của bà Lan, Dũng vận chuyển hơn 108.878 tỷ đồng và 14,7 triệu USD từ SCB về Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (193-203 Trần Hưng Đạo) hoặc về Hầm B1, Tòa nhà Sherwood (127 Pasteur, căn hộ bà Lan ở) hoặc giao, đưa cho một số cá nhân. Số tiền này, bà Lan dùng để trả nợ tiền mua các bất động sản; mua cổ phần các dự án và sử dụng vào các mục đích cá nhân khác.
Chủ tọa hỏi: "Tài xế Dũng chở tiền về nhà là theo yêu cầu của bị cáo đúng không?". Bà Lan không trả lời thẳng vào câu hỏi, nói "thật sự vào đây tôi mới biết con số" và kể lể về những công việc cần thu, chi ở SCB suốt 11 năm...
Chủ tọa ngắt lời, tiếp tục truy vấn: "Dũng có chở từng đó tiền về nhà bị cáo không? Bà Lan xác nhận "có, nhưng không phải tôi chỉ đạo", đồng thời giải thích đó không phải nhà riêng của mình mà là tòa nhà trụ sở và cho thuê văn phòng.
Tiếp đó, HĐXX gọi Trần Thị Mỹ Dung lên đối chất. Bị cáo này thừa nhận việc tài xế Dũng vận chuyển tiền đều do bà Lan chỉ đạo.
Theo cựu phó tổng giám đốc SCB, có 3 chi nhánh để bà Lan rút tiền gồm: Cống Quỳnh, Sài Gòn, Bến Thành. Tiền này bà Lan sử dụng để mua dự án ở quận 7; sửa chữa, thanh toán chi phí cho các dự án khác như Ba Son, Mũi Đèn Đỏ... "Tiền để thanh toán cho các dự án là chuyển khoản, còn tiền chuyển về Vạn Thịnh Phát thì bà Lan nói thiếu tiền sử dụng cho việc riêng. Bị cáo không biết cụ thể là việc gì", Dung khai.
Chủ tọa cho biết, HĐXX đã triệu tập Bùi Văn Dũng (là bị can trong giai đoạn hai của vụ án) và người này đã có những lời khai rất rõ trong hồ sơ. Theo sổ ghi chép cùng lời khai của Dũng và Uyên, từ tháng 2/2019 đến khoảng tháng 9/2022, việc vận chuyển số tiền mặt nói trên từ SCB về nhà riêng bà Lan, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát hoặc giao cho người khác.
Tuy nhiên, đến nay, đích đến cuối cùng của khoản tiền này vẫn chưa được làm rõ.
Đường đi của dòng tiền rút ra khỏi SCB chỉ được xác định chung. Cho đến thời điểm bị khởi tố, dòng tiền của 1.283 khoản vay với tổng số 483.000 tỷ đồng còn dư nợ gốc (khi giải ngân là 525.480 tỷ đồng) của nhóm bà Lan được xác định như sau: trả nợ khoản vay cũ tại SCB: 57.000 tỷ đồng, chuyển khoản ra ngoài hệ thống SCB 381.000 tỷ đồng, rút tiền mặt 81.800 tỷ, chuyển khoản nội bộ ngân hàng 5.200 tỷ.
Hành vi của bà Lan bị cáo buộc khiến SCB mất thanh khoản, dư nợ tín dụng rất lớn không có khả năng thu hồi, vốn chủ sở hữu âm 443.000 tỷ đồng, lỗ lũy kế 464.000 tỷ đồng. Bà Lan cùng 8 người khác tại Vạn Thịnh Phát, 45 người của SCB, 7 người tại các công ty thẩm định giá bị quy kết gây thiệt hại cho SCB 500.000 tỷ đồng.
Ngoài vụ án này, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tách hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Rửa tiền liên quan đến 22 bị can và vụ Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng đối với hai bị can người nước ngoài là cựu thành viên HĐQT SCB, tiếp tục điều tra xử lý ở giai đoạn hai.
Chiều nay, phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi của VKS.