Sáng 11/3, TAND TP HCM bắt đầu xét hỏi bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) về các hành vi sai phạm tại Vạn Thịnh Phát và SCB.
Trong khoảng một giờ, HĐXX thẩm vấn bà Lan về cáo buộc thâu tóm 3 ngân hàng tư nhân để hợp nhất thành Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), sau đó sử dụng SCB như một công ty tài chính để cấp vốn cho hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát. Trong đó, bà Lan là người nắm giữ hơn 91,5% cổ phần công ty, chi phối toàn bộ hệ thống quản trị SCB.
Trả lời HĐXX, bà Lan cho biết nghe rất rõ cáo trạng đại diện VKS công bố tại tòa. Khi chủ tọa hỏi có thực hiện hành vi như cáo trạng nêu không, bị cáo đáp: "Kính thưa HĐXX, tôi tôn trọng nội dung bản cáo trạng".
Chủ tọa lưu ý: "Tòa không hỏi bị cáo có hay không tôn trọng, mà cáo trạng có đúng hay không?". Bà Lan đáp "không đúng", cho rằng mình không sở hữu 91,5 % cổ phần SCB như cáo trạng nêu. Trong lời khai của tại cơ quan điều tra, bà chưa bao giờ thừa nhận việc sở hữu số cổ phần này. Thực tế bị cáo chỉ sở hữu 5% cổ phần của SCB, còn lại là của người thân, bạn bè trong và ngoài nước.
Theo chủ tọa, cáo trạng không nói "bị cáo khai nhận sở hữu 91,5% cổ phần SCB" mà cáo trạng đã căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu thập được, xác định bị cáo sở hữu từng đó. Tuy nhiên, bà Lan vẫn cho rằng chỉ có hơn 4,9%, sau này (năm 2022) có thêm hai con gái của bà sở hữu mỗi người 5%, bạn bè nước ngoài 30% và bạn bè trong nước hơn 30%.
Chủ tọa truy vấn: "Bà giải thích thế nào về việc tất cả những người nắm cổ phần về mặt pháp lý đều xác nhận là đứng tên giùm Trương Mỹ Lan?".
Tuy nhiên, bị cáo không trả lời trực tiếp vào câu hỏi, mà đề nghị: "Xin HĐXX cho tôi nói về cổ đông nước ngoài - những người trước đây chỉ vào giúp SCB thôi, không có mục đích gì khác. Lúc đầu tôi ra sức thuyết phục họ, giờ làm sao tôi nhớ nổi hết là nhà đầu tư nào, công ty nào...".
Bà Lan khai, trước khi hợp nhất 3 ngân hàng vào ngày 1/1/2012, được động viên từ một số lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước. "Tôi được nhờ kêu gọi cổ đông 3 ngân hàng đừng quậy phá, vì 3 ngân hàng khác nhau, lãnh đạo khác nhau, nên bằng mọi giá phải kêu họ tiếp tục hợp nhất", bị cáo nói. Tiếp đó, Ngân hàng Nhà nước nhờ bà đi kêu gọi bạn bè đầu tư, để làm sao phải nắm số cổ phần trên 65%, nhóm này góp tiếng nói cùng mình để hợp nhất thành công.
"Lúc đầu tôi đã từ chối nhiều lần vì không có nghiệp vụ ngân hàng. Nhưng các anh ở Ngân hàng Nhà nước đã trấn an là, tôi có tiếng nói, có uy tín với các cổ đông nên sẽ làm được", bà Lan phân trần, thêm rằng, bà được lãnh yêu cầu kêu gọi nhóm bạn bè phải chiếm trên 65% cổ phần và phải kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài thì mới dễ thành công.
Theo bà Lan, những người được nhờ đứng tên "là đứng tên cổ phần của bạn bè" và không biết họ là ai, chưa từng gặp mặt. Ngay cả Tạ Chiêu Trung (cựu tổng giám đốc Công ty CP tài chính Việt Vĩnh Phú, cựu Thành viên HĐQT Ngân hàng SCB) người được giao quản lý cổ phần được nhờ đứng tên cũng không biết việc này mà chỉ biết quản lý theo yêu cầu.
Chủ tịch Vạn Thịnh Phát cho rằng lúc đó còn được yêu cầu "cho mượn tài sản" nên đã phải dùng khách sạn 5 sao Windsor Plaza để đưa vào cơ cấu ngân hàng vì "tài sản của SCB lúc đó xấu lắm". "Anh Tuấn (Trần Minh Tuấn, Phó Thống đốc) nói 'chị Lan ơi nếu chị không vào là sẽ bắt hàng trăm người'. Tôi vì thương người, không nghĩ mình lại có ngày hôm nay, phải đứng đây", bà Lan nói.
Bị cáo Lan giải thích thêm, sau khi hợp nhất, việc điều hành SCB là do ngân hàng điều hành. Lúc đó tình hình hỗn loạn vì bà chịu áp lực trả 20.000 tỷ đồng cho Nhà nước (vay để tái cơ cấu) nên chỉ biết đưa tiền vào. Thực sự có sơ xuất hay không, bà không biết.
"Nếu có sai sót gì thì mong HĐXX xem xét, vì những người làm tại SCB không phải tham tiền mà họ muốn cứu SCB. Nếu nói tôi ghê ghớm như cáo trạng nêu là chủ mưu, cầm đầu thâu tóm SCB thì gia tộc của tôi không mất hết tài sản", giọng bà Lan mất bình tĩnh.
Không đồng tình với cách giải thích của bà Lan, chủ tọa cho rằng không có một công thức nào là "phải biết Trương Mỹ Lan là ai mới đứng tên giúp được", đồng thời tiếp tục hỏi: "Bị cáo suy nghĩ thế nào về cáo buộc thâu tóm SCB và hệ thống quản trị của ngân hàng?".
"Xin HĐXX đừng dùng từ 'thâu tóm được không'?. Mỗi lần nghe, tôi thấy tim đau, xót xa lắm...", bà Lan bật khóc.
Theo chủ tọa, từ Chủ tịch, Tổng Giám đốc, đến các lãnh đạo SCB đều xác định làm việc theo chỉ đạo của bà Lan, kể cả nghị quyết của HĐQT. Thậm chí các cán bộ trong Đoàn thanh tra Ngân hàng Nhà nước, đều xác định trình độ quản trị SCB rất kém và họ rút ra được nguyên nhân là "SCB quản trị theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan".
Bị đề nghị giải thích về những lời khai này, bà Lan nói: "Hôm trước ông Võ Tấn Hoàng Văn (cựu tổng giám đốc SCB) có nói như vậy. Lời khai của Văn khiến tôi rất chạnh lòng, nhiều đêm mất ngủ. Tại sao là một Tổng giám đốc mà ông ấy lại không nói lên sự thật".
Bà Lan bị cáo buộc trong 10 năm liên tiếp (từ 2012 đến 2022) đã chỉ đạo những người thân cận tại Vạn Thịnh Phát phối hợp với cán bộ chủ chốt của SCB để giải ngân cho nhóm khách hàng của mình hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1.066.000 tỷ đồng.
Trong đó, giai đoạn 2012 đến 2017, bà Lan đã chỉ đạo lập hồ sơ khống cho 304 khách hàng, vay 368 khoản. Đến năm 2022, các khoản vay này còn dư nợ hơn 132 tỷ đồng gồm gốc và lãi. Sau khi cấn trừ vào số tài sản đảm bảo các khoản vay này gây thiệt hại 64.600 tỷ đồng. Hành vi này của bà Lan và đồng phạm được xác định phạm tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, từ tháng 2/2018 đến tháng 10/2022, bà Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn của SCB 545.000 tỷ đồng và chiếm đoạt 304.000 tỷ; gây thiệt hại gần 130.000 tỷ đồng tiền lãi phát sinh. Hành vi này được xác định là Tham ô tài sản.
Việc xác định tội danh của bà Lan được chia thành hai giai đoạn tương ứng với hai tội danh là căn cứ và tính hiệu lực của Bộ luật Hình sự năm 2015. Hành vi phạm tội của bà Lan và đồng phạm thực hiện trong thời gian dài, trong khi đó Bộ luật Hình sự 2015 có sự thay đổi về đường lối xử lý đối với các sai phạm xảy ra tại thời điểm trước và sau ngày 1/1/2018.
Cụ thể, trước ngày 1/1/2018, Bộ luật Hình sự 2015 chưa quy định về hành vi tham ô trong lĩnh vực tư nhân, SCB là ngân hàng cổ phần, không có vốn nhà nước. Vì thế, các hành vi phạm tội của bà Lan và đồng phạm thực hiện sau ngày 1/1/2018 bị xử lý về các tội Tham ô tài sản và Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, theo Bộ luật Hình sự 2015.
Chủ đầu tư 07:40 | 17/11/2024
Chủ đầu tư 15:17 | 15/11/2024
Chủ đầu tư 13:58 | 12/11/2024
Chủ đầu tư 07:29 | 09/11/2024
Chủ đầu tư 07:17 | 08/11/2024
Chủ đầu tư 15:29 | 07/11/2024
Chủ đầu tư 06:50 | 06/11/2024
Chủ đầu tư 07:27 | 05/11/2024