Chị Nguyễn Thị Kim Ngân đang công tác tại Bộ xây dựng, đã làm mẹ của một bé trai 3 tuổi hiếu động và thông minh. Với chị, việc làm mẹ không đơn thuần là cho con ăn, ngủ mà còn được cùng con khôn lớn. Để làm một người mẹ, một người bạn của con, chị Kim Ngân đã dành khá nhiều thời gian của mình nghiên cứu các phương pháp giáo dục trẻ, và chọn lọc, áp dụng phương pháp phù hợp với tính cách con và hoàn cảnh của gia đình.
Chị Kim Ngân bên cậu con trai nhỏ của mình |
Chị Kim Ngân cho biết, trong việc dạy dỗ và chơi cùng bé, chị đã suy nghĩ rất nhiều, loay hoay không ít trong việc nên hay không nên cho con tiếp xúc với ti vi, ipad từ sớm. Với nhiều cha mẹ, ở lứa tuổi các bé, nên cho con học nhiều điều mới lạ từ cuộc sống xung quanh, từ trực quan sinh động, không nên cho trẻ tiếp xúc với đồ công nghệ với vô số những tác hại được cảnh báo trên các phương tiện truyền thông. Nhưng với chị, việc cho con sử dụng đồ công nghệ có chọn lọc và điều tiết thời gian xem sẽ vẫn kích thích được sự phát triển tốt cho trí não và giúp con học hỏi được nhiều điều hay trên khắp năm châu.
- Chào chị, chị có thể cho em biết quan điểm của chị khi cho con tiếp xúc với các thiết bị điện tử được không ạ?
- Mình nói chung các thiết bị điện tử ở đây là ti vi, máy tính, ipad, điện thoại. Hiện nay, chỉ cần lên mạng tìm là có thể cho ra hàng nghìn kết quả về tác hại của các thiết bị này. Tác hại bao gồm khiến trẻ chậm nói, kém giao tiếp, hỏng mắt, não chậm phát triển. Có rất nhiều trường hợp bố mẹ bỏ mặc con với cái điện thoại/ ipad/ti vi hàng giờ, để con thích xem gì thì xem, làm gì thì làm. Cũng có không ít bố mẹ đưa điện thoại/ ipad/ti vi để dỗ con ăn, dỗ con nín khóc. Theo suy nghĩ của mình, bản thân các thiết bị này nó không hề có hại, nó là phát minh của xã hội. Chính cách bố mẹ sử dụng mới là gây hại cho con. Mình phản đối kịch liệt việc bố mẹ bỏ mặc con với cái điện thoại, rồi việc mình mình làm, con cái cứ nhìn vào những thiết bị ấy một cách đờ đẫn như những người máy vô hồn. Thực sự rất ám ảnh.
Nhưng tránh xa hoàn toàn thì theo mình nghĩ hơi lãng phí. Vì nhờ có các thiết bị điện tử, mà trẻ em ở các nước nhỏ như Việt Nam có thể tiếp cận với nền giáo dục của những nước phát triển. Nhờ có các thiết bị này, mà các bạn được đọc sách tiếng Anh, nâng tầm hiểu biết của mình, có thể biết các bạn trên thế giới đang sống như thế nào. Nên mình hi vọng các bố mẹ, có thể tận dụng, và sử dụng hiệu quả chúng.
Cụ thể, khi mình sử dụng các thiết bị điện tử để dạy tiếng Anh cho con, thì chúng đúng là cứu cánh cho các bà mẹ như mình. Mình muốn con muốn nghe, nói, đọc tiếng Anh chuẩn, nhưng bản thân mình đâu có chuẩn, thì mình phải cho con học và bắt chước từ cái chuẩn. Ở độ tuổi của bạn nhà mình, phần lớn thời gian mình cho bạn ấy học tiếng Anh thông qua việc tắm tiếng Anh, và nghe tiếng Anh hàng ngày, cùng với các hoạt động tiếng Anh hai mẹ con chơi cùng nhau. Tuy nhiên, khi vốn từ của mẹ không đủ và không chuẩn, con cần được học thêm từ các nguồn khác, và mình sử dụng một số phần mềm, chương trình học tiếng Anh khác để bổ trợ thêm cho con. Đến thời điểm hiện tại thì mình nhận thấy bạn tiếp thu được từ những gì bạn học là khá tốt vì thường các bạn bé có khả năng ghi nhớ từ hình ảnh rất nhanh.
Sử dụng thiết bị điện tử hỗ trợ cho bé nói tiếng Anh chuẩn hơn |
- Có nhiều ý kiến cho rằng, ở độ tuổi nào cũng có thể học tốt tiếng Anh, con có thể bắt đầu từ 6 tuổi hay 12 tuổi thì đều có tác dụng tốt như nhau và đạt được kết quả cuối cùng như nhau. Tuy nhiên, chị lại cho con học tiếng Anh khá sớm, chị có thể cho biết lý do tại sao được không ạ?
- Trong quá trình dạy con, mình chưa bao giờ nghĩ đến việc mình muốn tạo ra thần đồng, và con mình không phải là thần đồng. Mình đồng ý với quan điểm, con dù ở độ tuổi nào đều có thể phát triển và học tiếng Anh tốt. Có thể 6 tuổi bắt đầu, 12 tuổi bắt đầu hay đại học mới bắt đầu, đều không bao giờ là quá muộn. Tuy nhiên, mục đích, mục tiêu mỗi người khác nhau. Mình cho con học tiếng Anh sớm không phải để chứng tỏ con hơn người, hay để phục vụ mục đich thi IELTS, TOEFL hay chứng chỉ nào khác, mà mình muốn con sử dụng được tiếng Anh như một công cụ. Mình muốn dạy con tiếng Anh sớm vì:
1. Mình muốn tận dụng thời điểm nhạy cảm ngôn ngữ của con để đưa tiếng Anh/ ngoại ngữ vào cho con một cách tự nhiên nhất.
2. Mình muốn con sử dụng tiếng Anh như là một công cụ để sau này tự khám phá kiến thức của toàn bộ nhân loại, sau này tự nghiên cứu và tìm hiểu.
3. Mình muốn sau này con có thể có cơ hội đi du học.
4. Mục tiêu gần nhất là đến 6 tuổi bạn ấy có thể học giáo trình Mỹ theo đúng cấp độ.
Mục tiêu mình đề ra là thế, nên mình cũng đưa ra một lộ trình rõ ràng, để con có thể thấm nhuần và sử dụng tiếng Anh một cách tự nhiên nhất có thể.
Cần có lộ trình và mục tiêu đề ra khi cho con tiếp xúc với đồ công nghệ. |
- Chị có thể nói cụ thể hơn, để sử dụng hiệu quả các thiết bị điện tử cần chú ý những điều gì theo sự trải nghiệm của bản thân?
- Ở phía trên, mình có trao đổi về việc sử dụng các thiết bị điện tử trong việc dạy con tiếng Anh. Tuy nhiên, việc cho con sử dụng chúng đôi khi tạo ảnh hưởng tiêu cực đến tính cách của con. Ví dụ như con sẽ mè nheo, khóc lóc khi đòi xem ti vi, ipad, hoặc cứ dán mắt vào màn hình hàng tiếng đồng hồ mà không chịu rời ra.
- Trong quá trình cho con tiếp xúc với các thiết bị điện tử, chị có cách nào để kiểm soát thời lượng và nội dung xem của con không?
- Chính xác là nếu bố mẹ cứ tự do thả lỏng con thích xem gì thì xem, và không có nguyên tắc nào thì sẽ dẫn đến những ảnh hưởng rất tệ. Do đó, muốn con sử dụng ti vi, ipad chỉ phục vụ cho mục đích mình muốn và đạt được hiệu quả tốt nhất trong thời gian ngắn nhất, mình phải đưa ra những nguyên tắc nhất định.
Thứ nhất, bố mẹ nên chọn lọc ứng dụng và chương trình phù hợp.
Quan điểm của mình là đừng bao giờ giới thiệu cái gì quá hấp dẫn với con, và đừng bao giờ hi vọng con sẽ học một phần mềm nhàm chán sau khi con đã được tiếp xúc với các thể loại hoạt hình và thậm chí hoạt hình bạo lực trên ti vi. Chính vì thế, mình chỉ giới thiệu cho con mình xem cái gì mình muốn hướng con xem và có ích cho con. Ví dụ, con học đọc truyện, học đọc tiếng Anh qua phần mềm, học các bài hát tiếng Anh, học phát âm, học hội thoại. Do bạn ấy chưa bao giờ biết đến hoạt hình, hay phim siêu nhân nên những phần mềm/ chương trình giáo dục luôn vô cùng hấp dẫn với bạn ấy.
Thứ hai, bố mẹ cùng tham gia và tương tác với con
Ở nhà mỗi lần mình mở chương trình gì đó cho bạn nhà mình xem, thì mình luôn ngồi cạnh, để kiểm soát đảm bảo bạn ấy chỉ xem đúng chương trình mình muốn, và có sự tương tác với nhau.
Khi mình cùng con học đọc sách, mỗi lần máy đọc một câu, mình sẽ yêu cầu con dừng lại để đọc lại theo đúng câu máy nói. Đến cuối bài, hai mẹ con sẽ cùng trả lời câu hỏi. Nếu câu nào khó quá thì mẹ sẽ đưa ra gợi ý để bạn ấy trả lời tốt hơn. Nếu truyện nào chưa có câu hỏi thì mẹ sẽ tự đặt câu hỏi cho con: Tại sao lại thế này? Tại sao lại thế kia? Con thích bài nào….
Khi mình cùng con học đọc chữ trên phần mềm, mình sẽ luôn có các trò chơi liên quan đến những cụm từ/ từ đang học để giúp con nhớ tốt hơn và bài học trở nên sinh động hơn. Ví dụ như khi học về những từ vựng liên quan đến con vật, mình sẽ hỏi con luôn các con vật đó tên như thế nào, có tiếng kêu như thế nào, đặc tính ra sao, sinh sống ở đâu. Khi học về các từ chỉ hành động, mẹ sẽ yêu cầu còn thực hành luôn từ vừa học: Can you jump/ hop/ go over/ go under….
Cậu bé khá hào hứng khi học hỏi nhiều điều qua việc sử dụng ti vi, ipad. |
Thứ ba, cần cùng con thiết lập quy tắc quản lý thời lượng sử dụng thiết bị điện tử.
Việc cho con sử dụng thiết bị điện tử sớm thực sự rất hại mắt, và nếu cho con xem trong thời gian kéo dài thì não con sẽ tiếp nhận rất thụ động. Chính vì thế mình luôn lập ra các nguyên tắc cho con xem ti vi/ Ipad:
+ Quy tắc 1: Thỏa thuận trước khi xem
Do các bạn bé có tính trật tự rất cao, nên trước khi làm bất cứ cái gì, mình đều cần đưa ra thỏa thuận trước với bé để bé đoán trước được tình hình. Trước khi bắt đầu xem, mình với bé thỏa thuận mình chỉ xem một bài trong vòng 10 phút, không hơn không kém. Khi kết thúc, mình nhắc lại thỏa thuận dể bạn ấy nhớ. Mình tuyệt đối không bao giờ giật ipad trên tay bạn ấy mà không thông báo trước, như thế là không tôn trọng bạn ấy. Mà mỗi lần mở hay tắt, mình trao quyền hoàn toàn cho con.
Trước khi xem, con thường xin mẹ: “Mẹ có thể cho con xem một bài được không”. Mẹ sẽ đồng ý và sau đó nhắc lại: con nhớ xem một bài rồi tắt nhé. Hồi đầu khi mới lập trật tự, mình sẽ đặt một cái chuông thông báo, đúng 10 phút thì chuông reo và đó là thời điểm để bạn cất máy. Thời gian đầu khi bạn chưa hiểu nguyên tắc, sẽ có lúc phản kháng, và khóc lóc đòi xem tiếp. Tuy nhiên, mẹ vẫn phải kiên quyết cất dù bạn ấy có khóc hay như thế nào.
Nếu lỡ bạn vẫn khăng khăng xem, thì bạn ấy phải chấp nhận là nếu hôm nay con xem hai bài, thì ngày mai con không được xem nữa, và ipad sẽ được cất chỗ cao để bạn ấy nhìn thấy. Dần dần bạn ấy sẽ hiểu rằng chỉ được xem đúng một bài trong vòng 10 phút, nếu xem sang bài thứ hai thì hôm sau sẽ không được xem nữa. Khi đã vào nếp, mỗi lần xem bạn ấy chỉ cần xin phép mẹ, sau đó thì tự hoàn thành các công việc còn lại một cách tự giác, không cần nhắc nhở gì nữa, mà vẫn cảm thấy rất vui vẻ.
+ Quy tắc 2: Luôn khuyến khích con giữ lời hứa và nguyên tắc đề ra
Trước khi cho con xem, mình luôn đặt niềm tin vào con và nói với con: “Mẹ tin là con sẽ nghe lời mẹ và con sẽ cất ipad sau khi con xem xong một bài này” và sau khi xem xong, mẹ sẽ khen bạn ấy “con trai của mẹ rất ngoan vì đã biết giữ lời hứa, mai mẹ lại thưởng cho con 1 bài nữa nhé”. Khi được khuyến khích và tin tưởng, bạn ấy sẽ cố gắng làm như điều mẹ muốn.
+ Quy tắc 3: Nhất quán và kiên quyết
Để kiểm soát thời lượng xem của con, mình luôn giữ vững tính nhất quán và kiên quyết. Nếu bố mẹ không nhất quán, hôm vui cho con xem 3 bài, hôm khó tính thì cho xem 1 bài thì sẽ dẫn đến hiện tượng con rất là cáu kỉnh khó chịu, vì tính trật tự của các bé dưới 6 tuổi rất cao. Thực sự là để làm được điều này đòi hỏi bố mẹ phải rất kiên trì và luôn nhớ kỹ trong đầu nguyên tắc đề ra. Vì chỉ cần một lần phá lệ, là các bạn có thể phá lệ lần 2, lần 3. Khi duy trì được đều đặn thói quen rồi, thì gần như các bạn sẽ được lập trình sẵn nguyên tắc, và làm theo nguyên tắc một cách thoải mái.
Cần đưa ra quy tắc để bé có thể sử dụng đồ điện tử với thời lượng hợp lý. |
+ Quy tắc 4: Chia nhỏ thời lượng xem
Để tránh hại mắt thì mình chia nhỏ thời lượng xem phân bổ đều trong ngày. Con mình 3 tuổi, thời gian xem tối đa là 1 tiếng, nhưng mình chỉ cho phép bạn ấy xem 10 phút/ lần vào sáng lúc ngủ dậy và tối trước khi ngủ, thỉnh thoảng ngoại lệ được thưởng thì được xem thêm 10 phút nữa lúc đi học về.
Thứ tư, bố mẹ cần làm gương cho con. Con cái chính là tấm gương phản chiếu của bố mẹ, chính vì thế nếu muốn con không dùng thiết bị điện tử nhiều, thì bố mẹ cũng luôn cần phải nhớ tránh sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều trước mặt con.
Thứ năm, mình luôn nhắc nhở con về tác hại của việc sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều. Liên quan đến việc này, thì mình thường kể cho con nghe hai câu chuyện.
- Chuyện 1: Nếu đồ công nghệ bị sử dụng quá lâu, nó sẽ bị mệt. Mỗi khi con đòi xem thêm, mình bảo con là: Con sờ xem , thấy máy có nóng không? Con nhớ hôm trước con đi chạy về, con mệt và con muốn nghỉ ngơi không? Điện thoại cũng vậy đó, con sử dụng nãy giờ bây giờ bạn ấy mệt lắm rồi, bạn ấy cần nghỉ ngơi con ạ, rồi mai bạn khỏe bạn lại chơi với con nhé.
- Chuyện 2: Nhắc về ảnh hưởng đến mắt. Mình luôn nhắc nhở con về việc nếu xem đồ công nghệ lâu thì mắt sẽ đau như thế nào, con sẽ không nhìn thấy rõ ra sao, đưa ra dẫn chứng cụ thể là bố mẹ đều bị cận, nên không có kính rất khó nhìn rõ mọi vật. Hoặc khi nào bạn dụi dụi mắt là mình nhắc ngay: "đó, con thấy chưa, nếu xem lâu là mắt nó bị đau vậy đó".
Chơi cùng con cũng là một cách học thú vị |
Cùng con khôn lớn, trưởng thành từng ngày |
- Chị có muốn gửi lời nhắn nhủ gì cho các phụ huynh khi cho con sử dụng thiết bị điện tử không ạ?
Bản thân thiết bị điện tử không xấu, nó chỉ xấu do cách sử dụng sai của con người. Mình không cổ súy việc lạm dụng thiết bị điện tử, vì ai cũng biết tác hại của nó như thế nào rồi. Nhưng mình muốn nhấn mạnh ở đây là kinh nghiệm của mình để sử dụng chúng một cách chọn lọc và hiệu quả trong thời gian ngắn nhất để đạt được mục đích mình muốn. Và mình hi vọng các bố mẹ luôn nhận thức được rõ tác hại của việc sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều. Đừng bao giờ biến thiết bị điện tử thành người giữ trẻ, mà biến nó thành công cụ phục vụ cho mục đích học tập của mình.
Mộc Hương