Bí quyết chế biến nhiều thực đơn ăn dặm kiểu Nhật kết hợp BLW thật ngon cho con | |
Em bé dễ tính mẹ nấu gì cũng 'chăm chỉ' thưởng thức nhờ ăn dặm BLW từ 6 tháng |
Trước đây, chị Quỳnh Giang là một nhân viên văn phòng. Sau khi sinh con, chị Quỳnh Giang quyết định ở nhà để toàn tâm chăm sóc con được tốt hơn. Ngay khi con bước vào giai đoạn ăn dặm, chị Quỳnh Giang vừa chăm con vừa học hỏi thêm của các mẹ để mỗi ngày, ăn dặm là niềm vui của cả hai mẹ con.
Chị Quỳnh Giang bên con gái. |
Cùng trò chuyện với chị Quỳnh Giang để có thêm kinh nghiệm cùng con ăn dặm thật ngon và thật ý nghĩa:
- Chào chị, chị bắt đầu hành trình cho con ăn dặm như thế nào?
Vì lần đầu làm mẹ nên mình chưa có nhiều kinh nghiệm, biết vậy nên trước khi cho con ăn dặm, mình đã tham khảo rất nhiều tài liệu ăn dặm để thu thập kiến thức cho bản thân và mong muốn con gái sẽ có một hành trình ăn dặm vui vẻ và hào hứng với những món ăn mẹ nấu.
Sau khi đã tích luỹ được những kiến thức cơ bản về ăn dặm thì kèm với việc cũng là một người phụ nữ biết nấu ăn nên mình khá tự tin để sẵn sàng sáng tạo và chế biến cho con yêu những món ăn ngon và bổ dưỡng. Tuy nhiên, khẩu phần ăn của bé được bổ sung theo từng giai đoạn phát triển khác nhau nên trong suốt quá trình ăn dặm, mình vẫn phải luôn học hỏi thêm nhiều kiến thức từ sách báo và kinh nghiệm của các mẹ đi trước.
Gia đình nhỏ của chị Quỳnh Giang. |
Bé Yuki trong ngày sinh nhật. |
- Việc chế biến các món ăn cho con cần chú ý gì để đảm bảo đủ dinh dưỡng?
Mình thường chọn mua những loại thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng và tươi sạch để đảm bảo sức khoẻ cho bé.
Đa dạng nhiều loại thực phẩm khác nhau nhằm cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết giúp bé phát triển tốt về thể chất lẫn tinh thần.
Tiêu chí của mình là trong mỗi bữa ăn của bé sẽ bao gồm 4 nhóm dinh dưỡng: tinh bột (bột, gạo, bánh mì, yến mạch, nui, phở,…); chất đạm (thịt, trứng, cá, lươn, ếch, tôm, cua, ngao,…); chất béo (mỡ heo, mỡ gà, dầu ăn thì mình chọn dầu mè, dầu oliu để chiên xào, dầu gấc, dầu dừa để nêm cháo, phô mai,…); vitamin ( các loại rau củ quả, trái cây,…).
Một điều quan trọng nữa, điều này rất phù hợp với những mẹ như mình, thích cùng con đi du lịch đây đó để con được khám phá thế giới bên ngoài, đó là các loại rau thơm, hành, hẹ, tỏi, gừng,… Những loại rau này từ xưa đã được xem như các vị thuốc quý, đối với trẻ em cũng không ngoại lệ nếu chúng ta biết gia giảm hợp lý.
Mình vẫn cho Yuki ăn rau thơm (tía tô, ngò rí, ngò gai, rau quế,…); thịt bò – heo thì sẽ có tỏi; cá – lươn - ếch,… sẽ được hấp cùng với gừng hoặc băm nhỏ gừng vào cùng thức ăn để không bị tanh, lạnh bụng, sau cùng là phi thơm hành cùng với dầu của bé rồi mới xào thức ăn. Vừa tăng thêm mùi vị của của món ăn, vừa tăng sức đề kháng và có thể phòng chống được một số bệnh vặt ở trẻ như cảm ho, nghẹt mũi,…
- Chị chủ yếu cho con ăn dặm theo phương pháp gì?
Trong tháng đầu tiên khi bắt đầu ăn dặm thì mình cho bé ăn theo phương pháp ăn dặm kiểu Nhật để bé được thưởng thức và phân biệt được mùi vị của từng loại thức ăn. Ngoài ra mẹ sẽ biết được bé thích hay không thích ăn gì. Sau đó mình chọn phương pháp ăn dặm truyền thống là chủ yếu để có thể kết hợp phong phú các loại thực phẩm với nhau mà vẫn đảm bảo đủ dinh dưỡng cho con.
Mình may mắn vì được ông bà ngoại của Yuki hỗ trợ rất nhiều để mình có nhiều thời gian dành cho con. Mặc dù nhiều lúc thấy mình tập cho bé ăn thô cái này cái kia bé bị hóc thì ông bà rất xót cháu, nhưng mình vẫn bình tĩnh và đưa ra những lí do hợp lý nên dần dần ông bà cũng xuôi, và chính bà ngoại đã đút cho Yuki những hạt cơm đầu tiên.
Mình nấu ăn cho con bằng cả tình yêu của một người mẹ. Mình hào hứng nấu nấu xào xào giống như việc mình mong bé cũng sẽ ăn một cách hào hứng ngon miệng. Tất nhiên, có bữa bé ăn hết, có bữa bỏ mứa, nhưng mình không ép, vẫn luôn cười và kiên nhẫn, rồi những khó khăn nó trôi đi nhẹ nhàng lắm, trở thành những trải nghiệm đáng nhớ của hai mẹ con.
- Chị tăng độ thô cho con như thế nào qua từng giai đoạn?
Mình nghĩ một lúc khôngthể tăng tất cả các thức ăn của bé được, như thế bé sẽ rất khó ăn. Để tăng độ thô của con, đầu tiên mình tăng dần độ thô của cháo, cháo rây mịn - cháo rây to – nửa rây nửa không rây - cháo nguyên hạt. Bé bắt đầu ăn được cơm của gia đình lúc hơn 9 tháng.
Tiếp đến là tăng dần độ thô của rau củ quả rồi mới tới thức ăn đạm. Mình đặc biệt trước giờ không dùng máy để xay nhuyễn thức ăn của bé, chỉ dùng dao băm nhỏ, nên cứ điều chỉnh thô dần. Cho nên, đồ ăn của con ngay từ lúc bắt đầu đã có độ lợn cợn rồi.
Ngoài ra, mình thường cho bé cầm gặm bánh trái trong ngày, nhiều khi bé hóc oẹ, mình vẫn bình tĩnh, tin là con sẽ xử lý được, rất ít khi mẹ phải can thiệp, qua những lần như thế con sẽ cố gắng nhai kỹ hơn hoặc tệ lắm thì nhè ra thôi.
Tuỳ theo mỗi bé mà các mẹ sẽ tăng dần theo thời gian khác nhau chứ theo mình thì không có khoảng thời gian nào nhất để quyết định việc ăn thô của bé cả.
- Chị có bí quyết gì giúp con ăn ngoan và hào hứng với những món mẹ nấu?
Yuki sẽ phải ngồi vào ghế ăn dặm khi ăn, để bé ý thức được giờ ăn và hình thành thói quen ăn uống khoa học ngay từ nhỏ. Nguyên tắc của mình là không bế rong, không xem tivi khi ăn. Trong quá trình ăn thì mình thường hát, kể chuyện tạo tiếng cười cho bé, khen bé ăn giỏi, vỗ tay hoan hô cùng bé để cổ vũ. Bữa ăn của bé thường kéo dài từ 10-20p. Có những bữa bé không ăn thì mình cho bé đến cơ hội thứ 3, 4. Nếu bé không ăn nữa thì sẽ ngưng, và thay bằng sữa hoặc bánh trái, hoặc bé sẽ được ngồi ăn cơm cùng cả nhà.
Món ăn của bé được kết hợp đa dạng các loại thực phẩm với nhau, ngoài cháo còn có các món súp, nui, bún, yến mạch,…, mỗi bữa 1 món để bé không ngán.
Hãy cho bé vận động thật nhiều trước bữa ăn để tiêu hao bớt năng lượng, khi đói bé sẽ thèm ăn hơn.
Em bé rất vui vẻ trong những ngày tháng trải nghiệm hành trình ăn dặm. |
- Việc lưu trữ thực phẩm cho con trong giai đoạn ăn dặm cần chú ý những gì?
Vì mình có toàn thời gian chăm con nên thực phẩm tươi sống mỗi ngày vẫn là sự lựa chọn số 1. Và thực phẩm mình lưu trữ sẽ ở dạng tươi sống. Cụ thể như sau:
Đối với thức ăn đạm, sau khi mua về - rửa sạch – chia phần vào từng hộp nhỏ - trữ trong ngăn đá tủ lạnh.
Đối với rau củ quả, sau khi mua về bọc kín và trữ trong ngăn mát tủ lạnh để giữ rau tươi lâu. Chỉ chế biến vào mỗi bữa ăn của con.
Lúc Yuki mới bắt đầu ăn dặm, lượng ăn còn ít nên mình cũng từng nấu dashi hoặc hấp rau củ quả, sau đó rây mịn – chia phần từng hộp nhỏ - trữ trong ngăn đá tủ lạnh, 1 tuần 2 lần. Nước dùng dashi cũng trữ vào khay đến khi đông rồi cho vào túi zip hoặc lọ thủy tinh, lưu ý hạn sử dụng.
Dù là lưu trữ thực phẩm như thế nào thì điều mình cần lưu ý là phải có nắp đậy kín khi cho vào tủ lạnh, tuỳ từng loại thực phẩm sẽ có thời hạn khác nhau, sau khi lấy ra để chế biến cho con thì các mẹ cần quan sát xem thực phẩm có bị hư ôi, héo úa gì hay không, thực phẩm đã được rã đông thì phải chế biến ngay và không nên cấp đông trở lại,… Tất cả đều vì sự an toàn và sức khỏe của các con.
- Có khi nào bé cảm thấy chán ăn, chê món mẹ nấu? Lúc đó chị làm thế nào?
Từ lúc ăn dặm tới nay, Yuki cũng có trải qua đôi lần biếng ăn. Đó là lúc mình cảm thấy hụt hẫng nhất trong hành trình cho con ăn dặm. Cứ đến bữa ăn, nhìn thấy mẹ kéo ghế thôi là bé đã khóc rồi mà chưa kịp ngồi. Tiếp theo là những cái lắc đầu xua tay từ chối, giãy dụa vì muốn ra khỏi ghế ăn. Nhớ lại thôi cũng thấy sợ rồi.
Lần đầu tiên khi bé biếng ăn được 4 ngày đầu, mình cảm thấy rất lo lắng, làm đủ trò, nấu đủ món, thậm chí còn cho bé xem ipad chỉ vì muốn con ăn nhưng cũng chỉ được 2,3 muỗng lại thôi, cuối cùng mình quyết định mua 1 loại thực phẩm giúp trẻ ăn ngon, nhưng qua ngày hôm sau, chưa muốn dùng thuốc, mình quyết định chỉ cho con ăn 1 bữa chiều tối lúc thật đói và nấu món con thích (Yuki thích vị chua và phô mai). Kết quả là bé ăn hết chén cháo trong vòng 10 phút. Qua hôm sau thì mình cho ăn cữ trưa, và bắt đầu từ đó Yuki ăn ngon miệng trở lại mà không cần dùng đến thuốc.
Từ lần đó mình rút ra được kinh nghiệm là khi bé biếng ăn, hãy thật bình tĩnh và kiên nhẫn cùng con trải qua giai đoạn này, từng ngày từng ngày nấu món ngon cho con bằng cả tấm lòng, và tin tưởng rằng bé sẽ nhanh chóng ăn ngon miệng trở lại. Hơn nữa, mình không áp lực về cân nặng của con, mặc dù tháng nào Yuki cũng tăng cân một ít cũng cảm thấy rất vui, quan trọng là con ăn ngon, vui, khỏe mỗi ngày. Đó chính là động lực giúp mình luôn tâm niệm “nấu ăn cho con là niềm vui của mẹ”.
- Cảm ơn chị đã chia sẻ kinh nghiệm hữu ích.
Tham khảo thực đơn chị Quỳnh Giang chế biến cho con:
Mẹ trẻ nghe lời 500 anh em trên mạng tắm lá trị bệnh cho con và cái kết đáng buồn
Từ những triệu chứng chớm của bệnh, mẹ lên mạng xin ý kiến tư vấn của cư dân mạng và áp dụng cho con, để ... |
Chồng tâm lý nhận nhiệm vụ chăm con, làm việc nhà cho vợ trồng trăm loài hoa trong vườn 200m2
Khu vườn không rộng lắm, chỉ là khoảng ngoại thất xung quanh nhà nhưng ngần ấy diện tích cũng đủ để chị Mơ tạo một ... |