Nguyễn Xuân Uyển Nhi được mệnh danh là "bóng hồng một thuở" của Sài Gòn cũng như làng giải trí Việt những năm cuối của thế kỷ 20. Miss Sài Gòn Nguyễn Xuân Uyển Nhi từng một thời được ví von là "nữ hoàng ảnh lịch" khi xuất hiện thường xuyên trên các trang bìa, tạp chí, ảnh lịch thời bấy giờ. Tuy nhiên, khi sự nghiệp đang lên, Uyển Nhi lại chọn cho mình cuộc sống ít ồn ào hơn sau ánh hào quang của showbiz. Rời xa làng giải trí hơn 10 năm, chị dường như yên ổn với 2 nhóc tì xinh đẹp tại Đan Mạch. Nguyễn Xuân Uyển Nhi "phủ sóng" khắp các tạp chí, ảnh lịch những năm cuối của thế kỷ 20. Hiện tại cô đã là mẹ của 2 thiên thần nhỏ nhưng vẫn vô cùng xinh đẹp và quyến rũ. |
Hầu hết các bà mẹ hiện đại đều nhìn thấy sự khác biệt trong cách nuôi con của mẹ Tây và mẹ Việt. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ dũng cảm vượt qua định kiến để áp dụng hoàn toàn phương pháp nuôi con theo kiểu hiện đại, dù biết cách nuôi dạy con theo kiểu truyền thống còn quá nhiều hạn chế.
Hãy cùng trò chuyện với chị Nguyễn Xuân Uyển Nhi, nữ MC duyên dáng đã có trên 10 năm sinh sống và làm việc tại Đan Mạch để lắng nghe chia sẻ về những bức xúc và sự “xung đột thế hệ” trong quá trình nuôi con của mẹ Việt ở Tây!
Kiêng cữ “kinh dị”
- Là bà mẹ 2 con, hẳn chị đã nghe qua những “truyền thuyết” kiêng cữ theo phong cách mẹ Việt rồi chứ?
Không riêng gì ở Việt Nam, ngay cả ở Đan Mạch, nhiều gia đình người Việt vẫn giữ rặt truyền thống kiêng cữ quá khắt khe như: nằm than, ở phòng kín gió, kiêng đánh răng, và không được vận động...
Bản thân tôi thì không chịu nổi việc kiêng tắm gội cho cả mẹ và con sau khi sinh. Bởi người mẹ vừa trải qua cơn lâm bồn mệt mỏi, người nhễ nhại mồ hôi, mệt mỏi... mà phải đợi đến tận 3 – 4 tuần sau mới được tắm thì quả là cực hình. Trong khi đó, các bác sĩ khuyến cáo, nếu không vệ sinh sạch sẽ cơ thể sau sinh, cả mẹ và bé đều rất dễ có nguy cơ nhiễm trùng hậu sản.
Gia đình Uyển Nhi cho bé út đi tắm biển từ bé.
- Biết là khắt khe nhưng kinh nghiệm đó được đúc rút và truyền lại qua nhiều thế hệ, có sao mới vậy chứ?
Tôi cho rằng, những kiêng cữ dựa trên kinh nghiệm không thể vượt trội hơn những nghiên cứu y khoa minh bạch và khoa học. Và trên rất nhiều diễn đàn, mạng xã hội, càng ngày những thông tin y khoa đó càng gần hơn với các bà mẹ đã, đang và sắp mang thai hay nuôi con.
Có rất nhiều người đã bỏ lối kiêng cữ vô lý theo kiểu truyền thống mà áp dụng cách nuôi con kiểu hiện đại, những phương pháp đúng đắn và đã được các bác sĩ hàng đầu trên thế giới xác thực và chứng minh. Rõ ràng, khi các bà mẹ đi theo phương pháp đó, hoàn toàn không có tình trạng tiêu cực nào xảy ra. Chúng ta không nên khổ sở tự "đày" mình như vậy.
- Có phải họ tự “đày” đâu, vì quá nhiều áp lực xung quanh đấy chứ? Ví như anh em, họ hàng, ông bà nội ngoại, họ cứ thích mẹ Việt phải “bảo quản” mình và con như vậy thì biết làm sao?
Trải qua 2 lần sinh con, tôi kinh nghiệm rằng, người mẹ luôn hiểu con mình nhất. Biết con cần gì và cái gì phù hợp với con. Điều quan trọng nhất của một người mẹ là phải tự tin, phải biết trau dồi những kiến thức y khoa đúng đắn để áp dụng cho việc nuôi, dạy con trong từng thời kỳ. Hành trang kiến thức luôn luôn quan trọng, khi không có kiến thức, người mẹ dễ băn khoăn, ngả nghiêng theo những phương pháp truyền miệng không đúng đắn.
Mọi kinh nghiệm được lưu truyền trong dân gian đều mang tính chất tham khảo, có cái đúng, có cái sai, có những thứ phù hợp, có thứ không. Thế nên, trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp nào cho con, tôi cho rằng nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa.
Đừng... sợ đủ thứ
- Tôi thường nghe thấy nhiều người nước ngoài ví von rằng, mẹ Việt đang mắc “căn bệnh sợ đủ thứ” trong quá trình nuôi dạy con, sinh sống tại nước ngoài nhiều năm, chị đã hết những nỗi sợ ấy chưa?
Một trong những khác biệt trong cách nuôi con của mẹ Việt và mẹ Tây là: Mẹ Tây chú trọng phát triển thể chất cho con, cho bé hoạt động những môn thể thao ngoài trời hoặc năng khiếu khi bé còn nhỏ. Nhưng mẹ Việt lại rất sợ con tham gia hoạt động ngoại khóa vì sợ con còn bé, còn yếu, sợ con ngã, sợ con bị đau. Điều đó dẫn đến hệ lụy bé thiếu kỹ năng vận đông, kỹ năng mềm, tư duy thụ động.
Hai bé nhà tôi đều được rèn luyện theo phương pháp nuôi dạy con ở Đan Mạch. Thực tế, các bé rất khỏe mạnh và nhanh nhẹn. Ngay từ khi còn nhỏ, các con đã được đi dã ngoại, tham gia các hoạt động ngoài trời, đưa đến nơi đông người để bé tăng khả năng giao tiếp, chơi các trò chơi để phát triển toàn diện hơn cả thể chất lẫn trí tuệ. Như thế vậy là tốt chứ không nên hoang mang sợ hãi.
Cô con gái lớn của Uyển Nhi trong một buổi tập múa Ba Lê.
Bảo mẫu và chuyện hành hạ trẻ mầm non
- Chị đã từng xem những clip bảo mẫu hành hạ trẻ ở Việt Nam, theo chị vì đâu nên nỗi?
Thực ra chuyện bạo hành có rất nhiều nguyên nhân và có tiềm ẩn những bức xúc nhất định. Tôi cho rằng một trong những nguồn cơn trẻ ở lứa tuổi mầm non bị bạo hành là do áp lực trong chuyện ăn uống của các bé.
Thứ nhất, phụ huynh Việt đặt nặng vấn đề tăng cân cho bé quá. Ai ai cũng muốn con mình phải bụ bẫm bằng bạn bằng bè. Tư tưởng đó vô tình gây áp lực đối với cô giáo và khiến cô phải ép cho bé ăn bằng được.
Thứ hai, bố mẹ đã không tập cho bé tự ăn từ nhỏ. Có rất nhiều bé đến 4 – 5 tuổi vẫn chưa thể tự ăn được. Một lớp đến hơn 10 bé mà chỉ có 2 – 3 cô trông thì sao mà đút cho các bé ăn cho nổi.
Ở Đan Mạch, hầu hết những bé lớn hơn 1 tuổi đều đã có thể tự ăn. Có thể bé không tự ăn được nhiều, có thể đồ ăn vương vãi nhưng dần dần bé sẽ quen và kiểm soát được bữa ăn của mình mà không cần sự trợ giúp của người lớn.
- Là một bà mẹ Việt, chị có “tuyệt tình” luôn với nuôi con theo kiểu truyền thống để “kết duyên” theo phương pháp hiện đại?
Tôi nuôi con theo kiểu... bụi đời. Tôi thường tạo điều kiện cho con tham gia các hoạt động ngoài trời tối đa và cho con tự lập cả trong ăn uống lẫn sinh hoạt. Để con hoạt động thể lực thoải mái có thể khiến bé đôi lần té ngã, gặp những tình huống nguy hiểm, nhưng ngược lại bé được phát triển kỹ năng xử lý tình huống và dần độc lập hơn.
Nói như vậy không có nghĩa là tôi “bài xích” hoàn toàn kiểu nuôi con truyền thống. Bởi rõ ràng, ông bà ta vẫn nuôi ta lớn thế này đấy thôi! Cho nên, tôi cố gắng dung hòa 2 kiểu nuôi dạy con giữa truyền thống và hiện đại.
Những phương pháp kiêng cữ quá vô lý thì bỏ đi nhưng một vài mẹo nhỏ của ông, bà vẫn phải nghe theo để hài hòa và đỡ “xung đột thế hệ” trong nhà.
Rất cảm ơn chị về buổi trò chuyện này!
Nguồn ảnh: Nhân vật cung cấp
Thùy Dung
(Thực hiện)