Một doanh nghiệp sẵn sàng chi hàng tỷ USD làm nhà ở xã hội

APEC Happy City - doanh nghiệp được thành lập bởi nhóm APEC dự kiến sẽ xây dựng 10 triệu căn nhà ở xã hội, tổng vốn đầu tư khoảng 50.000 - 100.000 tỷ đồng.

Sáng 19/11 vừa qua, APEC Group đã chính thức ra mắt Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Nhà ở xã hội 5 sao Việt Nam (APEC Happy City - AHC) với mục tiêu đầu tư và phát triển xây dựng 10 triệu căn nhà ở xã hội (NƠXH) trong giai đoạn 2021 - 2030.

Động thái của APEC diễn ra trong bối cảnh phân khúc nhà ở giá rẻ đang khan hiếm và các chủ đầu tư "quay lưng". 

Một doanh nghiệp sẵn sàng chi hàng tỷ USD để 'phủ sóng' nhà ở xã hội - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Hoàng Huy).

"NƠXH không tạo ra bong bóng BĐS"

Theo ông Nguyễn Đỗ Lăng, Chủ tịch APEC Group, hiện nay có hàng trăm, hàng nghìn công ty đang phát triển nhà ở thương mại. Nhưng số doanh nghiệp phát triển phân khúc NƠXH lại chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Lý giải nguyên nhân, ông Lăng cho rằng phát triển nhà thương mại cho tầng lớp thu nhập khá và giàu là câu chuyện tương đối dễ. Còn đầu tư NƠXH doanh nghiệp chỉ được lãi tối đa 10%, không cẩn thận là lỗ, trong khi các đô thị lớn chưa có quy hoạch đồng bộ cho NƠXH.

"Ở Singapore, cơ quan phát triển nhà ở của họ (HDB) cung cấp đến 91% tổng căn hộ, NƠXH ở đó giá thấp hơn nhà ở thương mại 30 - 40% nhưng vẫn đầy đủ tiện nghi. Tôi nghĩ rằng chúng ta hoàn toàn có khả năng làm được như vậy.

Chúng tôi đã tiếp xúc với các quỹ đầu tư nước ngoài, việc vay vốn làm NƠXH lãi suất rất ưu đãi, khoảng 3%/năm. Trong khi đó, vay vốn đầu tư làm nhà ở thương mại lại lên đến 10%/năm và thủ tục không dễ. Nói như vậy để thấy nguồn vốn làm NƠXH là không thiếu.

Chúng tôi không xin tiền, chúng tôi đề xuất cơ chế. Chúng tôi muốn được tạo điều kiện cấp đất, khoảng 5.000 ha đất để làm NƠXH. Theo tôi, đây là con số không lớn đối với Hà Nội hoặc TP HCM", ông Lăng nói.

Chủ tịch APEC Group cũng cho rằng, chỉ cần cho phép chuyển đổi 5 - 10% đất công nghiệp sang đất ở đô thị là đã giải quyết được vấn đề nhà ở cho hai thành phố lớn.

Cũng theo ông Lăng, việc làm NƠXH hiện nay có lợi thế là đất NƠXH được miễn tiền thuê đất. Tuy nhiên, pháp luật lại không cho phép các chủ đầu tư đưa chi phí các tiện ích vào giá bán. Điều này đã dẫn đến nhiều dự án NƠXH không có người ở do thiếu tiện ích công cộng, trường học, thư viện, nhà văn hóa,...

Ngoài ra, lãnh đạo APEC Group cũng kiến nghị bỏ room cho vay NƠXH ra khỏi room bất động sản (BĐS).

"Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, cho vay BĐS là ngành có tỷ lệ rủi ro cao nhất. Nhưng theo tôi NƠXH không tạo ra bong bóng BĐS, với mức giá 15 - 17 triệu đồng/m2 thì phân khúc này nên được ưu tiên tín dụng", ông Lăng chia sẻ.

Tham vọng "phủ sóng" NƠXH trên cả nước

Một doanh nghiệp sẵn sàng chi hàng tỷ USD để 'phủ sóng' nhà ở xã hội - Ảnh 2.

AHC dự kiến xây 10 triệu căn NƠXH giai đoạn 2021 - 2030. (Ảnh minh họa: Hoàng Huy).

Trở lại với doanh nghiệp NƠXH vừa được thành lập, ông Nguyễn Quang Huy, Phó Tổng Giám đốc APEC Group cho biết AHC sẽ có vốn điều lệ ban đầu 10.000 tỷ đồng với 4 cổ đông sáng lập.

Các cổ đông gồm APEC Group; CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (mã chứng khoán: IDJ); CTCP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (mã chứng khoán: APS) và CTCP Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương (mã chứng khoán: API). 

Việc góp vốn doanh nghiệp sẽ chia thành ba đợt, chốt danh sách cổ đông vào các ngày 31/11, 31/12/2021 và 31/1/2022. Trong năm 2022, vốn điều lệ của AHC dự kiến tăng lên 20.000 tỷ đồng.

Đến cuối quý III và đầu quý IV/2022, dự kiến doanh nghiệp sẽ niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) với mã AHC, giá chào bán ban đầu niêm yết không dưới 20.000 đồng/cp. Cổ đông APEC được mua với giá 12.000 đồng/cp; cổ đông chiến lược được mua với giá không thấp hơn 15.000 đồng/cp.

Cụ thể, cổ đông nắm giữ 100 cổ phiếu APS được mua 2.000 cổ phiếu AHC; cổ đông nắm giữ 100 cổ phiếu IDJ được mua 3.000 cổ phiếu AHC; cổ đông nắm giữ 100 cổ phiếu CSC được mua 3.000 cổ phiếu AHC; cổ đông nắm giữ 100 cổ phiếu API được mua 5.000 cổ phiếu AHC.

"Với cổ phiếu AHC, chúng tôi kỳ vọng tỷ suất lợi nhuận trên cổ phần (EPS) sẽ dao động 1.500 - 2.000 đồng/cp, nếu làm tốt hơn thì 2.500 - 3.000 đồng/cp", Chủ tịch APEC cho hay.

Về chiến lược của AHC, doanh nghiệp sẽ đầu tư 10 triệu căn NƠXH trong giai đoạn 2021 - 2030. Tổng vốn đầu tư dự kiến 50.000 - 100.000 tỷ đồng (khoảng 2,2 - 4,5 tỷ USD).

Cụ thể, tại Hà Nội và TP HCM, công ty sẽ đầu tư các dự án quy mô 100 - 300 ha, giá 12 - 18 triệu đồng/m2. Ở các tỉnh thành trực thuộc trung ương, các địa phương khu công nghiệp quy mô sẽ là 50 - 100 ha, giá 8 - 14 triệu đồng/m2. 

Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, các dự án căn hộ bình dân với mức giá dưới 25 triệu/m2 trên thị trường thời gian qua rất ít, hầu như chỉ có tại các khu vực xa trung tâm và hạ tầng kém phát triển.

Năm 2020, tại Hà Nội chỉ có một số ít dự án NƠXH có mức giá dưới 20 triệu đồng/m2 được mở bán, như NƠXH IEC Thanh Trì; CT3-CT4 Kim Chung; Ecohome tại Bắc Cổ Nhuế - Chèm; Tòa 19T4 NƠXH Lucky House phường Kiến Hưng, quận Hà Đông,… và một số dự án nhà ở thương mại giá thấp khác như Phú Thịnh Green Park, Hà Đông, Tasco Xuân Phương.

Tại TP HCM, phân khúc nhà ở bình dân trong năm 2020 chỉ có 163 căn hộ đủ điều kiện mở bán, giảm đến 98,6% so với năm 2019.

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.