Một doanh nghiệp sắp làm Tổ hợp nghỉ dưỡng hơn 130 ha trên đường ven biển Phan Thiết - Kê Gà

Năm nay, chủ đầu tư Hải An dự kiến sẽ thi công và đưa vào hoạt động giai đoạn 1 của Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Thung Lũng Xanh - Green Valley. Dự án này nằm trên đường ven biển Phan Thiết - Kê Gà (ĐT.719) vốn được coi là Thủ phủ du lịch của Bình Thuận.

Một góc đường ven biển Phan Thiết - Kê Gà hiện nay. (Ảnh tư liệu: Hoàng Huy).

CTCP Đầu tư Hải An vừa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với dự án Tổ hợp thương mại dịch vụ Thung Lũng Xanh - Green Valley tại xã Tiến Thành, TP Phan Thiết, Bình Thuận. Đơn vị tư vấn lập báo cáo là Trung tâm Khoa học Công nghệ Môi trường Giao thông.

Green Valley được UBND tỉnh Bình Thuận cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào tháng 2/2010 và điều chỉnh vào năm 2011. Tiền thân dự án này có tên gọi là  Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Hải An.

Đến năm 2019, tỉnh bắt đầu giao đất cho Hải An thuê để làm dự án và đến năm 2021 đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Tháng 10/2022, Green Valley được phê duyệt quy hoạch chi tiết.

Green Valley có tổng diện tích hơn 131 ha, quy mô khách du lịch có khả năng chứa tối đa 22.604 người, quy mô phục vụ 7.036 người/ngày đêm.

Bản đồ vị trí dự án. (Ảnh chụp từ ĐTM).

Dự án này được chia thành nhiều phần. 

Đầu tiên là hần A1 (phía đồi) có diện tích khoảng 66,54 ha giáp khu du lịch Sandhills và khu du lịch Hải Việt ở phía bắc, phía nam giáp đường N23, phía đông giáp ĐT.719, phía tây giáp đất sản xuất của dân.

Phần A2 (phía đồi) có diện tích khoảng 58,7 ha. Phía bắc giáp đường N23, phía nam giáp đất sản xuất của dân, phía đông giáp ĐT.719, phía tây giáp đất sản xuất của dân.

Phần B1 (phía biển) có diện tích khoảng 1,7 ha. Phía bắc giáp khu du lịch Hiếu Hà, phía nam giáp Non Nước Resort, phía đông giáp bãi biển và phía tây giáp ĐT.719.

Phần B2 (phía biển) có diện tích khoảng 1 ha. Phía bắc giáp khu du lịch sinh thái Oscar, phía nam giáp khu dân cư, phía đông giáp bãi biển, phía tây giáp ĐT.719. Ngoài ra, trong ranh giới dự án có phần đường N23 khoảng 3,2 ha.

Nhìn chung, vị trí dự án nằm trên cung đường ĐT.719 ven biển nối liền giữa TP Phan Thiết và hải đăng Kê Gà. Tuyến đường này hiện đang phát triển với nhiều khách sạn, Resort hướng biển cùng với hàng chục dự án nghỉ dưỡng cao cấp. Trong bán kính 2 km từ khu vực trung tâm dự án không có di tích lịch sử và các công trình văn hóa, tâm linh được công nhận cấp quốc gia và cấp tỉnh. 

 Ảnh chụp từ ĐTM.

Về hiện trạng sử dụng đất, chiếm chủ yếu diện tích dự án hiện nay là đất trồng cây lâu năm (57,8 ha); đất bằng chưa sử dụng (22,8 ha); đất rừng sản xuất (13,4 ha); đất rừng tự nhiên (14,8 ha); đất trồng cây hàng năm (12,5 ha);...

Khu A dự án  hiện là hố lở có sườn hố rất dốc, bên trái bao gồm cảnh quan bãi đất trống đan xen các mảng vườn cây trồng chủ yếu là keo, tràm, xoài, dừa, thanh long. Nền địa hình dốc dần ra đường ĐT.719.  

Phía giáp biển (khu B1, B2) có rặng cây dương trồng bằng nguồn vốn ngân sách do UBND xã Tiến Thành quản lý (không nằm trong quy hoạch 3 loại rừng) và cây lùm bụi từ hè đường ĐT.719 tới sát bãi cát tắm biển. Trong phạm vi quy hoạch, các phần diện tích phía biển (B1 và B2) nằm trong phạm vi đã xác lập đường mức triều cao trung bình nhiều năm.

Một số công trình xây dựng trong khu vực nghiên cứu phần lớn là nhà ở dân tự xây với kết cấu gạch 1 tầng hoặc nhà kiên cố có kết cấu bê tông cốt thép 1-3 tầng. Các hộ gia đình chủ yếu nằm dọc theo mặt đường tỉnh lộ ĐT.719 và dọc theo đường bê tông nông thôn rộng 2m dọc thôn Tiến An, kiến trúc lộn xộn, không có quy hoạch.

 Ảnh chụp từ ĐTM.

Mật độ xây dựng tối đa 25%

Về tính chất, Green Valley sẽ có các hạng mục như Khu vui chơi giải trí; Khu nghỉ dưỡng cao cấp; Khu thế giới động vật; Khu làng ẩm thực Việt Nam; Khu dịch vụ bãi biển; Khu phục vụ hạ tầng kỹ thuật; Khu bảo vệ và trồng dặm rừng tự nhiên; Khu biệt thự... với mật độ gộp xây dựng toàn khu tối đa 25%.

Toàn dự án sẽ được chia thành 8 khu chức năng.

Khu vui chơi giải trí (khu A) có tổng diện tích khoảng 22,7 ha, bao gồm Cụm triển lãm, biểu diễn mô hình hàng không, Sân vui chơi, biểu diễn X GAME, Nhà thương mại liền kề - ShopHouse, Cụm vui chơi cho trẻ em và gia đình, Cụm phim trường - giải trí, Cụm công viên - Thể thao - Bơi lội - Dịch vụ, Cụm vui chơi ngoài trời team building - cắm trại.  

Khu nghỉ dưỡng cao cấp (khu B), có diện tích khoảng 25,9 ha, bao gồm Khách sạn OREON nghỉ dưỡng 5 sao (300 phòng), Công trình chăm sóc sức khỏe, Resort EDEN-Vườn địa đàng (52 biệt thự), Khách sạn vườn treo BABYLON (200 phòng). Ngoài ra có 200 căn nhà thương mại liền kề - Shophouse, Nhà liền kế có vườn, Bãi để xe công cộng.

Khu thế giới động vật (khu C) có tổng diện tích khoảng 4,7 ha, bao gồm Nhà trưng bày - giới thiệu, Sân khấu khoài trời, Nhà triển lãm thực tại ảo, Nhà tiêu bản thực vật - động vật cổ sinh.

Khu làng ẩm thực Việt Nam (khu D) có diện tích khoảng 5,1 ha, bao gồm shophouse N23 - Phố hải sản, Khu ẩm thực 3 miền, đường giao thông nội bộ.

Khu dịch vụ bãi biển (khu E) có diện tích khoảng 12 ha, bao gồm Khu dịch vụ phía biển, Khu dịch vụ phía đồi.

Khu phục vụ hạ tầng kỹ thuật (khu F) có diện tích khoảng 2,7 ha, bao gồm Trạm hậu cần kỹ thuật - Kho vật tư, Vườn ươm phục vụ cảnh quan, các khu Hạ tầng kỹ thuật.

Bản đồ hệ thống mặt nước tại dự án. (Ảnh chụp từ ĐTM).

Khu bảo vệ chăm sóc và trồng dặm rừng tự nhiên (khu G) có tổng diện tích 14,8 ha, bao gồm các chức năng: Đai rừng theo ranh giới trên sườn dốc khu biệt thự - khách sạn (phía bắc), Mảng rừng khu biệt thự tổng thống, Mảng rừng khu biệt thự lưng đồi, Mảng rừng khu Spa, Mảng rừng khu resort, Mảng rừng khu Smart Hotel, Mảng rừng ven đường trục chính, Đai rừng trên sườn dốc khu nhà vườn, Đai rừng trên sườn dốc khu Vui chơi giải trí.

Cuối cùng là Khu biệt thự (khu H) có tổng diện tích 22,3 ha, bao gồm các công trình công cộng, Biệt thự rừng, Biệt thự đồi và Nhà liền kế có vườn. Tại đây sẽ quy hoạch thành khu biệt thự nghỉ dưỡng đa dạng nhiều loại hình biệt thự, bungalow có Công trình tiếp đón, nhà điều hành, nhà hàng thực dưỡng, thiền viện trên đỉnh đồi và cụm dịch vụ thương bao gồm nhà hàng- club, bể bơi Blue Lagoon nước biển và nước ngọt.

 Bảng phân bố vị trí hạng mục biệt thự của dự án. (Ảnh chụp từ ĐTM).

Có thể đi vào hoạt động từ năm nay

Tổng mức đầu tư của dự án Green Valley là 789 tỷ đồng, được chia làm 3 giai đoạn với số vốn lần lượt là 400 tỷ đồng, 200 tỷ đồng và 189 tỷ đồng. Trong cơ cấu vốn đầu tư, chi phí bồi thường hỗ trợ tái định cư chiếm 35 tỷ đồng, chi phí xây dựng chiếm 600 tỷ đồng...

Về tiến độ, dự án dự kiến thực hiện trong vòng 36 tháng kể từ thời điểm duyệt ĐTM.

Trong giai đoạn 1, dự án sẽ triển khai trên diện tích 70 ha (bao gồm 13,37 ha rừng tự nhiên ) với các hạng mục gồm Khu Dịch vụ bãi biển (20% các hạng mục chính), Khu Biệt thự, Khu Nghỉ dưỡng cao cấp (20% các hạng mục chính), Khu trồng dặm và bảo vệ rừng tự nhiên. Giai đoạn 1 dự kiến sẽ tiến hành xây dựng và đưa vào kinh doanh trong năm 2023.

Giai đoạn 2 (35 ha) sẽ thực hiện trong năm 2023, đưa vào sử dụng năm 2024, bao gồm các hạng mục:  Khu nghỉ dưỡng cao cấp (80% các hạng mục còn lại); Khu Dịch vụ bãi biển (80% các hạng mục còn lại); Khu Vui chơi giải trí; Khu Phục vụ hạ tầng kỹ thuật.

Giai đoạn 3 sẽ triển khai 2023 - 2025 trên diện tích hơn 26 ha, gồm các hạng mục là Khu Làng ẩm thực Việt Nam và Khu Thế giới động vật. 

Nói qua về chủ đầu tư, Hải An tiền thân là Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Dịch vụ Minh Bạch được thành lập từ tháng 7/2009, hiện có trụ sở tại xã Tiến Thành, TP Phan Thiết. Đại diện pháp luật kiêm Tổng giám đốc doanh nghiệp là ông Trần Viết Cường.

Thời điểm được chấp thuận đầu tư dự án vào năm 2010, đại diện pháp luật kiêm Chủ tịch HĐQT của Hải An là ông Trần Quang Cang.

Theo tìm hiểu của người viết, hiện cả ông Cường và ông Cang đều đang đứng tên tại 4 công ty, bao gồm Hải An; CTCP Xây dựng và Thương mại Dịch vụ Minh Bạch; Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Phú Thuận Gia và Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dược phẩm Việt Thống. 

 

Loạt dự án nghỉ dưỡng bị bỏ hoang trên tuyến ĐT.719. (Ảnh: Hoàng Huy).

Đường ven biển Phan Thiết - Kê Gà đang tập trung nhiều dự án du lịch hoang hoá 

Từ những năm 2000, vùng đất ven biển Mũi Kê Gà, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận trở thành điểm đến thu hút đầu tư của nhiều dự án du lịch, nghỉ dưỡng. Từng có thời gian, khu vực này được kỳ vọng trở thành thiên đường nghỉ dưỡng thứ hai của Bình Thuận, sau Mũi Né.

Trong đó, đường ven biển ĐT.719 được xác định là trục đường chiến lược của tỉnh Bình Thuận trong việc khai phá tiềm năng du lịch ven biển khu vực La Gi, Hàm Thuận Nam và TP Phan Thiết.

Hiện nay, dọc hai bên tuyến đường này đang tập trung rất nhiều khu du lịch, khu nghỉ dưỡng dù đã hoàn thành các hạng mục, song phần lớn đều bị bỏ hoang, xuống cấp.

Cuối năm 2019, HĐND tỉnh Bình Thuận đã có nghị quyết đầu tư nâng cấp đường ĐT.719 đoạn Kê Gà (xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam) - Tân Thiện (thị xã La Gi) và làm mới trục đường ven biển ĐT.719B đoạn Phan Thiết - Kê Gà, tạo điều kiện thuận lợi khai thác quỹ đất dọc tuyến, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn đến Bình Thuận.