Phim Người phán xử có "nguồn gốc" từ Israel đang đi đến hồi kết vẫn giữ được sức hút - Ảnh: T.L |
“Để phim truyền hình chuyển mình, nhà sản xuất, nhà đài không thể đơn lẻ giải quyết. Phải chăng cần có sự can thiệp của Nhà nước bằng cách hỗ trợ sản xuất những bộ phim chính luận có chất lượng, hấp dẫn?"
Đạo diễn Việt Hùng
Gây “bão” màn ảnh nhỏ
Không thể phủ nhận việc đầu tư sản xuất chỉn chu một bộ phim có kịch bản ngoại để kéo khán giả là tín hiệu đáng lưu ý, trong lúc khán giả hờ hững với phim truyền hình như hiện nay.
Sống chung với mẹ chồng khiến các chị em “bùng nổ” cảm xúc về mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu. Chỉ mới kết thúc trên VTV1, ngay lập tức bộ phim Sống chung với mẹ chồng được phát sóng trở lại trên kênh VTV3. Cuộc đời của ông trùm với mối quan hệ gia đình và thế giới ngầm trong bộ phim Người phán xử cũng đang đi đến hồi kết, nhưng vẫn còn giữ được “nhiệt”.
Mỗi tập phát sóng thu hút rất nhiều quảng cáo. Theo thông tin từ TVAD, từ ngày 26-7 giá mỗi mẩu quảng cáo trong khung giờ chiếu phim này đã tăng gần như bằng với giá quảng cáo trong khung giờ phát sóng các game show đình đám.
Trong khi đó, những e dè ban đầu về sức hút Gia đình là số 1 dường như tan biến. Sau hơn 100 tập phim phát sóng, câu chuyện về gia đình trong Gia đình là số 1 ngày càng cuốn hút khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Trên YouTube, mỗi tập phim có cả triệu lượt người xem...
Trên phim trường, Lời nguyền gia tộc, Mối tình đầu của tôi, Glee phiên bản Việt, Gạo nếp gạo tẻ... đang được khẩn trương sản xuất. Các bộ phim này được đầu tư kỹ lưỡng từ diễn viên, trang phục, bối cảnh... để trở thành “điểm nhấn” của các nhà đài, nhà sản xuất trong năm 2017.
Người trong nghề: buồn hơn vui
Khi được hỏi xem phim truyền hình thì người xem có quan tâm đến kịch bản thuần Việt hay không, khán giả Anh Thư - nhà ở quận 9, TP.HCM - chia sẻ: “Tôi không quan tâm lắm đến kịch bản có nguồn gốc từ nước ngoài hay không, miễn sao phim có nội dung, văn hóa gần gũi với Việt Nam là được”.
Nhưng với nhiều người trong nghề, điều này lại khiến họ có cảm giác “buồn hơn vui” bởi yếu tố... vay mượn. Là đạo diễn lâu năm, có nhiều phim thuần Việt được yêu thích, đạo diễn Lê Cung Bắc cho rằng: “Phim làm lại cũng là khuynh hướng tốt. Nhưng trong một thời gian ngắn mà có nhiều phim thể loại này sản xuất cũng thật đáng lo về vấn đề kịch bản”.
Theo đạo diễn Người đẹp Tây Đô, kịch bản rất quan trọng với một bộ phim truyền hình. Thời gian qua, màn ảnh nhỏ chứng kiến nhiều kịch bản phim không có gì mới lạ, độc đáo, ấn tượng. Nói có sách mách có chứng, ông kể: “Tôi làm trong hội đồng tuyển chọn kịch bản phim của kênh Today TV nên nhận được rất nhiều kịch bản để đọc. Nhưng trong 10 kịch bản gửi đến thì chỉ khoảng 3 kịch bản là tạm được, có thể làm phim. Những kịch bản còn lại không có nội dung, tính cách nhân vật không đồng nhất, thậm chí còn ngô nghê”.
Đồng quan điểm, biên kịch Quý Dũng bổ sung câu chuyện của người trong cuộc: “Nói thật, nếu có một kịch bản thuần Việt như Người phán xử thì liệu các đài có nhận không?”. Dẫn chứng về trường hợp của mình, anh kể bộ phim Cha rơi do anh viết kịch bản là phim tâm lý xã hội, khi phát sóng từng đoạt nhiều giải thưởng. Nhưng trước khi sản xuất, phim đã bị một đài truyền hình từ chối vì kịch bản dám xây dựng câu chuyện người cha đem lòng “yêu” con gái nuôi của mình.
Tuy nhiên, để vực dậy phim truyền hình, theo nhiều người trong cuộc, kịch bản tốt vẫn chưa đủ. Phim Việt còn rất nhiều vấn đề cần mổ xẻ, như ý kiến của đạo diễn Việt Hùng khi nói về khâu kinh phí sản xuất phim hơn mười năm qua vẫn không thay đổi. Trong khi đó, vật giá liên tục leo thang nên nhà sản xuất phải chắt bóp, gây áp lực về thời gian cho đạo diễn, khiến đạo diễn khó lòng sáng tạo.
Và như góc nhìn của đạo diễn Lê Cung Bắc, các phim hiện nay mới đề cập nhiều đến bề ngoài xã hội, chưa đào xới hết những vấn đề gai góc ẩn sâu bên trong xã hội. “Người xem cần một bộ phim phải kể chuyện của người Việt Nam, khán giả thấy mình ở trong phim khi xem. Chứ tôi thấy có một số phim Việt nếu không nói tiếng Việt, cảnh quay ở Việt Nam thì câu chuyện có thể diễn ra ở bất cứ nơi nào”.
Khán giả không thể xem phim nhàn nhạt
Nói thêm về câu chuyện kịch bản, đạo diễn Lê Cung Bắc cho hay: “Ngày xưa kịch bản phim truyền hình được chăm chút kỹ lưỡng. Một kịch bản biên kịch phải nghĩ mất mấy năm trời, rồi cả năm ôm ấp viết ra đường dây câu chuyện. Vì thế cảm xúc, đường dây câu chuyện nhất quán.
Còn bây giờ kịch bản được viết theo công nghệ mới. Mỗi nhóm viết một phần rồi ráp lại. Hỏi sao chuyện phim không rời rạc. Mặt khác, nhiều người viết kịch bản còn trẻ, kinh nghiệm sống không nhiều nên vì thế phim hời hợt. Người xem phim truyền hình phần lớn là người lớn tuổi, đã có trải nghiệm, có vốn sống nên xem phim nào nhàn nhạt thì hờ hững thôi!”.