Một năm sau 'thảm họa' vỡ hồ chứa: Công ty 6666 coi thường chỉ đạo UBND tỉnh Quảng Nam

Bất chấp, coi thường lệnh cấm hoạt động của UBND tỉnh Quảng Nam, công ty 6666 vẫn ngang nhiên khai khoáng. Sự việc khiến dư luận bức xúc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Ngày thủ công, đêm rầm rập như công trường

Ngày 16/3, từ thông tin phản ánh của người dân, PV Người Đưa Tin đã lên đường "đột nhập" vào khu vực bãi suối Trang, thôn Bồng Miêu, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam để mục sở thị việc khai thác vàng trái phép.

Tại đây, PV bắt gặp cảnh những tốp công nhân hì hục đào đãi vàng. Cạnh đó, nhiều lán trại mọc lên cho người trú ngụ.

Thậm chí, tại đây, còn có nhiều máy móc nổ inh ỏi để phục vụ công việc tận thu vàng, tập kết xái thải vàng, lán trại của công nhân.

Khu vực khai thác bên trong vẫn có xe múc và xe tải nhỏ đang hoạt động để phục vụ việc khai thác chui. Cạnh đó, nhiều hồ nước mới xây để đãi xái thải quặng...

Một năm sau thảm họa vỡ hồ chứa: Công ty 6666 coi thường chỉ đạo UBND tỉnh Quảng Nam - Ảnh 1.

Công nhân hì hục đào đãi vàng ở Bồng Miêu.

Theo người dân bản địa, khu vực bãi suối Trang vốn thuộc mỏ vàng của công ty CP Tập đoàn Khoáng sản công nghiệp 6666. Tuy nhiên, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã nghiêm cấm doanh nghiệp này khai thác vàng.

"Bị cấm nhưng họ vẫn lén lút khai thác từ cuối năm 2018 đến nay. Giai đoạn này, công ty 6666 đã thuê lao động tập kết xái quặng, tận thu vàng rầm rộ hơn", bà N.T. (trú thôn Bồng Miêu) nói.

Một số người dân khác cũng cho hay, để qua mặt cơ quan chức năng, ban ngày công nhân chỉ đào đãi vàng nhỏ lẻ, bằng công cụ thô sơ. Nhưng đêm đến, họ bắt đầu nổ máy động cơ hoạt động rất nhiều. Cứ sáng ra, người dân thôn Bồng Miêu lại đau đầu vì dòng suối đỏ ngầu do bị công nhân đãi quặng suối đêm.

Cách khu suối Trang không xa là khu Cà Thai. Nơi đây, xuất hiện hàng loạt lán trại, máy móc. Theo người dân, đây là khu vực tập kết quặng vàng cũng như làm nơi ăn nghỉ cho công nhân.

Một năm sau thảm họa vỡ hồ chứa: Công ty 6666 coi thường chỉ đạo UBND tỉnh Quảng Nam - Ảnh 2.

Máy móc, các hồ chứa nước... phục vụ cho việc khai thác vàng.

Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, rõ ràng những thông tin người dân phản ánh là hoàn toàn có cơ sở. Vốn vào tháng 2/2013, UBND tỉnh Quảng Nam cấp phép cho công ty CP Tập đoàn Khoáng sản công nghiệp 6666 khai thác tận thu phế phẩm từ bãi thải của nhà máy khai thác vàng Bồng Miêu.

Tuy nhiên, sau đó, doanh nghiệp này đã có một số vi phạm về môi trường. Tháng 10/2016, UBND tỉnh Quảng Nam đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động khai thác tận thu của công ty. Thế nhưng, doanh nghiệp này bất chấp, tiếp tục khai thác.

Đến tháng 1/2017, UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục ra văn bản buộc công ty CP Tập đoàn Khoáng sản công nghiệp 6666 phải ngừng hoạt động bởi những biểu hiện sai phạm và gây ô nhiễm môi trường ngày một nghiêm trọng.

Một năm sau thảm họa vỡ hồ chứa: Công ty 6666 coi thường chỉ đạo UBND tỉnh Quảng Nam - Ảnh 3.

Khung cảnh nham nhở ở mở vàng Bồng Miêu.

Tháng 3/2018, bờ đập nước thải xử lý quặng cũ của công ty này bị vỡ với chiều dài hơn 2m và bị lún sâu 20cm. Chính điều này đã khiến nước thải từ trong đập đổ ra sông Bồng Miêu.

Lúc này, UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo UBND huyện Phú Ninh giám sát chặt chẽ và kiên quyết yêu cầu dừng toàn bộ hoạt động khai thác, sử dụng quặng tại các bãi thải mỏ vàng.

Thế nhưng, sau tất cả, doanh nghiệp khai khoáng này vẫn ngang nhiên thực hiện tận thu, khai thác vàng ở mỏ Bồng Miêu.

"Chính quyền đã quyết liệt"

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thế Vinh, Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh cho biết, thời gian qua, chính quyền địa phương đã quyết liệt trong việc kiểm tra, xử lý.

Ông Vinh dẫn chứng rằng, tháng 10/2018, đồn Công an Tam Lãnh phối hợp cùng UBND xã đã kiểm tra và lập biên bản đối với công ty CP Tập đoàn Khoáng sản công nghiệp 6666. Thời điểm này, một số công nhân của công ty đang làm việc trong nhà máy với 8 hồ xái quặng.

Mới nhất, vào ngày 1/3 vừa qua, phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Phú Ninh cũng đã phát hiện doanh nghiệp này đang tập kết, ngâm ủ xái quặng, tận thu vàng tại suối Trang.

Vị Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh cũng thừa nhận rằng, mặc dù chính quyền địa phương liên tục xử lý, nhưng doanh nghiệp vẫn phớt lờ lệnh cấm, ngang nhiên tổ chức khai thác, tận dụng vàng một cách lén lút.

Một năm sau thảm họa vỡ hồ chứa: Công ty 6666 coi thường chỉ đạo UBND tỉnh Quảng Nam - Ảnh 4.

"Thảm họa" môi trường xảy ra ở Tam Lãnh khi hồ chứa nước thải vàng của công ty 6666 vỡ vào năm 2018.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đạo, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh thông tin, UBND huyện Phú Ninh sẽ yêu cầu công ty CP Tập đoàn Khoáng sản công nghiệp 6666 nghiêm túc chấp hành các chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam.

Đầu tiên phải dừng ngay mọi hoạt tại mỏ vàng Bồng Miêu và các nhà máy trên địa bàn xã Tam Lãnh.

Thứ hai, phải khẩn trương khắc phục các tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường và báo cáo UBND tỉnh Quảng Nam kiểm tra, thống nhất mới được cho phép hoạt động trở lại.

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam xác nhận, đến thời điểm hiện tại, chính quyền vẫn đang duy trì lệnh cấm công ty CP Tập đoàn Khoáng sản công nghiệp 6666 hoạt động ở mỏ vàng Bồng Miêu.

Ông Thanh khá bất ngờ trước thông tin doanh nghiệp trên đang hoạt động ngang nhiên bất chấp những lệnh cấm.

"UBND tỉnh chưa nhận được báo cáo của huyện Phú Ninh về việc công ty 6666 hoạt động trái phép. Tuy nhiên, trước thông tin phản ánh, lãnh đạo tỉnh sẽ yêu cầu phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh vào cuộc điều tra. Nếu quả thực, công ty 6666 bất chấp lệnh cấm của tỉnh thì cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm”, ông Thanh khẳng định.

Ngày 16/3/2018, hồ chứa xái quặng của công ty CP Tập đoàn Khoáng sản công nghiệp 6666 đã bị vỡ, gây ra "thảm họa" nặng nề cho môi trường.

Dòng sông Bồng Miêu chuyển màu đục và xuất hiện các loại cá chết hàng loạt. Cho đến nay, vấn đề môi trường ở khu vực vẫn có nhiều diễn biến phức tạp.

Đặc biệt việc khai thác vàng trái phép, cùng với việc hoạt động của công ty CP Tập đoàn Khoáng sản công nghiệp 6666 tại khu vực chưa đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong cộng đồng dân cư khu vực.

Bà Rịa - Vũng Tàu huy động công binh "cứu" hồ chứa vỡ đậpBà Rịa - Vũng Tàu huy động công binh 'cứu' hồ chứa vỡ đập Không có chuyện vỡ hồ chứa bùn đỏ nhà máy alumin Nhân CơKhông có chuyện vỡ hồ chứa bùn đỏ nhà máy alumin Nhân Cơ Vỡ đập chứa bùn thải: Cá chết đồng loạt, hàng ngàn hộ dân lo lắngVỡ đập chứa bùn thải: Cá chết đồng loạt, hàng ngàn hộ dân lo lắng
chọn
BĐS Hồ Gươm đang tiến vào khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 sau thương vụ 45 tỷ đồng
Sau khi cổ phần hóa, Viwaseen cùng đối tác DAF đã nhượng lại quyền phát triển khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 Hà Nội cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hồ Gươm với khoản tiền 45 tỷ đồng.