Một nhận thức căn bản về phương pháp dạy học đại học

Theo PGS.TS Trần Thế Phiệt - Khoa Quan hệ công chúng - truyền thông, Trường ĐH Đại Nam, nhận thức phương pháp dạy học đại học một cách căn bản sẽ làm cơ sở cho việc chỉ đạo, định hướng công việc cải cách phương pháp dạy học ở bậc ĐH, cũng như công việc cụ thể của từng giảng viên.
mot nhan thuc can ban ve phuong phap day hoc dai hoc

Trường ĐH không là “tháp ngà” trong xã hội hiện đại

Một thực tế được PGS.TS Trần Thế Phiệt đưa ra: Những thay đổi nhanh chóng của xã hội ngày nay khiến các nhà giáo không thể lẩn tránh một thực tế là các kiến thức văn hóa cổ kim đông tây đều đã lỗi thời, hoặc nhanh chóng lỗi thời. Những quyển sách cổ phải dùng đến hàng chồng sách để chú giải và những bài toán số học hóc búa mà sau khi ra trường lại suốt đời không cần dùng đến nó đang làm hao tổn một cách vô ích tinh lực và nhiệt tình của HSSV hiện nay.

Theo PGS Trần Thế Phiệt, sự đòi hỏi của xã hội và nhu cầu học tập của cá nhân, lợi ích của xã hội thông qua phát triển giáo dục và lợi ích của cá nhân nhờ được hưởng giáo dục là hai nguồn gốc cơ bản thúc đẩy giáo dục phát triển trong quan điểm lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng ta. Đó là một quy luật tiến hóa của giáo dục cần nắm vững.

Những vấn đề đó sẽ là mục tiêu định hướng cho sự nghiệp đào tạo ở một trường ĐH không phân biệt công lập hay ngoài công lập. Cụ thể đó là gì? Phương pháp đào tạo, phương pháp dạy học từng bộ môn cần phải quán triệt là: nội dung tri thức vừa là mục tiêu, vừa là phương tiện để rèn luyện bộ óc cho người sinh viên. Bên cạnh mục tiêu truyền đạt tri thức, mục tiêu dạy và học cách chiếm lĩnh tri thức là rất quan trọng. Có như vậy, khi sinh viên ra trường mới có một công cụ về phương pháp để họ tiếp tục học tập suốt đời.

Thế kỷ XXI là thế kỷ của toàn cầu hóa thông tin và toàn cầu hóa kinh tế. Những thay đổi của xã hội hiện đại, nhà trường ĐH tất yếu phải thay đổi, rời bỏ cái “tháp ngà” mà ở đó từ nội dung đến phương pháp đào tạo đã trở nên lỗi thời.

Cần có sự thay đổi trong nhận thức về giáo dục ĐH

PGS Trần Thế Phiệt cho rằng, ngày nay vẫn còn có người cho phương pháp dạy học chỉ là câu chuyện của nhà sư phạm. Chính điều này dẫn đến đây đó hăm hở nhiệt tình cải tiến, thay đổi, bổ sung chỉnh lý chương trình môn học mà không chú ý thích đáng đến sự thay đổi phương pháp dạy học cho phù hợp.

Ông dẫn quan điểm của Giordan và De Vecchi (1987) trong công trình nghiên cứu về nguồn gốc tri thức: Không phải khi người giáo viên đã xử lý xong toàn bộ chương trình giảng dạy và đã thực hiện giáo trình một cách nghiêm túc mà sinh viên đã được truyền thụ kiến thức. Người học không phải là cái túi rỗng để người khác đổ đầy kiến thức vào trong đó, và càng không phải là mẩu sáp để người ta in lên đó nhữn dấu ấn theo mong muốn.

Ở nước ta, năm 1998, nhà khoa học, GS Nguyễn Cảnh Toàn cũng đã viết hẳn một cuốn sách khẳng định con đường dạy cách tự học, học cách tự học như thế nào.

Ngày nay cũng còn có người cho rằng phương pháp dạy học chỉ là những biện pháp có tính chất tiểu tiết, tiểu xảo của thầy giáo trong khi giảng dạy. Thật là sai lầm khi cho rằng phương pháp chỉ là những kinh nghiệm thuần túy. Những căn bệnh “trầm kha” đó cần phải được thay đổi bằng một nhận thức căn bản, tận gốc rễ của nó.

Một cái nhìn tổng quát về phương pháp dạy học ĐH

PGS Trần Thế Phiệt cho rằng, việc tìm tòi phương pháp dạy học thích hợp cho mỗi bài học là hoạt động sáng tạo liên tục của người giáo viên. Nhưng việc tìm tòi sáng tạo đó phải trên cơ sở hiểu biết đầy đủ về một hệ phương pháp tích cực, lất người học làm trọng tâm.

Phương pháp giáo dục cũng có thể xem là cách thức đặc thù tổ chức các mối liên hệ giữa 3 thành tố: Thầy - Trò - Tri thức trong quá trình giáo dục nhằm đạt mục tiêu giáo dục.

Sơ đồ tuyến tính: Mục tiêu giáo dục (M) - nội dung (N) - phương pháp (P). Theo đó, M chi phối N; N quyết định P. Cách tiếp cận theo sơ đồ tuyến tính nói trên dẫn đến kết quả là sự tập trung trí tuệ và nguồn lực giải quyết nội dung học, thay đổi chương trình học, thay sách giáo khoa, chỉnh lý chương trình … mà không đề cập đến công việc cải cách phương pháp. Cách tiếp cân này cho thấy trong các thành tố của quá trình dạy học, phương pháp dạy học dễ rơi vào sự trì trệ.

Sơ đồ tam giác (M trực tiếp chi phối P; P trực tiếp đáp ứng yêu cầu của M và tác động đến việc lựa chọn, thiết kế nội dung học N cho phù hợp với mục tiêu giáo dục): Theo PGS Trần Thế Phiệt, khoa học giáo dục hiện đại đang tiếp cận vấn đề dạy học theo sơ đồ tam giác nhằm khắc phục hạn chế của sơ đồ tuyến tính.

Muốn cho sinh viên thích nghi với cuộc sống phải thay đổi cách thiết kế nội dung. Một trong những cách thay đổi được thừa nhận hiện nay là thiết kế theo phương pháp tình huống, phương pháp nêu và giải quyết vấn đề, tức là thiết kế nội dung theo các tình huống cụ thể vô cùng phong phú của cuộc sống xã hội.

Mức thấp nhất là thầy giáo nêu vấn đề và giúp đỡ sinh viên giải quyết vấn đề đó, thầy giáo kiểm tra và đánh giá. Mức cao hơn là thầy giáo nêu vấn đề và khéo kéo hướng dẫn sinh viên tự mình tìm ra cách giải quyết bằng tư duy và hành động của chính mình.

Tiến lên một trình độ cao hơn, sinh viên tự nêu vấn đề hay phát hiện vấn đề nảy sinh từ thực tế cuộc sống. Dưới dự hướng dẫn của thầy, sinh viên nhận dạng vấn đề, trình bày bảo vệ cách giải quyết vấn đề của mình, tranh luận đúng sai với các bạn. Sau khi thầy giáo đưa ra lời kết luận, sinh viên có thể tự đánh giá, tự điều chỉnh.

Sơ đồ tam giác sư phạm và phép phân loại: Biểu hiện cấu trúc của mọi tình huống giáo dục bằng một sơ đồ tương đối đơn giản: Sơ đồ 3 cực: Thầy - Trò - Tri thức, tức là 3 thành tố cơ bản của quá trình dạy học.

Phương pháp giáo dục là cách thức đặc thù nhằm tổ chức các mối liên hệ giữa 3 thành tố hay giữa 3 cực của tam giác sư phạm. Nếu lấy 1 thành tố nào đó làm trung tâm thì có nghĩa là chúng ta đã đề cập đến một mô hình phương pháp có những đặc trưng và mục tiêu riêng biệt:

Mô hình dạy học lấy việc dạy làm trung tâm: Mô hình này thường được giáo viên sử dụng và đặt nhiều tên gọi khác nhau, nhưng 3 phương pháp có thể làm rõ bản chất của phương pháp này là: Phương pháp thuyết giảng, phương pháp cổ truyền, phương pháp giáo điều.

Mô hình dạy học lấy việc học làm trung tâm: Phương pháp này sẽ làm cho cả 3 thành tố trong tam giác dạy học tác động lẫn nhau trong một hoạt động chung và nó cũng mang nhiều tên gọi: Phương pháp tích cực, phương pháp mới, phương pháp hiện đại…

Mô hình dạy học lấy nội dung dạy học và tương tác làm trung tâm: Với phương pháp này, chất lượng giáo dục không còn phụ thuộc vào bản lĩnh người thầy nữa mà phụ thuộc vào chất lượng của chương trình và độ tin cậy của kỹ thuật được sử dụng. Phương pháp dạy học theo mô hình này trở thành trào lưu sôi nổi trong những năm 60 của thế kỷ XX, sau đó lắng xuống. Nhưng đến cuối thế kỷ XX nó lại trở thành vấn đề thời sự do ảnh hưởng của lý luận dạy học mới, do sự phát triển CNTT và do tình trạng thiếu giáo viên có chất lượng.

Cho đến nay, dù còn nhiều ý kiến khác nhau, các nhà khoa học và quản lý giáo dục đều nhất trí cần đổi mới mô hình dạy học thụ động và đổi mới phương pháp dạy ĐH theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, tự học, tự rèn luyện của sinh viên, đáp ứng đào tạo nhân lực thời kỳ mới.

Bài viết được biên tập từ tham luận của PGS.TS Trần Thế Phiệt - Khoa Quan hệ công chúng - truyền thông, Trường ĐH Đại Nam) trong kỷ yếu hội thảo khoa học “Đổi mới phương pháp giảng dạy theo định hướng phát triển năng lực người học tại các cơ sở đào tạo ĐH ngoài công lập”.
chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.