Xem ngay: Vành đai 3 TP HCM
Ngày 16/6, Quốc hội chính thức thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường vành đai 3 TP HCM.
Với nghị quyết vừa được thông qua, Quốc hội đồng ý đầu tư 75.378 tỷ để xây dựng 76,34 km đường vành đai 3 TP HCM. Công trình sẽ được chia thành 8 dự án thành phần, theo hình thức đầu tư công.
Thời gian chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm nay, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026. Sau khi hoàn thành, tuyến đường sẽ áp dụng thu phí tự động không dừng.
Điểm đầu là nút giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành tại Km38+500 (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) và điểm cuối là nút giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành tại Km0+000 (huyện Bến Lức, Long An).
Hiện tại, tuyến này chỉ có đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn đi qua Bình Dương, dài hơn 15 km đã hoàn thành đưa vào khai thác. Vành đai 3 sẽ được đầu tư tiếp giai đoạn 1, đi qua TP HCM dài 47,5 km, Đồng Nai hơn 11 km, Bình Dương 10,7 km, Long An gần 7 km.
Trong khi đó, 8 năm trước, cao tốc Bến Lức - Long Thành nối huyện Bến Lức (Long An) với huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư đã được khởi công.
Toàn tuyến dài khoảng 58 km, đi qua tỉnh Long An (2,7 km), TP HCM (26,4 km) và tỉnh Đồng Nai (28,7 km). Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 31.320 tỷ đồng với thiết kế 4 làn xe, hai làn dừng khẩn cấp, vận tốc 100 km/h.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, dự án gặp vướng mắc về vốn đầu tư dẫn đến dừng thi công từ giữa năm 2019 khi tiến độ đạt gần 80% khối lượng.
Cao tốc Bến Lức - Long Thành có một đoạn dài khoảng 38 km (từ nút giao cao tốc TP HCM - Trung Lương đến đoạn nút giao vành đai 3 TP HCM tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) sẽ kết hợp cùng đường vành đai 3 TP HCM hình thành nên tuyến vành đai khép kín hoàn chỉnh, bao quanh ngoại thành, tạo động lực phát triển cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tại cuộc họp gần đây với Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, TP HCM và Đồng Nai cam kết sẽ hoàn thành xong giải phóng mặt bằng cao tốc Bến Lức – Long Thành trong tháng 7/2022, đồng thời cho biết đang thúc đẩy triển khai các bước cho dự án đường vành đai 3 TP HCM vừa được Quốc hội thông qua.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương tập trung cao độ cho đường vành đai 3 TP HCM, triển khai đồng thời các bước chuẩn bị để trong vòng một năm, đến tháng 6/2023 có thể khởi công dự án.
Đối với dự án Bến Lức - Long Thành, Phó Thủ tướng cho rằng, hiện nay đã đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng, cơ bản hình thành tuyến đường. Lãnh đạo Chính phủ giao các địa phương đẩy nhanh tiến độ, trước mắt là giải phóng để bàn giao dứt điểm mặt bằng, TP HCM và Đồng Nai cần tập trung xử lý dứt điểm, hoàn thành trong tháng 7/2022.
VEC cũng đã kiến nghị gia hạn thời gian hoàn thành dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành đến quý III/2025 thay vì vào cuối 2023 do tốn thời gian nối lại thi công và phát sinh chi phí.
Như vậy, dự kiến đến năm 2025, vùng Đông Nam Bộ sẽ có thêm tuyến vành đai khép kín hoàn chỉnh sau khi cao tốc Bến Lức – Long Thành và giai đoạn 1 vành đai 3 TP HCM cơ bản hoàn thành.
Đánh giá về tiềm năng dự án vành đai 3, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho rằng tuyến đường qua trực tiếp 4 địa phương TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An, sẽ “kích hoạt” toàn bộ vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Công trình không chỉ giúp cho TP HCM và các tỉnh trong khu vực dự án tháo điểm nghẽn giao thông, mà còn tạo ra động lực mới cho phát triển cả vùng Đông Nam Bộ. Đây sẽ là trục giao thông chiến lược, là vành đai phát triển đô thị, công nghiệp và kết nối vùng.
Hiện nay, các tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, quốc lộ 22, 13 đều quá tải, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm tại các cửa ngõ thành phố.
Thời gian tới, sân bay quốc tế Long Thành dự kiến hoàn thành vào năm 2025, sân bay Tân Sơn Nhất được đầu tư mở rộng,... cùng với sự gia tăng dân số hàng năm sẽ gây quá tải cho hệ thống giao thông khu vực Đông Nam Bộ khi kết cấu giao thông đường bộ chưa được nâng cấp, nguy cơ cao về ùn tắc nghiêm trọng.
Trong khi đó, tuyến vành đai 3 được thiết kế kết nối các tuyến giao thông hướng tâm như cao tốc TP HCM - Trung Lương, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức – Long Thành, TP HCM - Mộc Bài, quốc lộ 13,... sẽ làm nhiệm vụ tiếp nhận và giải tỏa các luồng xe quá cảnh từ các tỉnh mà không cần đi qua trung tâm TP HCM, chuyển hướng các phương triện tải trọng lớn, giảm tải cho các tuyến đường nội đô.
Khi có đường này, giao thông hướng tây bắc - đông nam của TP HCM và ngược lại có thể đi qua cao tốc Bến Lức- Long Thành để tiếp cận cao tốc TP HCM - Trung Lương. Hướng từ quốc lộ 13, quốc lộ 22 có thể tiếp cận khu vực cảng phía Đồng Nai, TP HCM qua đoạn Nhơn Trạch - Tân Vạn. Tuyến này cũng kết nối với đường sắt liên đô thị Thủ Thiêm - Nhơn Trạch - Long Thành và quốc lộ 1A.
Đối với vùng kinh tế phía Nam, đường vành đai 3 TP HCM còn có vai trò kết nối vùng Đông Nam Bộ với Tây Nam Bộ và hành lang xuyên Á, kết nối trực tiếp cảng cạn (ICD) Long Bình với ICD Củ Chi, ICD khu công nghệ cao TP HCM với ICD An Sơn (Bình Dương), giúp giảm chi phí logistics, giảm chi phí vận tải và thời gian lưu thông của các phương tiện vận tải.
Đặc biệt, khi tuyến đường vành đai 3 TP HCM hoàn thành sẽ nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa từ khu công nghiệp đến các cảng, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu và thu hút các nhà đầu tư.
Một điểm đáng chú ý là dự án vành đai 3 giúp tăng sự kết nối với những thành phố và thị xã xung quanh, mở ra hướng phát triển cho các đô thị vệ tinh như Nhơn Trạch (Đồng Nai); Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh (TP HCM); đô thị Đức Hòa, Đức Huệ, Bến Lức (Long An); Dĩ An, Thuận An (Bình Dương)...
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khi trình bày trước Quốc hội đã nhấn mạnh mục đích hai dự án vành đai 3 TP HCM và vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội có sự thay đổi về cách tiếp cận. Theo đó, phải đảm bảo được kết nối vùng, liên kết vùng, giảm ùn tắc, ô nhiễm; phải mở rộng được không gian phát triển cho hai thành phố và cho cả vùng; nâng cao được sức cạnh tranh và phải biến nó thành một động lực cho phát triển.
“Mục tiêu không chỉ để hình thành một tuyến hành lang giao thông mà phải biến nó thành một hành lang kinh tế, phải phát triển theo quy hoạch và thu hồi lại các giá trị địa tô tăng lên” ông Dũng nhận định.