Hà Nội và các tỉnh quyết làm xong đường vành đai 4 trước 2027

Hà Nội sẽ cùng với các tỉnh phấn đấu hoàn thành dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô trước năm 2027 theo chủ trương đầu tư Quốc hội thông qua.

Thông tin trên được Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu ra tại Hội thảo khoa học “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị những vấn đề lý luận và thực tiễn” vào chiều 17/6.

Người đứng đầu Đảng bộ thành phố cho biết Hà Nội sẽ cùng với các tỉnh phấn đấu hoàn thành dự đường vành đai 4 vùng Thủ đô trước năm 2027 theo chủ trương đầu tư đã được Bộ Chính trị và Quốc hội thông qua; tập trung chỉ đạo hoàn thiện các quy hoạch Thủ đô.

 Hà Nội quyết tâm hoàn thành đường vành đai 4 trước năm 2027. (Đồ họa: Đức Bùi).

Bên cạnh đó, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 có từ 3 đến 5 huyện phát triển thành quận; sửa đổi Luật Thủ đô năm 2012 và tổ chức thí điểm mô hình chính quyền đô thị…

Ngày 16/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội. Công trình có tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng với chiều dài 112,8 km, chia thành 7 dự án thành phần.

Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án vành đai 4 khoảng 1.341 ha. Quốc hội cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án.

Dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô sẽ được chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm nay, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Hà Nội chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện dự án bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ. Trong đó, dự án thành phần 3 được áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư.

Chính phủ và UBND TP Hà Nội đã nhận được đề xuất của các nhà đầu tư tiềm năng mong muốn được tham gia thực hiện dự án vành đai 4 như Vingroup (nhà đầu tư đề xuất dự án), T&T, Him Lam, DIC…

Các doanh nghiệp đều có cam kết đối với việc huy động vốn nhà đầu tư trên thị trường và khẳng định tính khả thi của dự án khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.

Về đề án đưa các huyện lên quận, huyện Đông Anh đã đạt 26/27 tiêu chí để có thể lên quận, trong khi huyện Gia Lâm còn thiếu hai tiêu chí.

Sở Kế hoạch và Đầu tư dự kiến đến năm 2025 sẽ có hai huyện là Đông Anh và Gia Lâm có khả năng hoàn thành đề án, ba huyện còn lại Hoài Đức, Thanh Trì và  Đan Phượng còn chưa hoàn thành 3 đến 6 tiêu chí, việc hoàn thành đề án đến năm 2025 khó khả thi. 

Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị, thời gian tới các ban ngành xác định lộ trình và báo cáo với Thường vụ, quyết tâm phấn đấu đến năm 2023 đưa huyện Đông Anh và Gia Lâm lên quận.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.