Mua điện thoại chính hãng ở Lazada nhận hàng nhái

Khách mua hàng qua mạng, nhận sản phẩm nhái nhưng chủ sàn khẳng định chưa giao hàng.
avatar_1566360830429

Khách nhận điện thoại mua qua sàn Lazada không sử dụng được. (Ảnh: P.P.K).

Trả tiền thật, nhận hàng nhái

Theo đơn khiếu nại của anh P.P.K (ngụ tại đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 3, TP HCM) gửi đến Báo Thanh Niên, ngày 4/8 anh đặt mua điện thoại Oppo Pro 128G trên Lazada với nhà bán hàng là Viễn Thông 89, và được xác nhận đơn hàng thành công qua email. 

Ngày 5/8, qua hệ thống tin nhắn của Lazada, anh P.P.K đề cập đến hàng chính hãng và có kiểm định của Lazada, nhân viên tư vấn xác nhận và trấn an khách hàng yên tâm, đồng thời khách có quyền đổi trả trong vòng 7 ngày nếu hàng nhận không đúng sản phẩm và chất lượng.

Đến ngày 7/8, có số điện thoại 09034338xx gọi cho anh P.P.K, tự xưng là nhân viên đóng hàng của Lazada xác nhận đơn hàng và thông báo đóng hàng gửi đi. Khi đó, anh P.P.K thấy nghi ngờ nên gửi tin nhắn với tổng đài Lazada để xác nhận số điện thoại đó có đúng nhân viên Lazada hay không? Nhân viên tổng đài không xác nhận đúng hay sai, mà chỉ lặp lại nội dung khách hàng yên tâm mua hàng và có quyền đổi trả trong vòng 7 ngày.

Một ngày sau đó, anh P.P.K nhận được hàng. 

Do chính sách của Lazada không cho mở hàng trước nên anh trả đủ 3,39 triệu đồng để nhận nguyên kiện hàng. Sau khi kiểm tra, kiện hàng vẫn nguyên thùng với tem nhãn của Lazada, còn nguyên tem của bưu cục Viettel.

 Thế nhưng sản phẩm bên trong bị cắt lớp bao bì, máy mở không lên nguồn, cục sạc không có logo Oppo... Anh P.P.K xác định đây là hàng nhái vì không đúng sản phẩm chính hãng Oppo, không sử dụng được. Ngay lập tức, khách hàng điện thoại và gửi tin nhắn với Lazada, cung cấp hình ảnh sản phẩm và yêu cầu đổi trả hàng. 

Nhân viên Lazada hẹn từ 5-7 ngày làm việc sẽ trả lời.

Nhiều ngày sau đó vẫn chưa thấy kết quả, anh P.P.K tiếp tục trao đổi qua tin nhắn với Lazada nhưng vẫn chỉ nhận được lời hẹn từ 5-7 ngày làm việc. 

Bất ngờ vào ngày 12/8, anh P.P.K nhận được tin nhắn đồng thời email từ Lazada báo đơn hàng bị hủy, vì nhà bán hàng không đóng hàng hoặc hết hàng. Trả lời lại email, anh P.P.K hỏi vì sao đơn hàng đã giao ngày 8/8, anh đã phản ánh hàng không đúng và khiếu nại nhưng giờ lại thông báo đơn hàng bị hủy? Thế nhưng phía Lazada không trả lời.

Đến ngày 15/8, Lazada tiếp tục gửi email cho khách hàng, thông báo nhà bán hàng không giao hàng theo mã đơn hàng đã đặt. Phía công ty đã chuyển thông tin sang Công an TP HCM. 

Anh P.P.K không đồng ý với hướng giải quyết này và yêu cầu gặp lãnh đạo của Lazada, nhưng không thành công.

Mua điện thoại chính hãng ở Lazada nhận hàng nhái - Ảnh 2.

Bao bì sản phẩm bị rách, phụ kiện không có logo của Oppo. (Ảnh: P.P.K).

Lazada bị giả mạo hay tiếp tay ?

Ngày 15/8, Công ty TNHH Recess Vietnam (công ty chủ quản sàn Lazada) gửi mail trả lời cho khách hàng, thông báo vụ việc có dấu hiệu lừa đảo nên đã chuyển giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để điều tra và xử lí. 

Trong phiếu chuyển đề gửi đến Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an TP HCM) đồng thời gửi cho khách hàng, Lazada chỉ rõ một số dấu hiệu bất thường trong vụ việc này. Đó là công ty không thực hiện đơn hàng nào có số hiệu giống như số hiệu đơn hàng mà khách hàng đã cung cấp (mã số đơn hàng lúc đặt và mã số trên kiện hàng khi giao khác nhau).

Vào ngày 8/8, khi anh P.P.K nhận hàng thì đơn hàng anh đặt trên hệ thống Lazada vẫn trong trạng thái “chờ vận chuyển”. Có nghĩa là sàn này và các đơn vị liên kết chưa nhận được sản phẩm từ người bán để vận chuyển, cũng như chưa nhận được thanh toán từ người mua.

Đồng thời tên nhà bán hàng trên kiện hàng khác với tên nhà bán hàng trên hệ thống của Lazada. Kiện hàng được giao qua Viettel Post mà không giao qua hệ thống vận chuyển liên kết với Lazada (các đơn vị vận chuyển mà sàn này hợp tác không có Viettel Post). Ngoài ra, Lazada cũng cho rằng nội dung của nhãn dán trên kiện hàng có dấu hiệu sao chép những nội dung trong nhãn vận chuyển của công ty như logo, logo LEX, hình thức và cách trình bày nhãn.

Từ những điều đó, công ty nghi ngờ đây là một trường hợp giả mạo bên ngoài hệ thống của sàn giao dịch thương mại điện tử Lazada.vn, dùng một kiện hàng mạo danh để giao hàng và thu tiền từ người tiêu dùng.

 “Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu giả mạo tài liệu giao dịch của công ty để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Nay công ty kính chuyển vụ việc của người tiêu dùng đến quý cơ quan để xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật và thông báo kết quả cho người tiêu dùng”, công văn của Lazada nêu.

Trao đổi với Thanh Niên, anh P.P.K nhấn mạnh: Đây không phải là lần đầu tiên tôi mua hàng qua mạng nói chung và trên Lazada nói riêng. Những lần trước giá trị món hàng dưới 1 triệu đồng thì chưa bao giờ nhận được điện thoại gọi xác nhận đơn hàng. Vì vậy, lần này khi nghe gọi điện tôi đã cẩn thận kiểm tra lại, nhưng phía Lazada không xác nhận là đúng hay sai. 

Tôi đặt hàng trên Lazada, phía Lazada đã cung cấp số điện thoại, địa chỉ giao hàng của tôi cho nhà cung cấp. Nếu tôi không đặt hàng trên Lazada thì làm sao bị lừa đảo? Vậy khi nhà cung cấp giao hàng nhưng không đúng mã số đặt hàng thì Lazada phải làm việc với nhà cung cấp, không thể đổ lỗi cho khách hàng. 

Tôi yêu cầu Lazada cung cấp các bằng chứng làm việc với nhà cung cấp hay bằng chứng phía công an đã xử lí cũng không có. Như vậy tôi có quyền nghi ngờ có việc Lazada tiếp tay bán hàng không chính hãng, lừa đảo khách hàng.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.