Để tiện đưa đón nhưng phải là... trường điểm
Lý do nhiều phụ huynh ở TPHCM đưa ra khi tìm mọi cách “chạy” cho con vào trường trái tuyến là để tiện việc đưa đón. Họ sống ở quận này nhưng di chuyển làm việc ở quận khác nên muốn “đeo” con theo để việc đưa đón trẻ đi học thuận lợi hơn.
Sống ở Thủ Đức nhưng chị Thùy Anh (nhân vật yêu cầu đổi tên) làm việc ở quận 3 nên chị muốn xin cho con học tiểu học ở quận Bình Thạnh, cung đường chị di chuyển trên đường đi làm. Chị nói, nếu học ở Bình Thạnh, chiều chị đi làm về là có thể kịp đón con luôn, còn chạy về Thủ Đức sẽ trễ giờ.
Vậy nhưng ở Bình Thạnh, chị chỉ “nhằm” vào đúng hai trường điểm là Trường tiểu học Hồng Hà và Chu Văn An. Biết các trường này rất khó có “cửa” để vào, nhiều người giới thiệu chị một số trường khác ở Bình Thạnh, nằm trên trục đường chị đi làm về thì chị... le lưỡi lắc đầu nói thà về Thủ Đức.
Đã xin trái tuyến để tiện đưa đón nhưng lại “đòi” phải trường điểm như trường hợp chị Anh là chuyện của rất nhiều phụ huynh. Họ đưa lý do đưa đón nhưng thật ra đó chỉ là “cái cớ” để chạy vạy cho con vào trường điểm.
Cũng sống ở Thủ Đức nhưng từ lâu, chị Huyền My đã “cũng” xoay mọi cách cho hai con phải vào học được ở các trường nằm ở quận 1, quận 3. Chị cũng cũng nói chị đi làm ở trung tâm nên xin cho con theo học ở những quận này là thuận lợi nhất chứ nhà chị chỉ có hai vợ chồng, nếu học ở Thủ Đức không ai thu xếp đón đưa kịp.
Xin vào trung tâm, chị cũng chỉ “nhắm” vào một số trường nổi tiếng và cũng nằm xa lắc chỗ làm của hai vợ chồng chị. Chị làm ở Phú Nhuận, thay vì chạy thẳng về Thủ Đức thì phải chạy ngược một vòng vào trung tâm đón hai con.
Một quản lý bậc tiểu học ở TPHCM chia sẻ, phụ huynh làm những công việc đặc thù như như bác sĩ, cảnh sát phòng cháy chữa cháy... được ưu tiên xem xét cho con vào học trái tuyến để phù hợp với tính chất công việc. Rồi phụ huynh nào cũng lấy lý do này để xin xỏ cho con vào trường trái tuyến - tiện nhưng phải là trường điểm.
Quá tải trường học
Số học sinh tăng cao, trường học quá tải cũng ảnh hưởng rất nhiều đến việc phụ huynh phải “chạy vạy” mọi cách tìm chỗ học cho con.
Báo cáo của Sở GD&ĐT TP.HCM, năm học 2017-2018, thành phố tiếp tục tăng hơn 59.000 học sinh. Cụ thể bậc mầm non, tiểu học cùng tăng trong khoảng 20.000 học sinh, THCS tăng hơn 12.700 em. Tập trung tăng mạnh tại các quận huyện có áp lực tăng dân số cơ học như Q.12, Thủ Đức, Gò Vấp, Bình Tân, huyện Bình Chánh...
Ở các quận trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Thủ Đức, Bình Tân, phần lớn công nhân có con nhỏ mong muốn có thể gửi con vào trường mầm non công lập để phù hợp với chi phí, đảm bảo an toàn. Nhưng thực tế, trường công chỉ đáp ứng được tỷ lệ rất nhỏ nên từ rất sớm, phụ huynh đã phải tìm mọi cách xoay xở với hy vọng “giữ được chỗ”.
Nhiều trường tiểu học "điểm" ở TPHCM được phụ huynh "nhắm" đến để gửi con vào |
Rồi nữa, ở bậc tiểu học hay THCS, phụ huynh còn nhắm đến những yêu cầu như trường có chương trình tiếng Anh tích cực, có bán trú... mà có thể trường đúng tuyển chưa đáp ứng được.
Chị Nguyễn Th. L., nhà ở P.3, Q. Bình Thạnh cho hay, nếu theo phân tuyến thì con chị sẽ vào Trường tiểu học Hà Huy Tập. Tuy nhiên, chị muốn cho con theo chương trình Tích hợp nên làm mọi cách để con vào học ở tại trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu.
Nhằm hạn chế tình trạng trái tuyến, các quận huyện ở TPHCM vẫn có những quy định cụ thể về thủ tục, phân tuyến để làm sao đáp ứng chỗ học cho đúng đối tượng. Như vào lớp 1, nhiều quận quy định học sinh diện hộ khẩu tập thể hoặc mới nhập hộ khẩu (KT3) thường phải cách thời điểm tuyển sinh một năm, tính từ tháng 5 của năm trước để làm căn cứ và còn phải kèm theo hộ khẩu gốc đối chiếu để hạn chế tình trạng “chạy trường” xảy ra.
Đối với việc tuyển sinh vào lớp 1, Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu yêu cầu trường học tổ chức tuyển sinh cần đảm bảo quyền được học tập của học sinh, công khai, minh bạch và thuận lợi cho học sinh và cha mẹ học sinh, bảo đảm mục tiêu phổ cập giáo dục của địa phương.
Lãnh đạo Sở cũng nhấn mạnh các quận/huyện tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm khắc các hiện tượng tiêu cực chạy trường, chạy lớp.