Ngày 5/9/1993, chàng trai trẻ Đỗ Việt Khoa dậy từ tờ mờ sáng trên chiếc xe Babetta cũ kỹ, vượt qua con đường đất dài 20 km gồ ghề và xóc nảy để dự lễ khai giảng đầu tiên trong đời trên cương vị thầy giáo. Người thanh niên hồi hộp đến mất ngủ trước lễ khai giảng và xúc động đến lặng người khi bài Quốc ca vang lên đầy trang trọng và tự hào.
Thầy Khoa bồi hồi nhớ lại 25 năm trước, sau 3 tháng nghỉ hè, tất cả học sinh tập trung vào ngày 5/9 dưới sân trường, không tập dượt, không có sự chuẩn bị cầu kỳ cho lễ khai giảng nhưng “thực sự thiêng liêng với học trò đầu cấp, nó xúc động với lớp giáo viên trẻ mới vào nghề như tôi. Ngày ấy còn nghèo khó, thiếu thốn nhưng trong sáng, thấy lòng mình sung sướng lạ thường”.
Ngày đầu tiên đến trường mang đúng nghĩa khai giảng. Hôm sau, thầy trò mới vào buổi đầu tiên của năm học mới. Mọi người đều lạ lẫm nhìn nhau. “Sự thân thiện, trẻ thơ của các em khiến chúng tôi dạy học hết mình, nhiệt tình hết mình”, thầy Khoa chia sẻ.
“Ngày đó, tôi chọn nghề giáo vì yêu cái sự gõ đầu trẻ. Chỉ cần lên lớp thấy sự vô tư, hồn nhiên hiện lên qua ánh mắt trong veo của các em học sinh là những người thầy, người cô đã quyết tâm gắn bó với nghề rồi”, thầy Khoa chia sẻ.
Ngày 5/9 năm nay, con đường của người thầy ấy đã rút ngắn hơn, bớt chông gai hơn, chiếc Babetta cũ đã được thay bằng xe ga hiện đại hơn. Ngôi trường được trang trí cờ hoa rực rỡ. Ngày khai giảng đến với thầy một cách nhẹ nhàng và bình thản.
Thầy vẫn dậy sớm để cùng các em học sinh chuẩn bị chu tất cho lễ khai giảng. Chiếc áo sơ mi trắng được là phẳng phiu từ hôm trước, thêm chiếc cà vạt chỉ dùng cho những dịp quan trọng. Ngứa ngáy tay chân, thầy lại cầm máy ảnh của đồng nghiệp để ghi lại những khoảnh khắc đầu tiên của năm học.
Một số giáo viên từng công tác tại trường, một vài học trò trở lại thăm trường năm học mới. Thầy Khoa bảo khai giảng vui nhất là lúc ấy, được trò chuyện, ôn lại kỷ niệm với mọi người, được học trò nhớ đến. Với người làm nghề giáo, chẳng có món quà nào ý nghĩa hơn.
Chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao, học sinh hiện nay không còn thiếu thốn như trước nữa. Nhiều câu chuyện tiêu cực trong ngành giáo dục bị phanh phui nhưng thầy Đỗ Việt Khoa vẫn cố gắng làm tròn trách nhiệm của một nhà giáo, vẫn mang những bài học tri thức và kỹ năng mềm để học trò có hành trang đủ đầy bước vào đời.
“Và dù có chuyện gì đi chăng nữa, công bằng mà nói, thầy cô giáo cả nước vẫn đang góp sức vào những việc tốt đẹp nhất cho học trò”, giáo viên này tâm sự.
Hiện, thầy Khoa phụ trách môn Địa lý của 10 lớp, căn phòng chuyên môn ở trên tầng 2 được trang bị tivi cùng các thiết bị dạy học phục vụ môn học.
Buổi thứ ba học Địa lý, My, Việt Anh và gần 40 học sinh lớp 10 trường THPT Thường Tín đã dần quen với người thầy vô cùng nghiêm khắc nhưng lại dạy bài dễ hiểu. Những đứa trẻ còn bỡ ngỡ khi vào cấp 3 nay đã phần nào mạnh dạn phát biểu trong giờ học, cùng cười lớn khi thầy kể chuyện xua tan không khí căng thẳng trong lớp.
Những đứa trẻ sinh năm 2003, chỉ mới 3 tuổi khi thầy Khoa trở thành “người hùng” của nền giáo dục lúc bấy giờ nhưng khi được hỏi, gần như học sinh nào cũng biết về thầy và những gì thầy đã làm, dù không được rõ ràng lắm.
My, lớp trưởng, là người tiếp xúc nhiều nhất với thầy Khoa, chia sẻ: “Trước khi vào lớp, em đã biết về thầy nên cũng hồi hộp lắm, cũng lo thầy nghiêm khắc như thế thì chúng em học không vào. Nhưng cuối cùng, mọi chuyện lại khác. Thấy rất gần gũi, mang lại cho bọn em cảm giác như người thân trong gia đình”.
“Tôi chỉ cố gắng làm gương cho các em, học thật thi thật, nhưng cũng tạo điều kiện để các em có kết quả tốt nhất. Em nào bị điểm thấp, tôi gọi lên yêu cầu ôn tập lại và cho kiểm tra riêng gỡ điểm”, thầy Khoa bộc bạch.
“Chúng tôi gắn bó với nghề giáo không phải vì đồng lương, nó còm cõi lắm, mà vì lòng yêu nghề, muốn truyền đến cho học sinh những giá trị nhân văn nhất, nhân bản nhất. Nhưng khi phải đối mặt những người làm sai, tôi sẵn sàng chịu bị trù dập, bị mất lương, sẵn sàng thôi việc. Dù phải nhận thiệt thòi, tính mình đã làm thấy đúng thì không hối hận, có phải trả giá cũng xác định trước rồi”, thầy giáo này chia sẻ.
Là người nổi tiếng về đấu tranh chống tiêu cực trong thi cử, những áp lực mang lại cho thầy nhiều mệt mỏi, rủi ro nhưng việc thầy lo nhất lại là những điều đó sẽ ảnh hưởng học sinh. Các em ra trường có kinh nghiệm đối phó, học được sự gian dối ngay từ trong nhà trường, sau này sẽ không biết ra sao.
Hết một tiết, thầy lại lấy điện thoại để xem giờ dạy tiếp theo. “Thời khóa biểu mình ghi vào đây cho tiện, quên thì lấy ra xem, bây giờ có tuổi rồi nên chỉ có thể nhớ những điều cần nhớ thôi”, thầy Khoa cười, nói.
Đằng sau người thầy luôn chỉn chu trong mỗi tiết học là người đàn ông luôn tất bật lo toan cho gia đình. Những buổi không phải đến trường, thầy Khoa nhận thêm máy tính về sửa chữa, chụp ảnh thẻ, phục vụ ở quán ăn. Tối đến lại mang cặp lồng cơm vào bệnh viện chăm sóc con gái mới sinh.
Căn nhà khá khang trang nhưng không có nhiều đồ giá trị được thầy chắt chiu, dành dụm trong nhiều năm và vay ngân hàng thay cho căn nhà lụp xụp trước đó. Phòng khách cũng là cửa hàng, nơi thầy đặt vài bộ máy tính để sửa chữa. Công việc này gắn với thầy gần 15 năm nay nên có lẽ vì thế thầy nhận thấy mình vẫn còn con đường khác khi đứng ra chống tiêu cực.
“Bản thân tôi khi quyết định làm việc này đã xác định đường lui cho mình. Tôi có thể làm được nhiều nghề khác để nuôi sống gia đình nếu chẳng may bị mất việc”, thầy chia sẻ.
Đang tập trung xoay những con ốc vít nhỏ xíu, bỗng có khách đến chụp ảnh thẻ, thầy dừng tay với lấy chiếc máy ảnh kỹ thuật số, sửa lại tóc cho cô bé rồi ấn liền 3 tấm ảnh.
Tiếp theo, thầy chuyển ảnh vào máy tính để xử lý và in ngay cho khách. Công việc theo tuần tự một cách chính xác và nhanh nhẹn, chỉ mất khoảng 5 phút là khách hàng đã có bức ảnh thẻ trên tay với giá 15.000 đồng.
"Mình làm cả chục năm nay rồi, thành thói quen cứ thế làm thôi, bảo làm sai cũng khó", thầy cười.
Căn bếp thiếu đi bàn tay của người phụ nữ nhưng thầy Khoa vẫn luôn tự tin: "Tôi sinh ra ở nông thôn nên những chuyện bếp núc này không làm khó được. Đồ ăn thì luôn có sẵn trong tủ, rau củ có hôm người cho, có hôm thì ù ra chợ mua được ngay".
Nhiều ngày mải miết làm việc, ngẩng đầu lên đã quá trưa, thầy nấu vội bát mì cho hai cha con rồi lại tất tả cặp sách đến trường.
Ở tuổi 50, người ta bắt đầu được nghỉ ngơi, hoặc ít ra có một cuộc sống đỡ phải lo toan, chật vật nhưng người đàn ông với mái đầu hai thứ tóc ấy vẫn miệt mài công việc của một nhà giáo, đảm đương nhiệm vụ của người cha, người mẹ trong gia đình.
- Thầy có nghĩ cuộc sống của mình hiện giờ là hệ quả của lần lên tiếng tố cáo gian lận năm 2006? Nếu được chọn lựa, thầy có làm khác không?
- Dù có nhiều hậu quả đáng tiếc sau đó nhưng tôi vẫn sẽ làm. Cũng có người nói tôi là kẻ gàn dở nhưng họ có là mình đâu mà biết. Làm được đến đâu, tôi sẽ cố gắng hết sức.
“Phàm đã là thầy cô giáo, chúng ta hãy tránh xa tham sân si, giữ sạch tấm áo giáo dục của mình, nói không với những cám dỗ đời đường, lúc ấy chẳng ai sa ngã được, chẳng có gì xấu có thể len lỏi vào giáo dục được. Sau tất cả, tôi thấy tâm mình thanh thản”, thầy Khoa chia sẻ.
Nói chuyện với Đỗ Trọng Nguyên, con trai thầy Đỗ Việt Khoa, cậu bé chia sẻ suy nghĩ có phần lớn hơn cái tuổi 16. Có lẽ, đó là kết quả của cả tuổi thơ phải sống trong nhiều cảm xúc khó nói thành lời:
“Em luôn ủng hộ và tự hào về những gì bố đã, đang và sẽ làm, dù đó cũng là một phần nguyên nhân khiến gia đình em không được trọn vẹn như bây giờ. Đánh đổi một chút hạnh phúc cá nhân để làm được những điều to lớn hơn cũng đáng chị nhỉ”.
Thầy giáo chống tiêu cực Đỗ Việt Khoa: 'Được chọn lại, tôi vẫn tố cáo gian lận'
Thừa nhận cuộc sống gặp nhiều sóng gió kể từ khi lên tiếng tố cáo gian lận thi cử ở Trường THPT Phú Xuyên A ... |
Những vụ bê bối ‘chấn động’ nền giáo dục hiện đại Việt Nam
Vụ việc hơn 100 thí sinh tại Hà Giang được “thổi phồng” điểm thi gấp nhiều lần so với thực tế đã gây “rúng động” ... |
'Người hùng' Đỗ Việt Khoa sau 11 năm chống tiêu cực: Nợ tiền tỉ, làm thêm đủ nghề để sống
Sau 11 năm thầy Đỗ Việt Khoa làm nên cơn “chấn động” trong ngành giáo dục, nay đầu 2 thứ tóc vẫn chưa được thảnh ... |