Gia đình nhỏ của Health Coach Trần Thị Ánh Phương. |
Chị Trần Thị Ánh Phương được biết đến là Health Coach (huấn luyện viên sức khỏe) ở Việt Nam. Ngoài công việc tư vấn sức khỏe, giúp người khác hướng tới một chế độ và lối sống khỏe mạnh hơn, nữ Health Coach này còn là cái tên khá nổi trong cộng đồng các ông bố bà mẹ bởi những quan điểm và phương pháp nuôi dạy con khoa học.
Nhiều phụ huynh tìm đến chị bằng những câu chuyện không ai giống ai về con cái, đều hỏi chị làm sao để thay đổi con mình thành một đứa trẻ ngoan. Định nghĩa “ngoan” ở đây chắc chắn không phải là việc chỉ biết nghe lời răm rắp thụ động, mà hàm ý trẻ biết cư xử và trẻ hạnh phúc vì không phải làm hài lòng tất cả mọi người.
“Nhân duyên với nghề Health Coach là thứ nhân duyên tình cờ”
Health Coach hay huấn luyện viên sức khỏe là một nghề nghiệp còn xa lạ với nhiều người Việt Nam. Rất nhiều người nhầm tưởng công việc này với nghề y, với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng. Tuy nhiên ba nghề nghiệp, công việc này lại khác nhau hoàn toàn. Nếu bác sĩ làm công việc chẩn đoán bệnh, kê đơn thuốc, điều trị bệnh; chuyên gia dinh dưỡng khám và tư vấn về dinh dưỡng thì Health Coach– huấn luyện viên sức khỏe hướng đến huấn luyện người khác để họ nhận thức rõ hơn về cơ thể của chính họ, để từ đó có thể duy trì lối sống khỏe mạnh lâu dài.
Health Coach Trần Thị Ánh Phương. |
Nhân duyên đến với nghề Health Coach của Ánh Phương rất tình cờ, khi chị tham gia khóa học của Health Coach Trần Lan Hương (người Việt Nam đầu tiên trở thành Chuyên gia Tư vấn Huấn luyện Dinh dưỡng và Sức khỏe). Chỉ tham dự khóa học trong một ngày nhưng với Ánh Phương đó là bước ngoặt lớn về nhận thức. “Lần đầu tiên trong cuộc đời mình nhận ra rằng mình cần phải học…ăn”, Ánh Phương nói. Sau đó được sự ủng hộ của gia đình, người thân, Ánh Phương đăng ký khóa huấn luyện Health Coach kéo dài 1 năm của Học viện Dinh Dưỡng Institute for Intergrative Nutrition.
Hiện Ánh Phương đã hoàn thành 3/4 thời gian học và đảm bảo các yêu cầu về lý thuyết cũng như thực hành để được cấp chứng chỉ ngắn hạn nửa năm. “Sắp tới tôi sẽ tiếp tục để được cấp chứng chỉ hoàn thành toàn bộ chương trình 1 năm. Trong thời gian này, tôi đã có thể chính thức hành nghề trong khuôn khổ hoạt động mà học viện cho phép”, Health Coach Ánh Phương chia sẻ thêm.
“Tôi là mẹ của một cậu bé ngoan từ trước khi cậu bé ấy ra đời”
Health Coach Ánh Phương tin rằng mọi em bé đều là những em bé ngoan. |
Health Coach Trần Thị Ánh Phương đã khẳng định chắc nịch như thế khi nhắc đến vấn đề nuôi dạy con – một vấn đề hóc búa, khiến bất cứ bậc phụ huynh nào cũng đau đầu, trăn trở. Niềm tin mạnh mẽ ấy khiến Ánh Phương tự gọi mình là “mẹ của một cậu bé ngoan từ trước khi cậu bé ấy ra đời”.
Tin rằng con mình luôn ngoan là điểm mấu chốt trong phương pháp nuôi dạy con của chị. Chị chia sẻ: “Việc ‘dán nhãn’ cho con mình là ‘bướng’, là ‘hay ăn vạ’, là ‘hư’… chỉ làm cho bé càng tin rằng đó là bản chất của con và tiếp tục hành động theo bản chất đó, chứ khó có thể tiếp thu lời phê bình mà sửa đổi như người lớn. Ngược lại, nếu bạn kiên trì phân tích cho con rõ hành động nào đó là không phù hợp mà lần sau con nên sửa đổi, mẹ tin con có thể làm được vì con là em bé ngoan; song song với việc khen khi con có những hành động đúng thì bé sẽ hành động theo đúng nhãn dán ‘ngoan’ đó.
Bé Min (con chị Ánh Phương, 3 tuổi) chắp tay chào người lớn theo phong tục của người Lào. |
Bé Min mang sữa mẹ đi học và tự rửa bình sữa ở trường. |
“Muốn dạy con, hãy dạy mẹ trước”
“Muốn dạy con, hãy dạy mẹ trước, và tất nhiên là cả bố nữa”. Health Coach Ánh Phương nêu ra hàng loạt ví dụ để chứng minh hành động, cách cư xử của bố mẹ ảnh hưởng sâu sắc đến trẻ như thế nào. Lời nói của bạn, con có thể quên nhưng hành động của bạn, con sẽ nhớ và làm theo.
Từ niềm tin mỗi em bé đều là một em bé ngoan, chị phát hiện ra nhiều điều, rằng vấn đề nằm ở chính bố mẹ, chứ không phải là ở trẻ. Nếu bố mẹ cứ mãi nghĩ rằng vấn đề nằm ở con mình và cố thay đổi nó cho đúng với kỳ vọng của mình hay cho giống như hình mẫu một đứa trẻ mà-bạn-cho-là-ngoan khác, bố mẹ sẽ thua cuộc.
Muốn dạy con, hãy dạy mẹ trước. |
“Nếu bạn hay quát con, một ngày nào đó bạn sẽ sửng sốt vì con có thể hét lại vào mặt bạn.
Nếu bạn chửi mắng người khác, con cũng có thể gọi bạn là ‘dở hơi’.
Nếu bạn nặng nề chỉ trích sai lầm của con, lần sau con sẽ nói dối.
Nếu bạn so sánh con với người khác, con bạn có thể sẽ không khá lên mà chỉ thêm ghét người đó.
Nếu bạn đánh con, con có thể đi bắt nạt em và những đứa trẻ yếu hơn và khi con lớn và khỏe hơn bạn, con có thể đánh lại chính bạn.
Nếu bạn tình nguyện mua vui cho con ăn, chứ không phải ăn cùng con thì việc ăn của con sẽ còn đau đầu với bố mẹ.
Nếu bạn thường vùi đầu vào điện thoại, máy tính để con phải hét lên mới nghe thấy con gọi thì con sẽ được rèn luyện thói quen la hét vô cớ.
Nếu bạn hay mải mê nói chuyện công việc mà không để ý con muốn khoe với bạn một cách xếp hình mới con vừa tìm ra, thì lần sau con sẽ không sáng tạo, không chia sẻ với bạn nữa… Bạn không cần dành trọn thời gian nghỉ ngơi của mình cho con, nhưng một khi đã là giờ chơi với con, hãy chơi cho thật chất lượng.
Lời nói của bạn, con có thể quên nhưng hành động của bạn, con sẽ nhớ và làm theo. |
Việc con không tăng cân, không chịu ăn, hay ốm vặt,…cũng vậy. Chịu tìm hiểu một chút, mẹ sẽ biết với hầu hết những đứa trẻ trên đời này (và cả chính bạn hồi nhỏ), những điều đó là bình thường. Nó chỉ trở thành vấn đề khi mình nghĩ nó là vấn đề, khi mình so sánh chiều cao cân nặng của con với đứa trẻ hàng xóm, khi mình không đủ kiên nhẫn chờ đợi con trải qua một giai đoạn tự nhiên nào đó; khi mình cho con uống thuốc cảm cúm để con có thể khỏi bệnh trong 1 tuần (trong khi nếu không uống thuốc, con sẽ tự khỏi bệnh trong…7 ngày)”.
“Để làm mẹ không áp lực, hãy chủ động tìm hiểu và chọn lọc thông tin”
Ánh Phương từng có thời gian điều trị lao phổi và phải nằm viện điều trị kháng sinh, nhưng vị Health Coach và cũng là bà mẹ một con này vẫn cố gắng tìm mọi cách để con được bú sữa mẹ hoàn toàn. Sự cương quyết của chị cuối cùng khiến bác sĩ phải "gật đầu đổi cho chị loại thuốc dùng được khi cho con bú".
Đã trải qua thời gian phải “đấu tranh” với chính những người xung quanh và thậm chí với cả bác sĩ để bé Min được bú mẹ, Ánh Phương hiểu rõ những áp lực mà một người mẹ phải đối mặt.
Bé Min được bú sữa mẹ hoàn toàn, và cho đến bây giờ bé vẫn được bú mẹ. |
Ánh Phương cho rằng đã làm mẹ, nhất là làm mẹ ở Việt Nam, thì không thể tránh khỏi áp lực từ người thân, bạn bè và xã hội. Từ chuyện nuôi con sữa mẹ hoàn toàn, chuyện ăn dặm khi đủ 6 tháng, chuyện để con tự chủ động ăn, chuyện lên cân, chuyện cai sữa, chuyện mang bầu và cho con bú, chuyện con ốm bệnh, chuyện kháng sinh hay miễn dịch tự nhiên, chuyện thức ăn nhân tạo cho trẻ em đầy trong nhà ngoài phố, chuyện cho con học gì, chơi gì,… đều có thể khiến bất cứ bà mẹ nào áp lực khi vừa phải chăm con, vừa phải lo “đối phó” với những áp lực ấy. Tâm lý người mẹ cũng ngày càng hoang mang dao động khi phải nghe đi nghe lại những điều đó hết ngày này đến tháng khác.
Quan điểm của Health Coach Ánh Phương là, “vấn đề không nằm ở vấn đề, mà nằm ở thái độ của bạn với vấn đề đó. Người ta cứ nói nhưng người phải sống và làm mẹ chính là bạn. Thay vào đó, các ông bố bà mẹ nên chủ động tìm hiểu và chọn lọc thông tin trong nuôi dạy con, sau đó tự tập hợp các ông bố bà mẹ khác ở gần và có chung tư tưởng với mình để lập những hội nhỏ sinh hoạt chung, cho các con đi chơi, ăn uống với nhau. Có thêm người đồng cảm, chia sẻ với mình sẽ dễ dàng hơn nhiều trước các áp lực có thể phát sinh”.
Chủ động tìm hiểu và chọn lọc thông tin để làm mẹ không áp lực. |
Để làm mẹ không áp lực, hãy nghĩ rằng “được sinh ra trên đời này đã là một trải nghiệm hạnh phúc, sau đó được làm mẹ, được chào đón một sinh linh trên đời này càng là trải nghiệm hạnh phúc hơn”. Nếu có niềm tin đó, tâm thế và hành trình làm mẹ của bạn sẽ hoàn toàn khác.
Nữ huấn luyện viên sức khỏe tin rằng, “sự tồn tại của chúng ta trên thế giới này không phải là ngẫu nhiên, những em bé cũng vậy, chúng là những thiên thần nhỏ đến với chúng ta vào đúng thời điểm với một lý do nào đó, để chúng ta học làm cha mẹ. Không phải quá trình làm cha mẹ nào cũng trải bước trên hoa hồng, nhưng như nhà sư Thích Nhất Hạnh đã nói “Không bùn thì cũng không sen”. Để có được đóa hoa đẹp dường ấy, người ta phải có bùn, phải lội bùn mới có được. Và khi có nó, người ta sẽ trân quý đóa hoa ấy hơn”.