Muốn được thay đổi giấy tờ, người chuyển giới phải tiêm hormone trong vòng 2 năm liên tục? |
- Chào La Lam, nhìn lại khoảng thời gian từ lúc Quốc hội thông qua Bộ luật Dân sự (sửa đổi) trong đó có quy định về chuyển đổi giới tính đến các lần tham vấn cộng đồng về dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính gần đây, cảm xúc của bạn như thế nào?
Tôi vẫn còn nhớ như in ngày 24/11/2015 khi Quốc hội đã thông qua Bộ luật Dân sự (sửa đổi) với quy định về chuyển đổi giới tính cho người Việt Nam. Ngày hôm đó, cộng đồng người chuyển giới ra đường hò reo ăn mừng như một chiến thắng.
Đến bây giờ, dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính đã “có hình hài” dù còn nhiều vấn đề đang trong quá trình sửa đổi. Nhìn lại chặng đường ấy, tôi cảm thấy hạnh phúc khi quá trình xây dựng luật chuyển đổi giới tính đã tiến gần hơn với cộng đồng. Tuy nhiên, bản thân tôi vẫn còn nhiều trăn trở và thắc mắc liên quan tới các quy định trong dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính.
La Lam phát biểu tại Hội thảo tham vấn cộng đồng chuyển giới về dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính. (Ảnh: iSEE). |
- Trong dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính, đâu là quy định mà La Lam quan tâm nhất? Vì sao vậy?
Trong dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính, tôi quan tâm đến quy định xác định đối tượng được thụ hưởng quyền chuyển đổi giới tính. Bởi vì cộng đồng người chuyển đổi giới tính rất đa dạng trong thể hiện giới. Những người thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính chỉ là một bộ phận trong cộng đồng người chuyển giới.
Người chuyển giới còn bao gồm rất nhiều nhóm đối tượng như các bạn đã có thể hiện giới phù hợp với bản dạng giới của mình nhưng không có nhu cầu hoặc không đủ điều kiện sức khỏe để thực hiện can thiệp y tế.
- Bạn sẽ lựa chọn phương án nào trong việc quy định xác định đối tượng được thụ hưởng quyền của Luật Chuyển đổi giới tính?
Hiện nay, dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính đang có đề xuất quy định về điều kiện công nhận người chuyển đổi giới tính với yêu cầu phải sử dụng hormone liên tục trong vòng 2 năm. Tôi có một thắc mắc về con số 2 năm? Đâu là cơ sở cho con số 2 năm tiêm hormone? Phải chăng 2 năm là thời gian để một người đưa ra quyết định được lựa chọn cuộc sống là của họ?
Thiết nghĩ với những người chuyển giới thì những quyết định về bản dạng giới của mình không phụ thuộc vào một thời gian tiêu chuẩn nào? “Việc bạn là ai” là một khẳng định không thể đo lường được bằng một tiêu chí cụ thể nào.
Chưa kể đến câu chuyện sử dụng hormone còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố của cá nhân: sức khỏe, điều kiện, tâm lí,... Bên cạnh đó cũng có những cá nhân không có nhu cầu sử dụng hormone vì chưa có điều kiện về kinh tế cũng như không muốn ảnh hưởng đến sức khỏe. Như vậy quy định về sử dụng liệu pháp nội tiết tố hoàn toàn không thiết thực và thể hiện được những mong muốn của cộng đồng. Vì vậy tôi đề xuất phương án không có sự can thiệp về mặt y tế. Đây là lựa chọn có thể giải quyết được số đông mong muốn của cộng đồng chuyển giới.
- Liệu đề xuất đó sẽ nhận được sự tán đồng từ tất cả các bên liên quan?
Tôi nghĩ nếu đứng dưới góc độ cá nhân về phía cộng đồng chuyển giới thì chắc chắn sẽ nhận được sự đồng tình ủng hộ cao. Tuy nhiên với góc độ chuyên môn của các bên liên quan thì có lẽ sẽ xuất hiện những quan điểm không đồng tình bởi nhiều lý do quan ngại. Nhưng tôi nghĩ, những luận điểm trái chiều đó, sự tranh luận sẽ tạo ra một kết quả ý nghĩa hơn so với đề xuất hiện tại trong dự thảo luật.
- Với quy định hiện tại về đối tượng của người chuyển đổi giới tính buộc phải tiêm hormone liên tục trong vòng 2 năm thì sẽ có khoảng bao nhiêu người chuyển đổi giới tính được thụ hưởng quyền này?
Nếu như dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính hiện tại thì sẽ có rất ít những người chuyển giới được thụ hưởng quyền được phép thay đổi giấy tờ. Bởi một nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) cho thấy, hơn 60% các bạn chuyển giới chưa sử dụng liệu pháp điều trị nội tiết tố bởi từ nhiều lý do khác nhau.
Dự thảo luật cũng quy định về công nhận các trường hợp đã thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới thì chỉ công nhận các trường hợp thực hiện tại các cơ sở được cấp phép... Như vậy các bạn thực hiện phẫu thuật trong nước và ngoài nước mà phần lớn tại Thái Lan thì sẽ không được công nhận...
Như vậy, nếu giữ nguyên việc xác định đối tượng được thụ hưởng quyền như hiện tại thì vô hình chung đa số người chuyển giới sẽ nằm ngoài Luật Chuyển đổi giới tính.
4 nước châu Á thừa nhận giới tính mới cho người chuyển giới sau phẫu thuật | |
Bộ Y tế tổ chức tham vấn về dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính |
- Đâu là điều mà La Lam mong đợi nhất từ dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính?
Là một trong những người chuyển giới tiếp cận và quan tâm đến dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính ngay từ những ngày đầu, bản thân La Lam có rất nhiều điều suy tư và trăn trở. Thực sự, câu chuyện của người chuyển giới luôn đa dạng. Các nhà chính sách, làm luật có thể lắng nghe câu chuyện của người chuyển giới để có sự điều chỉnh hợp lý hơn với mong muốn của cộng đồng. Câu chuyện không chỉ nằm ở việc có được thừa nhận giới tính mới hay không mà còn nằm ở vấn đề làm thế nào đảm bảo sức khỏe trước và sau khi can thiệp phẫu thuật cho người chuyển giới.
- Những bạn trong cộng đồng chuyển giới phải làm thế nào để có thế góp một phần tiếng nói đến Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính?
Để quá trình thực hiện Luật Chuyển đổi giới tính diễn ra nhanh hơn cũng như đề cập được sâu tới nguyện vọng của người chuyển giới, các bạn nên theo dõi và tham gia các hội thảo để chia sẻ câu chuyện cá nhân của mình. Quan trọng hơn, việc xuất hiện và cư xử văn minh của người chuyển giới cũng là cách để xóa đi những định kiến tồn tại trong suy nghĩ của nhiều người.
- Cám ơn bạn rất nhiều về cuộc trò chuyện này.
'Lột xác' thành hotboy sau phẫu thuật chàng trai vẫn một lòng yêu bạn gái chuyển giới
Sau cuộc phẫu thuật, chàng trai Thái Lan đã sở hữu khuôn mặt nam thần nhưng anh vẫn khẳng định không bao giờ chia tay ... |
Cô gái chuyển giới dân tộc Thái: hàng xóm xì xào, bố tôi nói: 'Con tôi bê đê còn tốt hơn nhiều người'
Mơ ước của cô gái chuyển giới dân tộc Thái là một ngày người dân bản nơi cô sinh ra và lớn lên đều được ... |