Tâm sự của người chuyển giới: Sự kì thị khiến tôi chai lì

Là người thuộc cộng đồng LGBT, tôi hiểu rõ về sự kỳ thị, phân biệt đối xử ảnh hưởng như thế nào. Đối với tôi, sự kì thị là một trong những nguồn cơn gây đau khổ cho con người. Tôi nghĩ rằng, trước những khổ đau ai rồi cũng sẽ chai lì cảm xúc.

Nỗi đau từ sự kì thị

Tôi đã từng phải đối mặt với sự không thừa nhận từ gia đình vì là người chuyển giới. Thời gian ấy rất tệ. Sau đó, tôi cũng ổn hơn thì phải tiếp tục đối mặt với ánh nhìn không thừa nhận từ xã hội, bạn bè.

Những điều ấy khiến tôi nhìn thế giới với chiếc kính râm. Tôi luôn nghĩ rằng, con người sinh ra để làm tổn thương nhau, chẳng ai trong chúng ta sống trên đời mà chưa bị tổn thương hay chưa bao giờ làm tổn thương ai hết. Chúng ta sống, giao tiếp, tương tác và khi bị tổn thương chúng ta sẽ gieo rắc nó cho nhiều người. Và dường như tôi hay nhiều người chuyển giới lại là đối tượng bị tổn thương hơn nữa.

Những nỗi đau hằn sâu vào trong tâm trí tôi, khiến tôi sợ sệt, lo âu, hay làm cho tôi không muốn kết nối với nhiều người. Nhìn một cách cảm thông, tôi hiểu ai cũng có nỗi đau riêng, chính vì họ đau do những điều bạo lực tinh thần hay bạo lực thân thể trong cuộc sống thường nhật, nhưng họ lại tiếp tục gieo niềm đau tới người khác. Họ sẵn sàng dùng niềm tin để phủ nhận một con người.

Sự kì thị từ nhiều người là điều khiến tôi thất vọng. Giá như chúng ta sống với nhau với mục đích chia sẻ cảm thông khoan dung thì mọi điều sẽ an yên biết mấy!

Tâm sự của người chuyển giới: Sự kì thị khiến tôi chai lì - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Peaceful Harmony

Sự kì thị dần khiến tôi chai lì cảm xúc

Trải qua bao nắng gió, tôi lo sợ và mơ màng về mọi thứ, nhiều chuyện dồn nén kể ra không ai tin, có người khóc lóc được dần lạnh lùng. Những nỗi đau được dồn tới cùng cực, cũng chỉ có cách ấy mới giúp tôi sống tiếp và vượt qua mọi chuyện.

Cho dù hiện tại thoải mái, hạnh phúc hơn. Cho dù tôi có thể cười tươi. Nhưng có thể đó là cái cười thanh thản hoặc nó là sự chai lì qua thời gian vì nỗi đau  để lại những vết sẹo trong tâm hồn. Những mảnh kí ức thi thoảng còn hiện lên khiến con người ta cuốn vào đau khổ quá khứ, chẳng ai được tôi giải tỏa mà chỉ có tôi tự mình với những dũng cảm nhất tiếp tục đứng dậy và quên nó đi.

Có lẽ, nỗi đau bám trụ đó rồi cũng sẽ chai lì, chẳng thể nào cho con người ta thấy nó nhức nhối mãi. Chúng ta ai cũng sẽ chai lì ít nhất một lần chỉ vì chúng ta cảm nhận nỗi đau quá sâu sắc, chúng ta không thể có những chiếc khiên bảo vệ mình trước sự kì thị là con dao sắc nhọn đâm vào sâu trong tâm can.

Để khoan dung xoa dịu tâm hồn

Tuy thời gian này sự kì thị phân biệt đối xử với LGBT đã giảm bớt, nhưng vẫn còn tồn tại. Có nghĩa là, sẽ xuất hiện nhiều người phải dồn nén và chai lì đi trước sự kì thị. Có lẽ, chỉ khi con người ta học cách khoan dung hơn, tôn trọng sự khác biệt, không còn ghét bỏ, kì thị, xa lánh hay thậm chí phân biệt đối xử với những người không giống mình thì nhiều người sẽ thoát khỏi cảnh sống trong ngục tối thẳm sâu nơi tâm hồn đau khổ.

Hy vọng rằng, sẽ chẳng còn ai chịu những nỗi đau kinh khủng, trải qua sự tự kì thị và bị kì thị chỉ vì là người thuộc cộng đồng LGBT nói chung hay người chuyển giới nói riêng. Còn về phần mình, tôi vẫn phải lặng thầm xoa dịu những khổ đau của mình, học cách khoan dung để khiến mình được lắng lại.


XEM THÊM

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.