Chúng ta đã được nghe rất nhiều về những chiếc hộp, những khuôn mẫu giới. Đó là những chuẩn mực xã hội về người nam và người nữ (xét theo giới tính sinh học). Khuôn mẫu giới đi đến định kiến về vai trò của một người không đi qua quá trình thực nghiệm mà chỉ "qua lời xã hội đồn thổi". Sau cùng, nó hạn chế tự do của mọi người và trở thành thứ thúc đẩy con người hành động, kỳ thị, phân biệt đối xử với người vượt qua những chiếc khuôn.
Không chỉ nam, nữ là những người dám đi khỏi "chiếc hộp giới" bí bách mà chính những người LGBT cũng vậy. Đương nhiên, một xã hội với niềm tin "thâm căn cố đế" rằng thế giới chỉ có tình yêu tồn tại giữa hai người nam và nữ về mặt sinh học thì rất khó để không tỏ thái độ, xa lánh, khó chịu, dè bỉu, đùa cợt về một người theo cách không vui hay phân biệt đối xử với người thuộc cộng đồng LGBT!
Những thái độ tiêu cực từ niềm tin thì là kỳ thị. Còn phân biệt đối xử sẽ thuộc về phạm vi hành động: đánh đập, từ chối (ví dụ như xin việc và bị từ chối chỉ vì là LGBT) và mức độ cao nhất là hủy diệt. [1]
Nghe mấy thuật ngữ này thì có vẻ khó hiểu, nhưng thực chất nó nằm ngay trong cuộc sống, chẳng ở đâu xa hết. Sự kì thị, phân biệt đối xử với người LGBT đầy rẫy, có nhiều mức độ và những hành vi ấy được lặp đi lặp lại củng cố định kiến và chính sự phân biệt đối xử ấy.
Ảnh minh họa. Nguồn: Attitude.co.uk
Xã hội kì thị LGBT là xã hội có sự đàn áp với họ. Sự đàn áp xuất hiện khi định kiến, phân biệt đối xử được ủng hộ, khuyến khích bởi một cộng đồng nhất định, ở đây có thể là thế giới xung quanh ta. Sự đàn áp góp phần nâng đỡ và tạo dựng hệ thống của một số quyền lực xã hội. Ví dụ như sự gia trưởng, chế độ nam quyền, người da trắng thượng đẳng là biểu hiện của sự đàn áp này [2].
Xét về số lượng người LGBT và người dị tính, LGBT là thiểu số. Điều này chứng minh rằng không thể xuất hiện sự đàn áp với người dị tính là điều dễ hiểu. Cũng có thể hiểu rằng, không thể xuất hiện xã hội kì thị dị tính vì sự phân biệt đối xử với xu hướng tính dục này chưa được ủng hộ và khẳng định bởi một cộng đồng quanh họ (đơn giản vì họ là người chiếm đa số).
Tuy vậy, không tồn tại một xã hội kì thị dị tính cho tới thời điểm này thì ta cũng không thể phủ nhận là không có sự kỳ thị dị tính, bởi vì sự kỳ thị giữa các cá nhân còn tồn tại. Và hơn nữa, quyền lực chỉ là tương đối, chúng ta không thể chắc chắn rằng, một thứ chưa thành hệ thống thì không thể trở thành hệ thống. Bởi vậy, không cần phải đợi đến lúc sự phân biệt đối xử, kì thị diễn ra trên diện rộng mới lưu tâm về nó.
Quan trọng là, những người chịu sự kì thị vừa là nạn nhân và cũng có thể (chỉ có thể thôi nhé) có hành vi phân biệt đối xử, kì thị với nhóm người khác, nó như đi vào vòng luẩn quẩn của bạo lực vậy.
Lí do mà người ta kì thị, phân biệt đối xử với LGBT vì xã hội người dị tính chiếm đa số, họ có quyền lực hơn và niềm tin của họ được củng cố từ nhiều năm, được xây dựng khá kiên cố từ bao đời. Nhưng người LGBT thì sao? Dù không tương quan về số lượng hay quyền lực, người LGBT vẫn có thể phân biệt đối xử với người dị tính, điều này hoàn toàn xảy ra được, chỉ là khó hơn thôi.
Nhiều ý kiến cho rằng, sự kì thị người dị tính của một số người trong cộng đồng LGBT là hệ quả của xã hội kì thị, phân biệt đối xử với nhóm người này. Chúng ta cũng cần thừa nhận với nhau rằng, rất khó để chúng ta đáp trả sự thù hằn bằng yêu thương và sự khoan dung.
Như ở bên trên đã đề cập, chúng ta khó có thể đáp trả sự thù ghét bằng yêu thương. Sự kì thị, phân biệt đối xử tồn tại trong thế giới không chỉ là riêng với nhóm người LGBT mà nó có mặt ở mọi phương diện như phân biệt chủng tộc, dân tộc, trí tuệ, giàu nghèo... Vì nó có mặt ở mọi nơi, tức là nó được nuôi dưỡng trong mỗi con người, và như vậy, không thể nói rằng nó chỉ xảy ra ở một chiều.
Dù như thế nào chăng nữa, nuôi dưỡng sự kì thị chỉ khiến cho con người xa nhau hơn. Đối với người dị tính nếu có thể, thay vì kì thị hãy ngừng nuôi dưỡng nó và tìm hiểu về LGBT cùng với tôn trọng sự khác biệt. Chúng ta cần phải hiểu rằng, không thể ép một người yêu mến mình khi chính mình gây bạo lực với họ! Đối với người LGBT cũng tương tự.
Sau cùng, nuôi dưỡng sự thù ghét hay buông bỏ nó là lựa chọn của mỗi cá nhân, tuy vậy, khi chúng ta chọn bạo lực, chúng ta có thể nằm mơ về một xã hội khoan dung, chỉ là ước mơ đó rất khó trở thành hiện thực mà thôi!
(Bài viết dựa trên quan điểm cá nhân)
Tài liệu tham khảo:
1. Ối zời ơi! Ra là thế! – Viện iSEE
2. Vấn đề giải thích sự áp bức? - Everydayfeminism
XEM THÊM
LGBT 07:23 | 14/06/2019
LGBT 17:33 | 11/06/2019
LGBT 07:42 | 11/06/2019
LGBT 18:23 | 10/06/2019
LGBT 18:00 | 06/06/2019
LGBT 16:01 | 05/06/2019
LGBT 14:31 | 05/06/2019
LGBT 16:28 | 04/06/2019