710 triệu cổ phiếu FLC chính thức bị hủy niêm yết khỏi Sàn Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) từ ngày hôm nay 20/2/2023. Khoản 2 Điều 133 Nghị định 155/2020 quy định: “Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày hủy bỏ niêm yết có hiệu lực, Sở giao dịch chứng khoán có trách nhiệm phối hợp với Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện đăng ký giao dịch đối với cổ phiếu của công ty bị hủy bỏ niêm yết.”
Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) mới đây đã thông báo sẽ chuyển dữ liệu đăng ký, lưu ký chứng khoán FLC từ thị trường niêm yết HOSE sang thị trường UPCoM kể từ ngày 22/2.
Động thái chuyển đổi của VSD chỉ là một trong những điều kiện cần. Cổ phiếu FLC muốn được giao dịch ở UPCoM sẽ phải có sự chấp thuận của đơn vị quản lý thị trường UPCoM là Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Cuối tháng 8/2022, hơn 567 triệu cổ phiếu ROS của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros cũng bị hủy niêm yết khỏi sàn HOSE, VSD cũng đã chuyển dữ liệu đăng ký, lưu ký sang UPCoM nhưng cho đến nay ROS vẫn không được đăng ký giao dịch ở UPCoM.
Nguyên nhân mà HNX đưa ra là cơ quan công an khi đó đang điều tra làm rõ việc vốn điều lệ của FLC Faros bị nâng khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng trước khi niêm yết lên sàn năm 2016. HNX chưa có đủ cơ sở để xác định số vốn điều lệ hợp lệ cũng như tính đại chúng của ROS và số lượng chứng khoán đăng ký giao dịch nên không thể đồng ý cho ROS giao dịch ở UPCoM.
Tập đoàn FLC không vướng vào vụ án nâng khống vốn điều lệ mà có liên quan tới vụ án thao túng thị trường chứng khoán và che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán. Việc cổ phiếu FLC có đủ điều kiện giao dịch ở thị trường UPCoM hay không sẽ cần phải đợi thông báo từ HNX.
Giả sử FLC được gia nhập thị trường UPCoM, cổ phiếu này sẽ nằm trong top 10 mã có khối lượng đăng ký giao dịch lớn nhất.
Bảng thống kê dưới đây cho thấy FLC đứng sau hai cổ phiếu ngân hàng là ABBank (ABB) và Nam A Bank (NAB) về số cổ phiếu; dưới hai cổ phiếu họ Masan là Masan Resources (MSR) và Masan Consumer (MCH); đồng thời kém ba mã cổ phiếu có đa số vốn Nhà nước là Viettel Global (VGI), Tổng Công ty Cảng Hàng không (ACV) và Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiêp (VEA).
Đồng thời, số cổ phiếu FLC đang lưu hành lớn hơn nhiều doanh nghiệp khác như Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel – TVN), Ngân hàng Việt Á (VietABank – VAB), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex – VGT), …
Trên thị trường UPCoM có ba doanh nghiệp quốc doanh với quy mô rất lớn nhưng chỉ đăng ký giao dịch một phần nhỏ số cổ phiếu, cụ thể là:
Công ty cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR) có vốn điều lệ trên 31.000 tỷ đồng, tương ứng với hơn 3,1 tỷ cổ phần, nhưng chỉ đăng ký giao dịch 244 triệu cổ phiếu ở UPCoM.
Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Mã: MVN) có 1,2 tỷ cổ phần nhưng chỉ đăng ký giao dịch 6,37 triệu cổ phiếu.
Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV OIL – Mã: OIL) có 1,03 tỷ cổ phần nhưng chỉ đăng ký giao dịch hơn 201 triệu đơn vị.
FLC có thể nằm trong top 10 mã đăng ký giao dịch nhiều cổ phiếu nhất UPCoM nhưng không thể nằm trong top 10 vốn điều lệ.
Xét về vốn hóa, tại ngày giao dịch cuối cùng (8/9/2022), FLC đóng cửa với giá 3.570 đồng/cp, tương ứng với tổng giá trị niêm yết 2.535 tỷ đồng. Con số này tương đương với vị trí số 57-58 trong bảng xếp hạng vốn hóa ở UPCoM thời điểm hiện tại.