Ngành vật liệu xây dựng: Miếng bánh lớn hơn và ai cũng có phần khi thị trường xây dựng bùng nổ

Bức tranh ngành vật liệu xây dựng năm 2021 sẽ trở nên tích cực khi hưởng lợi từ thị trường bất động sản và xây dựng hạ tầng, trong đó các công ty đầu ngành như Hòa Phát và Nhựa Bình Minh được nhận định sẽ tiếp tục tăng trưởng.

Tháng trước, Chứng khoán Phú Hưng (PHS) đã có báo cáo nhận định về ngành vật liệu xây dựng (VLXD) trong năm 2021.

Theo PHS, ngành VLXD là ngành có tính chu kỳ. Giai đoạn 2016 - 2018, ngành có mức tăng trưởng mạnh. Kể từ 2018, cả ngành chứng kiến sự sụt giảm lớn.

Ngành VLXD: Miếng bánh lớn hơn và ai cũng có phần khi thị trường xây dựng bùng nổ - Ảnh 1.

PHS tách riêng biểu đồ của ngành thép vì lý do thị trường thép đang phát triển nhanh trong khi các thị trường khác đang phải đối mặt với vấn đề thừa cung.

Theo PHS, ngành thép có mức tăng trưởng lớn trong năm 2020 là nhờ vào Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) và Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG). Trong khi phần lớn các công ty còn lại trong ngành (đá, xi măng, nhựa đường…) có tăng trưởng doanh thu âm trong năm 2020.

Tuy nhiên, theo nhận định của PHS, nguồn cung căn hộ trong năm 2021 được kỳ vọng sẽ phát triển ở mức 31% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi đầu tư công sẽ vào khoảng 460.000 tỷ đồng, tương đương với năm 2020.

Do đó, PHS cho rằng với yếu tố hỗ trợ của ngành bất động sản và xây dựng hạ tầng, “miếng bánh chung sẽ lớn hơn trong năm 2021 và tất cả đều sẽ có phần”.

Các công ty đầu ngành VLXD sẽ tăng trưởng vượt bậc

Theo quan sát của các chuyên gia, các công ty trong ngành VLXD bắt đầu hồi phục trở lại từ nền thấp trong năm 2019, nhiều công ty còn đạt được những kết quả kinh doanh năm 2020 cao nhất từ trước đến nay.

Ngành VLXD: Miếng bánh lớn hơn và ai cũng có phần khi thị trường xây dựng bùng nổ - Ảnh 2.

Lợi nhuận trước thuế qua các quý của các doanh nghiệp ngành VLXD. (Nguồn: PHS tổng hợp).

Công ty chứng khoán này dự phóng, các công ty đầu ngành VLXD sẽ tăng trưởng vượt bậc và nhóm còn lại sẽ tăng nhờ vào nhu cầu từ bất động sản.

Đồng thời, hạ tầng khu vực phía Nam cũng được tập trung phát triển trong nhiều năm tới sẽ là yếu tố hỗ trợ cho ngành. Trong đó, dự án tiêu biểu là sân bay Long Thành tại tỉnh Đồng Nai khi hoàn thành, hạ tầng của khu vực xung quanh cũng sẽ phát triển.

Hai ứng cử viên đầu ngành mà PHS đưa ra là Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG)Nhựa Bình Minh (Mã: BMP). Đây đều là hai công ty có báo cáo tài chính lành mạnh và hiệu quả hoạt động cao. Đặc biệt, năm 2021 này, Nhựa Bình Minh còn là nhà cung cấp chính cho dự án sân bay Long Thành.

Tuy nhiên, giá dầu dần hồi phục trong năm 2021 khiến cho giá nguyên vật liệu đầu vào tăng. Trong khi các công ty nhựa như Nhựa Bình Minh không thể tăng giá bán như các công ty thép vì tình trạng thừa cung.

Chính vì vậy, PHS dự đoán rằng các công ty nhựa sẽ không có biên lợi nhuận tốt trong năm 2021.

Đưa ra nhận định về Tập đoàn Hoa Sen, doanh nghiệp sản xuất tôn hàng đầu, PHS chỉ ra bất cứ sự thay đổi lớn nào ở nguyên vật liệu đầu vào đều ảnh hưởng rất lớn đến biên lợi nhuận do Hoa Sen dùng thép cuộn HRC để làm nguyên vật liệu đầu vào sản xuất tôn.

Về dài hạn, theo PHS, các công ty thép có nhiều tiềm năng hơn nhờ vào thị trường vẫn đang phát triển.

Ngoài Hòa Phát, Hoa Sen thì Thép Pomina (Mã: POM)Thép Nam Kim (Mã:NKG) cũng được PHS đề cập tới.

PHS lập luận, Pomina bắt đầu có lợi nhuận sau thời gian dài lỗ. Công ty này cũng đã bắt đầu vận hành nhà máy mới sử dụng công nghệ BOF, một công nghệ tiên tiến trong sản xuất thép.

Tương tự, Nam Kim cũng đã có lợi nhuận lớn trong quý IV/2020 sau thời gian dài kết quả kinh doanh không khả quan. Việc giá HRC tăng mạnh đã giúp cho Nam Kim mở rộng biên lợi nhuận của mình.

Tuy nhiên, PHS vẫn chưa đánh giá cao về hai cổ phiếu trên. Lý do đưa ra là dù Pomina là một thương hiệu vững chắc ở thị trường miền Nam và đã sử dụng công nghệ tiên tiến để sản xuất, sức khỏe tài chính của công ty không thực sự vững mạnh. Pomina dùng nợ vay ngắn hạn để tài trợ cho tài sản dài hạn. Áp lực chi phí lãi vay đè nặng lên lợi nhuận hàng năm là rất lớn.

Đối với trường hợp của Nam Kim, theo PHS, biên lợi nhuận gộp phụ thuộc quá nhiều vào giá của HRC. Với bất kỳ sự thay đổi nào của giá HRC cũng khiến biên của Nam Kim biến động rất lớn.

Khi giá HRC trở nên ổn định trở lại, biên lợi nhuận của công ty ngành thép này sẽ bị co hẹp lại vì thị trường tôn khá cạnh tranh.

Bên cạnh đó, Hòa Phát có kế hoạch tham gia vào thị trường tôn với công suất rất lớn và sản phẩm chất lượng cao. Nên dù Nam Kim là công ty đứng thứ hai trong thị trường tôn, PHS vẫn cho rằng sự xuất hiện của Hòa Phát sẽ khiến cho Nam Kim khó khăn hơn.

Ngành VLXD: Miếng bánh lớn hơn và ai cũng có phần khi thị trường xây dựng bùng nổ - Ảnh 4.

Tổng Giám đốc Nam Kim, ông Võ Hoàng Vũ phát biểu trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021. (Ảnh minh họa: Minh Hằng).

Nhóm ngành đá xây dựng chưa có nhiều biến chuyển

Với nhóm ngành đá xây dựng và xi măng, PHS cho rằng sẽ không có nhiều thay đổi đáng kể trong kết quả kinh doanh của các công ty trong năm 2021.

PHS đưa dẫn chứng, trong năm 2020, khi đầu tư công được đẩy mạnh, kết quả kinh doanh của nhóm không có thay đổi nhiều so với năm 2019.

Việc thừa cung trong thị trường xi măng và yếu tố mang tính chất địa lý trong ngành khai thác đá VLXD đều là những trở ngại của các công ty nhóm này.

Chính vì vậy, PHS nêu quan điểm rằng việc xây dựng sân bay Long Thành và hồi phục của thị trường bất động sản chỉ hỗ trợ kết quả kinh doanh của các công ty nhóm ngành đá xây dựng và xi măng trong ngắn hạn.