Từ xưa đến nay, ngày 8/3 và 20/10 luôn được nhắc đến như dịp vô cùng đặc biệt để tôn vinh một nửa thế giới - những người phụ nữ tuy thuộc “phái yếu” nhưng đã và đang đóng góp rất nhiều công sức cho gia đình cũng như cộng đồng, xã hội.
Trong ngày này, ngoài những hoạt động kỷ niệm, chúc mừng thì cánh mày râu thường tặng hoa, tặng quà hay mang đến những bất ngờ đặc biệt cho các bà, các mẹ hay người vợ, chị em, bạn bè… xung quanh mình. Tuy dịp này phổ biến là thế nhưng cũng có không ít người đặt ra câu hỏi: Ngày 8/3 khác 20/10 như thế nào?
Giữa ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 có sự khác biệt về phạm vi, lịch sử ra đời và các hoạt động kỷ niệm được tổ chức mỗi năm.
Được tổ chức vào dịp 8/3 hàng năm, ngày Quốc tế Phụ nữ hay còn gọi là ngày Liên Hợp Quốc vì Nữ quyền và Hòa bình Quốc tế. Ngày này được Liên Hợp Quốc chính thức hóa vào năm 1917 và trở thành ngày lễ chung tại nhiều quốc gia trên thế giới như Afghanistan, Campuchia, Cuba, Lào, Mông Cổ, Nga, Nepal, Trung Quốc, Turkmenistan, Ukraina, Uzbekistan, Việt Nam…
Còn 20/10 được biết đến như là ngày Phụ nữ Việt Nam - dịp tôn vinh những công lao, đóng góp to lớn của người phụ nữ trên phạm vi cả nước. Đây là một trong những ngày lễ chính thức tại Việt Nam và thường có các hoạt động kỷ niệm vào mỗi năm.
Sự ra đời của ngày Quốc tế Phụ nữ được đánh dấu bằng sự kiện Đảng Xã hội Mỹ tổ chức lễ tưởng niệm cuộc đình công năm 1908 của Hiệp hội Công nhân May mặc Quốc tế vào ngày 28/2/1909 tại thành phố New York, Mỹ.
Đến năm 1911, ngày Quốc tế Phụ nữ được tổ chức lần đầu tiên tại 4 quốc gia là Áo, Đan Mạch, Đức và Thụy Sĩ với số lượng người tham gia vượt mốc một triệu. Tại đây, phụ nữ yêu cầu được quyền bầu cử và giữ chức vụ công, đồng thời phản đối phân biệt đối xử về giới tính trong việc làm.
Từ năm 1913 đến 1917, phụ nữ Nga ra đường biểu tình trong ngày 8/3 và hoạt động này đã góp phần rất lớn vào chiến thắng của Cách mạng tháng Mười Nga. Sau đó, ngày lễ này được kỷ niệm chủ yếu ở các nước cộng sản và phong trào cộng sản trên toàn thế giới.
Tới năm 1977, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã mời các quốc gia thành viên và chính thức tuyên bố ngày 8/3 là ngày của Liên Hợp Quốc về quyền phụ nữ và hòa bình thế giới.
Tại Việt Nam, Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam (nay đổi tên là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) được thành lập vào ngày 20/10/1930. Để đánh dấu sự kiện này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chính thức chọn ngày này hàng năm là dịp kỷ niệm và tôn vinh những người phụ nữ Việt Nam.
Vào ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, bên cạnh những nước tổ chức hoạt động kỷ niệm nhằm tôn vinh một nửa thế giới thì ở một số quốc gia, phụ nữ sẽ diễu hành đòi quyền bình đẳng với nam giới về mức lương, cơ hội giáo dục đào tạo, thăng tiến hay các điều kiện an sinh xã hội, chống mại dâm, bạo lực… với phái nữ.
Tại châu Âu và Bắc Mỹ, phụ nữ thường từ chối nhận hoa vì xem đây là dấu hiệu của việc bất bình đẳng hay là hành động chỉ mang tính hình thức. Trong khi đó ở Ý, đàn ông thường tặng hoa mimosa cho phụ nữ trong dịp 8/3. Truyền thống này bắt đầu từ thành phố Rome sau thế chiến thứ hai và được duy trì đều đặn cho đến tận ngày nay. Còn tại Trung Quốc, nhiều công ty sẽ cho nhân viên nữ nghỉ làm trong nửa ngày để họ có thời gian ăn uống, tổ chức tiệc kỷ niệm vào dịp đặc biệt này.
So với phụ nữ quốc tế, phái đẹp Việt Nam “lợi” hơn hẳn khi có thêm một ngày lễ được chúc mừng và tôn vinh riêng. Thông thường, cánh mày râu sẽ gửi tặng những lời chúc, bó hoa hay món quà nhỏ để bày tỏ tình cảm của mình với những người phụ nữ xung quanh như bà, mẹ, vợ, em gái, bạn gái, đồng nghiệp nữ…
Tại cơ quan, công ty hay các đơn vị sự nghiệp, người ta thường tổ chức các lễ trao giải thưởng cho những người phụ nữ xuất sắc hoặc đạt thành tích trong các lĩnh vực cụ thể.
Bên cạnh đó, các chương trình văn nghệ về phái nữ được dàn dựng công phu với sự góp mặt của khách mời nổi tiếng cũng sẽ được tổ chức và phát sóng rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ngoài ra, các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng… cũng hướng sự quan tâm đặc biệt đến phái đẹp trong ngày này như hoạt động giảm giá, khuyến mãi, tặng thưởng…