Chào bác sĩ!
Tôi là người đồng giới nam, 19 tuổi còn bạn trai tôi năm nay 23 tuổi. Chúng tôi quen và yêu nhau cũng được gần nửa năm. Vì quen nhau qua mạng nên vừa rồi chúng tôi mới chính thức gặp nhau trực tiếp. Tôi và người yêu có quan hệ với nhau và không dùng bao cao su. Tôi có nghe nói về bệnh HIV lây nhiễm nếu không dùng bao cao su khi quan hệ nên cũng khá lo lắng. Bác sĩ có thể cho tôi biết về bệnh HIV lây như thế nào và đến đâu để khám?
Cảm ơn bác sĩ!
Hình minh họa (Ảnh: Pinterest) |
Bác sĩ Văn Đình Hòa - Giảng viên bộ môn Dịch tễ Trường Đại học Y Hà Nội, chuyên gia hỗ trợ sức khỏe tình dục LGBT hồi đáp như sau:
Chào bạn,
Tôi rất hiểu được cảm giác lo lắng của bạn lúc này. Trước hết, bạn nên đến các trung tâm y tế để các bác sĩ xét nghiệm, kiểm tra cho chính xác hơn.
Về bệnh HIV (Viết tắt từ các chữ cái đầu của cụm từ tiếng Anh: Human Immunodeficiency Virus) là tên gọi tắt của một loại vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mặc phải ở người. (Có thể hiểu đây là loại vi rút làm mất dần sức đề kháng - khả năng chống lại bệnh tật của con người).
Kích thước của HIV vô cùng nhỏ bé, chỉ vào khoảng từ 80 – 120 nanomet (1 nanomet chỉ bằng 01 phần tỷ mét). Do vây, ta chỉ có thể nhìn thấy nó dưới kính hiển vi điện tử phóng đại hàng triệu lần. Nhờ kích thước nhỏ bé này HIV có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua các vết xây xước rất nhỏ và có thể qua cả niêm mạc.
Khả năng biến đổi của HIV rất lớn nên hiện nay trên thế giới có nhiều chủng HIV khác nhau. Thậm chí trong quá trình điều trị bằng các thuốc kháng vi rút (ARV) hiện nay HIV có thể biến đổi, trở nên kháng thuốc và các vi rút mới kháng thuốc này cũng lây truyền từ người từ sang người khác. Đây là khó khăn lớn nhất đối với việc nghiên cứu chế tạo vắc xin chống HIV cũng như thuốc điều trị AIDS.
Trong cơ thể người nhiễm HIV, người ta đã tìm thấy HIV có ở phần lớn các dịch của cơ thể như máu, tinh dịch, dịch tiết âm đạo, nước bọt, nước mắt, nước tiểu, sữa mẹ… Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu về dịch tễ học cho thấy rằng chỉ có trong máu, dịch sinh dục (tinh dịch của nam và dịch tiết âm đạo của nữ ) và trong sữa của người nhiễm HIV mới có đủ lượng HIV có thể làm lây truyền HIV từ người này sang người khác.
Do đó, trên thực tế chỉ có các đường (phương thức) làm lây truyền HIV sau: Đường máu; Đường tình dục; Đường truyền từ mẹ sang con;
Mọi sự tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch sinh dục của người mà ta không biết chắc chắn là người đó không nhiễm HIV đều có nguy cơ nhiễm HIV. Tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác, giới tính, vị trí xã hội, nghề nghiệp… đều có thể bị nhiễm HIV nếu có hành vi không an toàn dù chỉ một lần trong cuộc sống.
- Lây qua đường máu: Do đó HIV có thể lây truyền qua máu và các chế phẩm của máu có nhiễm HIV. Về nguyên tắc, có thể nói mọi trường hợp tiếp xúc trực tiếp với máu của người mà ta không biết chắc chắn họ có nhiễm HIV hay không đều có nguy cơ lây nhiễm HIV.
- Lây truyền HIV qua đường tình dục: Đây là một trong 3 con đường chính lây truyền HIV và được coi là phương thức lây truyền HIV quan trọng và phổ biến nhất trên thế giới. Khoảng 70 – 80% tổng số người nhiễm HIV trên thế giới là bị lây truyền qua con đường này.
Sự lây truyền HIV qua đường tình dục xảy ra khi các dịch thể (máu, dịch sinh dục (tinh dịch nam giới và dịch âm đạo của nữ giới)) nhiễm HIV (của người bị nhiễm HIV) tìm được “đường xâm nhập” vào cơ thể bạn tình không nhiễm HIV. “Đường xâm nhập” này không nhất thiết trầy xước nhỏ không nhìn thấy bằng mắt thường. Thậm chí, HIV có thể xâm nhập được qua niêm mạc trong các hốc tự nhiên của cơ thể như đường âm đạo, lỗ niệu đạo ở đầu dương vật, trực tràng, niêm mạc mắt và họng, ở đó có các lỗ rất nhỏ.
Do HIV có nhiều trong dịch sinh dục (tinh dịch của nam và dịch tiết âm đạo của nữ) với đủ lượng có thể làm lây tuyền từ người này sang người khác, cho nên về nguyên tắc mọi sự tiếp xúc trực tiếp với dịch sinh dục của người mà ta không biết chắc chắn là người đó có nhiễm HIV hay không đều có nguy cơ bị nhiễm HIV.
Ngoài ra, trong quan hệ tình dục HIV còn có thể lây truyền qua đường máu. Máu trong trường hợp này có thể là máu kinh nguyệt, máu từ các vết thương hoặc vết loét ở cơ quan sinh dục hay từ các vết xước do động tác giao hợp gây ra.
Từ các lý do nêu trên, có thể nói tất cả các hình thức quan hệ tình dục (dương vật – hậu môn; dương vật – âm đạo; dương vật – miêng) với một người nhiễm HIV đều có nguy cơ lây nhiễm HIV đều có nguy cơ lây nhiễm HIV. Các kiểu quan hệ tình dục không xâm nhập (ví dụ tay – dương vật; tay – âm đạo…) nếu có tiếp xúc với dịch sinh dục cũng có nguy cơ lây nhiễm HIV nếu một trong hai bạn tình đã nhiễm HIV.
Tuy nhiên, mức nguy cơ là khác nhau, xếp theo thứ tự các “kiểu” quan hệ tình dục có xâm nhập phổ biến thì nguy cơ từ cao đến thấp là: Qua đường hậu môn, qua đường âm đạo và cuối cùng là qua đường miệng. Nhìn chung trong cả 3 kiểu quan hệ tình dục này thì người nhận tinh dịch có nguy cơ lây nhiễm HIV cao hơn.
- Lây truyền HIV từ mẹ sang con: Người mẹ nhiễm HIV có thể truyền HIV cho con trong quá trình mang thai. Khi cho con bú: HIV có thể lây qua sữa hoặc qua các vết nứt ở núm vú người mẹ, nhất là khi trẻ đang có tổn thưởng ở niêm mạc miệng hoặc khi trẻ mọc răng cắn núm vú chảy máu.
Những người dễ bị nhiễm HIV qua đường tình dục:
+ Người đồng tính nam giao hợp qua hậu môn dễ lây nhiễm HIV hơn vì niêm mạc hậu môn, trực tràng dễ bị xây xước do mỏng hon và thiếu dịch nhờn. Người nhận dương vật sẽ có nguy cơ nhiễm HIV cao hơn bạn tình kia.
+ Người bán dâm, cũng do dễ bị xây xước (quan hệ tình dục không tình yêu), do xác xuất gặp người nhiễm HIV nhiều hơn…;
+ Người ép dâm, cưỡng dâm, hiếp dâm… và người “bị “ ép dâm, cưỡng dâm, hiếp dâm… cũng do dễ bị xây xước;
+ Người mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu, giang mai hoặc người bị các bệnh ở cơ quan sinh dục (viêm loét do bẩn hoặc trầy xước do vết thương….) vì HIV dễ dàng qua các vết loét, sây sát….
Càng quan hệ tình dục với nhiều người, xác suất gặp người nhiễm HIV càng cao nên càng dễ có khả năng bị lây nhiễm HIV. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp chỉ quan hệ tình dục một lần cũng đã mắc bệnh.
Vì vậy, bạn nên tránh mọi sự tiếp xúc trực tiếp với dịch sinh dục của người khác, đặc biệt là của những người mà ta không biết chắc chắn họ có bị nhiễm HIV hay không.
Để đảm bảo an toàn sức khỏe tình dục, bạn nên sử dụng các biện pháp phòng như sử dụng bao cao su khi quan hệ, vệ sinh sạch sẽ cơ thể và thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ tại các trung tâm y tế để phát hiện các bệnh sớm và điều trị hiệu quả.
Chúc bạn sức khỏe,
Mọi thắc mắc, chia sẻ, cần tư vấn về sức khỏe tình dục đồng giới xin gửi về: Tamsulgbtvnm@gmail.com Chúng tôi sẽ gửi phản hồi tới chuyên gia và trả lời bạn đọc. |
Người đồng giới quan hệ với bạn tình có thể mắc ung thư nếu như không để ý triệu chứng này
Có rất nhiều bệnh lây truyền qua đường tình dục khi quan hệ đồng giới ở cả nam và nữ. Chúng có thể gây ra ... |
Đi tiểu khó và sưng đau ở vùng kín sau khi quan hệ đồng giới là bệnh gì?
Thấy biểu hiện như đi tiểu khó, tiểu buốt, có dịch và sưng đau ở vùng kín sau khi quan hệ đồng giới thì bạn ... |
Thấy vùng kín đau, ngứa khi quan hệ đồng giới thì bạn nên đi khám ngay vì có thể mắc bệnh nguy hiểm này
Quan hệ đồng giới dù có sử dụng bao cao su nhưng nên đến trung tâm y tế để khám chữa ngay nếu thấy biểu hiện ... |
Đây là lý do khiến quan hệ đồng giới dễ nhiễm HIV
Quan hệ tình dục đồng giới thường làm tăng nguy cơ nhiễm HIV đặc biệt là đối với người đồng giới nam. |