Reuters đưa tin, số người chết vì đại dịch Covid-19 đang tiệm cận 31.000 người tính đến giữa tuần này. Giờ đây thống đốc các bang bắt đầu thận trọng chuẩn bị cho người dân Mỹ một cuộc sống hậu đại dịch, có thể bao gồm cả việc bắt buộc/khuyến nghị đeo khẩu trang thường xuyên.
Các thống đốc bang Connecticut, Maryland, New York và Pennsylvania từng ban hành lệnh bắt buộc hoặc khuyến nghị cư dân đeo khẩu trang khi các ca nhiễm Covid-19 tăng lên đột biến chỉ trong vòng vài tuần trước.
"Nếu bạn chuẩn bị xuất hiện ở nơi công cộng và bạn không thể duy trì giãn cách xã hội, thì hãy đeo khẩu trang", Thống đốc New York Andrew Cuomo, đưa ra lời khuyên.
Các lệnh tương tự đã được áp đặt tại New Jersey và Los Angeles vào tuần trước và việc đeo khẩu trang cũng được Thống đốc Kansas Laura Kelly khuyến nghị vào ngày 14/4 vừa qua.
Thống đốc bang California, ông Gavin Newsom, cho biết cư dân trên toàn bang đông dân nhất nước Mỹ có thể sẽ đeo khẩu trang ở nơi công cộng trong một thời gian dài sắp tới.
"Chúng tôi sẽ đưa việc đeo khẩu trang cùng trở về với cuộc sống bình thường. Đây sẽ là một cuộc sống bình thường mới", Thống đốc Connecticut Ned Lamont cho biết.
Tuy nhiên, tại Michigan, hàng trăm xe hơi đã tràn ra đường xung quanh Tòa nhà Quốc hội ở Lansing hôm 15/4 để phản đối lệnh ở yên trong nhà của Thống đốc Dân chủ Gretchen Whitmer. Nhiều người trong số họ không đeo khẩu trang hoặc thực hành giãn cách xã hội.
Trong khi đó, tính đến tối 16/4, nước Mỹ đã có 28.554 ca tử vong vì Covid-19. Nhà Trắng tuần này dẫn một dự báo của Đại học Washington, ước tính số người Mỹ tử vong trong đại dịch có thể lên tới 68.800 vào đầu tháng 8.
Nhân viên y tế đang phải đối mặt với các mối đe dọa sức khỏe khủng khiếp trong khi làm việc trên tuyến đầu. Reuters đã xác định được hơn 50 y tá, bác sĩ và kĩ thuật viên y tế đã chết sau khi tham gia chống dịch. Ít nhất 16 ca là ở bang New York.
"Phòng cấp cứu giống như một khu vực chiến tranh", ông Raj Aya, có vợ là Madhvi Aya - trợ lí bác sĩ ở Brooklyn - là một trong những nhân viên chăm sóc sức khỏe đã chết ở New York.
Khi dịch bệnh bắt đầu chậm lại ở Mỹ, các nhà lãnh đạo chính trị đã cãi nhau về cách thức và thời điểm bắt đầu quá trình tháo gỡ những lệnh giới nghiêm chưa từng có đã gây thiệt hại cho nền kinh tế và phần lớn người Mỹ bị "giam lỏng" tại nhà.
Thống đốc tiểu bang Washington Jay Inslee từng chia sẻ, trở ngại lớn nhất để trở lại trạng thái bình thường là sự thiếu hụt các kit xét nghiệm virus corona.
"Chúng tôi chỉ đơn giản là không có đủ bộ dụng cụ thử nghiệm, đơn giản là vì chúng không tồn tại ở bất cứ đâu tại Mỹ", Inslee cho biết. Ông tiết lộ thêm, chính quyền liên bang đã mua khoảng một triệu băng gạc, cùng với lọ thuộc và kit thử nghiệm nhưng chúng chỉ mới bắt đầu trên đường đến đây.
Trong cuộc họp báo hàng ngày tại Nhà Trắng, Trump khoe rằng Mỹ có hệ thống xét nghiệm Covid-19 với độ phủ rộng nhất so với bất cứ nơi nào trên thế giới. Nhưng, ông nói: "Xét nghiệm là vấn đề đối với các tiểu bang chứ không phải chính phủ liên bang. Chúng tôi không thể lo liệu về một bãi đậu xe trong siêu thị Walmart, nơi một số kit xét nghiệm đang được triển khai, nhưng các tiểu bang và thành phố nên làm điều đó".
Đảng Dân chủ Thượng viện hôm 15/4 đã tiết lộ một kế hoạch trị giá 30 tỉ USD, để tăng cường các kit xét nghiệm Sars-Cov-2 trên toàn quốc.
Trong khi đó, ông Trump trích dẫn dữ liệu cho thấy đỉnh điểm của dịch Covid-19 đã qua. Theo đó, ông sẽ công bố hướng dẫn cụ thể về việc mở cửa trở lại nền kinh tế. Trước đó, Reuters đưa tin, 10 tiểu bang của Mỹ sẽ phối hợp các kế hoạch riêng biệt với Nhà Trắng để mở lại các doanh nghiệp bị đóng cửa bởi đại dịch Covid-19. Đây đều là các tên tuổi chịu trách nhiệm rất lớn trong nền kinh tế Mỹ.
Việc đóng cửa đã càn quét của cải các doanh nghiệp, khiến hàng triệu người Mỹ thất nghiệp và các chủ cửa hàng phải vật lộn để trả tiền thuê mặt bằng. Dữ liệu chính phủ công bố hôm 15/4, cho thấy doanh số bán lẻ giảm 8,7% trong tháng 3, mức giảm lớn nhất kể từ năm 1992.
Đáng chú ý, chi tiêu tiêu dùng chiếm hơn 2/3 hoạt động kinh tế của Mỹ. Ngoài ra, sản lượng tại các nhà máy ở Mỹ giảm mạnh nhất kể từ năm 1946 do chuỗi cung ứng bị phá vỡ do đại dịch.
"Nền kinh tế gần như rơi tự do", ông Sung Won Sohn, giáo sư kinh tế kinh doanh tại Đại học Loyola Marymount ở Los Angeles cho biết.
Tiêu dùng 15:12 | 30/07/2020
Tiêu dùng 15:39 | 15/06/2020
Kinh doanh 15:25 | 15/06/2020
Kinh doanh 07:03 | 14/06/2020
Kinh doanh 08:10 | 13/06/2020
Kinh doanh 07:56 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:46 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:19 | 13/06/2020