Giả gái: một phần của nền văn hóa chính thống ở Philadelphia, Hoa Kỳ | |
72 quốc gia vẫn còn hình sự hóa đồng tính luyến ái |
Từ “gay” bắt nguồn từ Pháp và được du nhập vào nước Anh từ khoảng thế kỷ thứ XIII vói nghĩa gốc là “vui vẻ”. Theo từ điển Merriam-Webster, đến khoảng cuối thế kỷ XVII, tức bốn thế kỷ sau, từ này có thêm một nét nghĩa thứ hai là “phóng đãng”.
"Gayblade" - từ chỉ người đàn ông phóng túng (Ảnh: The Label Man) |
Ý tưởng trên dẫn đến một số cách diễn đạt thú vị trong tiếng Anh, ví dụ như cụm từ “gay blade” (tay kiếm phóng đãng) ám chỉ "một người đàn ông rực rỡ và cuốn hút, một kẻ phóng túng", theo như từ điển Oxford định nghĩa. Nhà viết kịch Nicholas Rowe, người từng đoạt giải thưởng nhà thơ của Vương quốc Anh thế kỷ XVIII – , từng sử dụng từ “gay” để ám chỉ một nhân vật trong tác phẩm của mình bởi hắn quá trăng hoa. Bộ phim ngắn mang tên “The Gay Shoe Clerk” ra đời năm 1904 nói về một nhân viên bán giày là người dị tính, anh ta hôn vị khách hàng nữ mà anh ta chỉ vừa mới gặp và vì thế anh ta được gọi là “gay”. Ở thế kỷ XIX, “gay house” là từ lóng chỉ các nhà chứa, những nơi buôn phấn bán hương.
Như vậy, có thể thấy ban đầu ý nghĩa của thuật ngữ “gay” hoàn toàn không hề liên quan đến đồng tính luyến ái.
Từ điển Merriam-Webster có đưa ra một lý thuyết khá hay liên quan đến việc chuyển nghĩa của từ “gay”. Theo Merriam-Webster, bắt nguồn từ nét nghĩa “phóng đãng”, từ lóng “gaycat” đã ra đời. Đây là từ lóng nhằm chỉ một cậu bé lang thang thường xuyên đi cùng một người lang thang lớn tuổi khác và rất có thể đã quan hệ tình dục với người đó. Merriam-Webster đã trích dẫn cuốn “Cẩm nang từ lóng của thế giới ngầm và nhà tù” ra đời năm 1935, trong đó có một dòng ghi từ “geycat”, được định nghĩa là “một cậu bé đồng tính”.
Cũng không loại trừ khả năng từ “gay” đã mang nét nghĩa đồng tính luyến ái từ những năm đầu thế kỷ XX và được lưu truyền bí mật trong cộng đồng người LGBT. Những văn bản đầu tiên sử dụng “gay” với ý nghĩa “đồng tính” đã xuất hiện vào khoảng năm 1950, tức là từ này có thể đã được sử dụng như một tiếng lóng từ trước mốc thời gian đó.
Nhiều cuốn sách viết cho người đồng tính và thậm chí là sách viết cho người dị tính xuất hiện từ “gay” vào khoảng giữa thế kỷ XX, tuy vậy hầu hết vẫn mang nét nghĩa ban đầu là “vui vẻ”. Nét nghĩa “đồng tính” vẫn chỉ là một cách nói lóng.
Người tham gia Mặt trận Giải phóng người đồng tính (Ảnh: LGBTQNation) |
Mãi cho đến cuộc bạo động Stonewall lịch sử năm 1969 cùng với sự ra đời của Mặt trận Giải phóng người đồng tính (Gay Liberation Front, trong đó từ “gay” được hiểu là “đồng tính”) thì nét nghĩa “đồng tính luyến ái” mới được biết đến rộng rãi. Đồng thời, nét nghĩa ban đầu là “vui vẻ” cũng bị lu mờ đi.
Không ai giải thích được vì sao nét nghĩa “vui vẻ” của từ “gay” lại bị lu mờ cùng lúc với khoảng thời gian nét nghĩa “đồng tính luyến ái” ngày càng trở nên nổi bật. Dễ thấy rằng hiện tượng từ nhiều nghĩa khá là phổ biến trong tiếng Anh cũng như bất cứ ngôn ngữ nào trên thế giới, vì vậy từ “gay” cũng hoàn toàn có thể được dùng với cả nghĩa “vui vẻ” và nghĩa “đồng tính”.
Một ý nghĩa phổ biến khác của từ “gay” là “xấu xa, tồi tệ”. Kể từ cuối những năm 1970 khi nét nghĩa “đồng tính luyến ái” trở nên phổ biến, những người kì thị đồng tính bắt đầu sử dụng từ này như một cách châm chọc, phân biệt đối với người LGBT. Họ nói rằng “gã kia gay thế!” và ngay lập tức người nghe sẽ hiểu câu nói với ý xấu. Thậm chí đến tận ngày nay khi cái nhìn của xã hội đã cởi mở hơn rất nhiều, vẫn còn không ít người định nghĩa từ “gay” một cách tiêu cực vì họ chưa từ bỏ được quan niệm cổ hủ, lạc hậu của bản thân về vấn đề giới tính.
Hiện nay, thuật ngữ “gay” chủ yếu được dùng để chỉ người đồng tính nam, tuy vậy không ít người đồng tính nữ thích sử dụng từ “gay” hơn là “lesbian” để miêu tả bản thân mình và nhiều trang mạng xã hội cũng dùng “gay” để chỉ đồng tính nói chung.