Kiếm 14.000 USD mỗi năm bằng nghề đi ngủ | |
Cuộc đời 'chìm nổi' của gái bán dâm Trung Quốc |
Quá trình cấp phép biển số xe ở nhiều thành phố lớn tại Trung Quốc rất khó khiến nhiều người tìm tới cách kết hôn giả với "đối tượng" có biển số. Ảnh: CNS |
Hàng triệu người ở Trung Quốc đủ khả năng mua ôtô. Nhưng tại các thành phố lớn, để có biển số xe không phải là chuyện đơn giản. Ở Bắc Kinh, kết hôn với một người may mắn có được biển số xe là lựa chọn tốt nhất với nhiều người, bởi những tấm biển không thể đem ra mua bán nhưng có thể được sang tên từ vợ sang chồng hoặc ngược lại, theo WSJ.
Chính quyền Bắc Kinh áp dụng hệ thống “quay lô tô cấp biển số xe” và thực hiện 6 lần một năm. Lần quay gần đây nhất vào tháng 2. Xác suất một người đăng ký được cấp biển là 0,1269%.
Liu, hiện sống cùng gia đình ở Bắc Kinh, đã đăng yêu cầu kết hôn giả lên mạng xã hội vì thất bại sau 3 năm bốc biển số xe. “Trên mạng, nhiều người đã làm vậy. Nhiều người bạn của tôi có bằng lái xe theo cách này”, Liu nói.
Những lời quảng cáo về mua và bán biển số xe xuất hiện nhiều trên một diễn đàn trực tuyến về ôtô. Ngoài ra, khoảng 20 nhóm trên mạng xã hội QQ trao đổi về chủ đề này, với hàng trăm người đang tìm một cuộc hôn nhân giả chỉ để có được tấm biển số.
Số lượng ôtô ở Bắc Kinh tăng gấp đôi kể từ năm 2006 và nhanh chóng đạt tới mức 6 triệu xe. Để hạn chế số lượng xe hơi, chính phủ Trung Quốc đã áp dụng hệ thống “quay lô tô biển số” từ năm 2011.
Giá sang tên đăng ký biển số xe hơi thường dao động từ 80.000 nhân dân tệ (11.600 USD) đến 90.000 nhân dân tệ (13.000 USD), tương đương mức lương trung bình hàng năm ở Bắc Kinh theo số liệu năm 2015.
Tong, một nhân viên công nghệ thông tin 35 tuổi, được cấp biển số xe Bắc Kinh từ năm 2010 trước thời điểm hệ thống “quay lô tô biển số” được áp dụng. Tong rời Bắc Kinh năm ngoái và đang tìm cách kiếm tiền từ chiếc biển số này.
Tong quảng cáo rằng sẵn sàng kết hôn và sang tên biển số xe của mình với giá 110.000 nhân dân tệ (gần 16.000 USD). Tuy vậy, người đàn ông này không hề vội tìm khách hàng, bởi anh ta tin việc xin cấp biển số ngày càng khó khăn hơn.
Năm 2016, Bắc Kinh tuyên bố áp đặt giới hạn số lượng xe ôtô trong thành phố là 6 triệu xe trong năm 2017 và 6,3 triệu xe năm 2020. Điều này đồng nghĩa số lượng xe được cấp biển số mới trong 3 năm tới sẽ càng ngày càng ít, dù chính phủ đang tìm cách thay đổi tình hình.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên hôn nhân được sử dụng để lách luật ở Trung Quốc. Năm ngoái, hàng loạt các cặp vợ chồng sống ở Thượng Hải đưa nhau ra tòa ly dị để lợi dụng ưu đãi của chính phủ dành cho người sở hữu nhà lần đầu.
Ông Ma Chunhua, một nhà nghiên cứu tại Viện xã hội học thuộc Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc, nhận định: “Hôn nhân ở Trung Quốc giờ đây ngày càng trở lên thực dụng và vị lợi”.
Với những người đã ly hôn như Tong, họ không gặp trở ngại về pháp lý nếu muốn kết hôn. Còn với những người đã lập gia đình như Liu, tình hình phức tạp hơn. Anh ta sẽ phải ly hôn với vợ hiện tại sau đó kết hôn giả để có thể sở hữu biển số xe. Sau khi quá trình trao đổi hoàn tất, Liu sẽ ly hôn cô vợ “giả” để quay lại với vợ “thật”.
“Điều này sẽ không ảnh hưởng tới quan hệ giữa tôi và vợ. Chúng tôi có mối quan hệ rất tốt nên không quan tâm tới chuyện này. Hai chúng tôi đều hiểu rằng ly hôn chỉ để có biển số xe”, Liu cho hay.