Kể từ đầu tháng 2, Kent Cai Mingdong - một người dân đến từ thành phố Ninh Ba ở miền đông Trung Quốc, đồng thời là chủ sở hữu Công ty Phát triển Văn hóa Chiết Giang đã lùng sục khắp các nhà thuốc địa phương ở Indonesia để thu mua khẩu trang y tế.
Hành động này xuất phát từ việc Cai muốn gửi khẩu trang y tế cho các chuyên gia chăm sóc sức khỏe và nhân viên tuyến đầu tại quê nhà, nơi sự thiếu hụt thiết bị y tế đang làm trầm trọng thêm cuộc chiến chống lại sự bùng phát của virus corona.
Cho đến nay, Cai đã đi đến hơn 15 thành phố và thu mua ít nhất 200.000 khẩu trang. Một phần trong số này đã được giao cho khách du lịch Trung Quốc, những người ông gặp tại các sân bay lớn ở Indonesia, để mang về quê nhà. Đồng thời, Cai cũng bố trí bạn bè trên khắp Trung Quốc nhận khẩu trang y tế ở bất kì thành phố nào, khi những người khách du lịch trên quay về.
"Tôi nghĩ Indonesia với dân số đông và số lượng lớn các công nhân lành nghề, sẽ có kho dự trữ khẩu trang y tế lớn", ông nói với South China Morning Post.
"Tại Trung Quốc mọi người giành giật nhau từng chiếc khẩu trang. Chúng tôi rời khỏi Trung Quốc từ ngày 1/2, và đi hết nhà thuốc này tới nhà thuốc khác. Điêu này tuy hơi tốn sức nhưng thực sự hiệu quả. May thay tôi đã không ở lại Ninh Ba suốt 13 ngày qua. Ít ra khi đến Indonesia, tôi có thể làm gì đó và mang lại giá trị cho cuộc chiến với dịch bệnh ở quê nhà", ông chia sẻ thêm.
Với lợi thế cạnh tranh về giá, Trung Quốc vốn là kẻ thống trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu về khẩu trang y tế. Thế nhưng điều này đã làm hại chính họ, khi cơn sốt khẩu trang trong nước đang lan rộng cùng với nguy cơ lây nhiễm tăng cao.
Nhu cầu về khẩu trang y tế đã tăng mạnh trong vài tuần gần đây, không chỉ làm cạn kiệt kho dự trữ của Trung Quốc mà còn khiến các kệ hàng từ Bangkok đến Boston trống trơn. Ở nhiều thành phố trên khắp Trung Quốc, người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang ở các khu vực công cộng.
Do đó, Trung Quốc đang tăng cường thu mua khẩu trang từ nước ngoài, cả qua các kênh ngoại giao chính thức và qua những người thu mua như Cai. Tuy nhiên, các bác sĩ và y tá, bao gồm cả những nhân viên y tế tuyến đầu tại tâm chấn Vũ Hán, vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu khẩu trang, đặc biệt là loại N95 có khả năng bảo vệ tốt hơn.
Số người chết vì virus corona đã vượt SARS (hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng). Chủng virus mới này được cho là lây lan chủ yếu qua các giọt nước bắn ra khi ho, hắt hơi cũng như tiếp xúc với bề mặt bị nhiễm bệnh.
Trước tình hình đó, khẩu trang y tế - một sản phẩm bình thường, không đòi hỏi công nghệ phức tạp hay vật liệu quí hiếm nào để sản xuất, đã trở thành một cơn sốt chưa thể hạ nhiệt ở Trung Quốc.
Giám đốc Sở Y tế thành phố Đại Lý (tỉnh Vân Nam) vừa bị cách chức vì chiếm dụng trái phép khẩu trang y tế dành cho thành phố Trùng Khánh và Hoàng Cương thuộc tỉnh Hồ Bắc. Chính quyền Trung Quốc đột ngột chuyển trách nhiệm quản lí việc cung cấp khẩu trang y tế cho Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) từ Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin (MIIT), sau làn sóng khiếu nại công khai đến từ công chúng.
Không có ước tính chính thức về tình trạng thiếu hụt hiện tại, nhưng rõ ràng nhu cầu sẽ tiếp tục vượt quá khả năng sản xuất của Trung Quốc trong vài tuần tới. Hiện, chính quyền nhiều địa phương ở Trung Quốc yêu cầu việc đảm bảo cung cấp khẩu trang cho nhân viên là điều kiện tiên quyết, để các doanh nghiệp có thể nối lại hoạt động.
Các nhà sản xuất khẩu trang y tế ở Trung Quốc đang hoạt động với công suất 76%, tức là sản lượng hàng ngày ở mức 15,2 triệu chiếc, dựa trên công suất được báo cáo của ngành là 20 triệu chiếc, Cong Liang, một quan chức của NDRC, cho biết trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm thứ ba (11/2).
Tuy nhiên, theo báo cáo phương tiện truyền thông Trung Quốc, nhu cầu khẩu trang ở nước này lên đến 50-60 triệu chiếc/ngày. Trung Quốc cũng chỉ có thể sản xuất 200.000 chiếc khẩu trang N95 mỗi ngày, vì sản phẩm này đòi hỏi công nghệ và vật liệu phức tạp hơn để sản xuất.
Để giải quyết tình trạng thiếu hụt khẩu trang y tế, chính phủ Trung Quốc đã áp dụng phân phối hạn chế để đảm bảo nguồn cung, trong khi những báo cáo về các vụ trộm, hàng giả và khẩu trang tự chế tiếp tục tăng cao. Dù năng lực sản xuất khẩu trang y tế của Trung Quốc đứng đầu trên thế giới, vấn đề thiếu hụt nguồn cung đã lan ra cả địa cầu.
"Tôi từng dự đoán nếu Trung Quốc gặp rắc rối với dịch bệnh hay đại dịch, tình trạng thiếu hụt khẩu trang sẽ trở nên nghiêm trọng ở các nước", SCMP dẫn lời doanh nhân Bow Bowen, CEO nhà sản xuất khẩu trang Mỹ Ameritech.
"Giá sản xuất của Trung Quốc thấp đến mức cả thế giới mua khẩu trang từ họ. Nhưng không ai nghĩ đến việc có thể mua khẩu trang ở đâu khi dịch bùng lên tại Trung Quốc", ông phân tích.
Trong một bước ngoặt bất ngờ, công ty Ameritech của Bowen lần đầu tiên xuất khẩu một triệu chiếc khẩu trang sang Trung Quốc trong hai tuần qua. Ông Bowen cho biết thêm, ông đang thảo luận với các quan chức Hong Kong về việc có thể cung ứng khẩu trang và tấm che mặt cho thành phố.
Trung Quốc, đất nước sản xuất 5 tỉ khẩu trang y tế vào năm ngoái, đã bắt đầu tăng nhập khẩu hàng hóa từ khắp nơi trên thế giới. Tuần trước, chính phủ Indonesia cho hay Trung Quốc đã đặt hàng một lượng lớn khẩu trang, tương đương sản lượng mà nước này sản xuất được trong ba tháng.
Các nhà sản xuất khẩu trang tại châu Á như Hàn Quốc và Việt Nam cũng đã than phiền về việc Trung Quốc ngừng xuất khẩu nguyên liệu và thiết bị để sản xuất khẩu trang, làm gián đoạn hoạt động sản xuất.
Theo Trung tâm Phát triển Công nghiệp, tại Trung Quốc có ít nhất 50 nhà cung cấp nguyên liệu và thiết bị sản xuất khẩu trang và hơn 140 nhà sản xuất thiết bị bảo hộ y tế.
Nhu cầu tăng cao và yêu cầu về sức khỏe của chính phủ Trung Quốc đã thúc đẩy nhiều công ty tự sản xuất khẩu trang y tế. Foxconn, nhà sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới, đã bắt đầu sản xuất khẩu trang cho nhân viên và đặt mục tiêu tăng sản lượng lên mức 2 triệu chiếc/ngày vào cuối tháng 2.
Công ty may mặc Hongdou Group và liên minh chế tạo ô tô SAIC-GM-Wuling cũng đã bắt đầu sản xuất khẩu trang y tế của riêng họ.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020