Tài xế Hong Kong: 'Tôi đặt khăn giấy vào khẩu trang để tiết kiệm'

Các nhân viên bảo vệ, lao công và tài xế xe bus ở Hong Kong không được trang bị đồ bảo hộ, phải dùng khẩu trang tiết kiệm, dù làm việc ở môi trường dễ lây nhiễm virus corona.

Theo South China Morning Post, bà Maggie Cheng, một nhân viên bảo vệ tại một khu chung cư ở Hong Kong, phải khử trùng lối vào tòa nhà suốt 12 tiếng làm việc.

Người phụ nữ 62 tuổi cho biết công ty chỉ yêu cầu bà vệ sinh tấm thảm chùi chân, nhưng bà đã dọn dẹp toàn bộ khu vực để bảo vệ cư dân khỏi virus chết người.

Theo bà Cheng, dịch virus corona đã làm tăng khối lượng công việc và khiến bà ý thức hơn về việc vệ sinh. Khi toàn thành phố rơi vào cảnh khan hiếm, công ty hết sạch khẩu trang, bà phải dùng khẩu trang của riêng mình.

Tuyến đầu phòng dịch

Virus không làm bà lo sợ, miễn là bà vệ sinh tốt nơi làm việc của mình. “Không có gì đáng lo ngại cả. Đó là những gì tôi cần làm để kiếm sống. Tôi không thể ở lì trong nhà chỉ vì sợ hãi”, bà nói.

Hơn 325.000 nhân viên bảo vệ, lao công và nhân viên giao thông công cộng của thành phố đang phải chiến đấu trực tiếp với chủng virus có khả năng lây truyền cao. Tính chất công việc khiến họ dễ bị lây nhiễm, đặc biệt là những người cao tuổi.

Tài xế Hong Kong: 'Tôi đặt khăn giấy vào khẩu trang để tiết kiệm' - Ảnh 1.

Tính chất công việc khiến các nhân viên bảo vệ, lao công và nhân viên giao thông công cộng dễ bị lây nhiễm virus corona. (Ảnh: South China Morning Post).

Dịch virus corona đã lây nhiễm cho hơn 40.000 trường hợp và giết chết hơn 1.000 người trên toàn cầu. Riêng ở Hong Kong đã có 36 trường hợp nhiễm virus corona và 1 người tử vong. Tuy vậy, nhiều công nhân làm việc trong điều kiện dễ bị lây nhiễm vẫn không được trang bị đồ bảo hộ thích hợp.

Bà Ng, 69 tuổi, một lao công quét đường, chỉ đeo vỏn vẹn một chiếc khẩu trang khi quét dọn đường phố ở Aberdeen. Bà Ng cho biết một ca làm việc của bà bắt đầu từ 5h chiều đến 11h tối, nhưng công ty không cung cấp bất cứ thiết bị bảo hộ nào hay hướng dẫn về cách đối phó với bệnh dịch.

Bà Ng cho biết bà mới đeo khẩu trang và chỉ dám dùng tiết kiệm. “Con gái tôi đưa chúng cho tôi, không dễ để kiếm được khẩu trang”, bà kể lại.

Khan hiếm khẩu trang

Khảo sát của tổ chức Environmental Services Contractors Alliance hôm 6/2 chỉ ra ngành dịch vụ vệ sinh của thành phố chỉ có đủ khẩu trang để dùng trong khoảng 2 tuần tới.

Bà Catherine Yan Shui-han, người đứng đầu tổ chức, cho biết sự bùng phát của virus từ Vũ Hán khiến các công nhân dọn dẹp phải làm việc nhiều hơn, nhưng tình trạng thiếu khẩu trang vẫn là mối lo ngại lớn. Ngành này cần hơn 300.000 chiếc khẩu trang mỗi ngày.

“Tình trạng thiếu hụt khẩu trang sắp đến tới nơi, thậm chí không đến 2 tuần nữa đối với nhiều công ty và công nhân vệ sinh”, South China Morning Post dẫn lời bà dự đoán.

Hôm 8/2, nhà lãnh đạo Hong Kong Carie Lam Cheng Yuet-ngor khẳng định Cục Dịch vụ Cải huấn sẽ tăng sản lượng khẩu trang hàng tháng từ 1,8 triệu lên 2,5 triệu chiếc, cung cấp thêm 700.000 khẩu trang cho những người lao công thuê ngoài.

Cục Vệ sinh Môi trường và Thực phẩm cùng với 5 nhà thầu thuê ngoài có tổng lực lượng là 11.900 người lao động, với 8.800 người lao động thuê ngoài.

Tài xế Hong Kong: 'Tôi đặt khăn giấy vào khẩu trang để tiết kiệm' - Ảnh 2.

Người lao động ở Hong Kong không dám thay nhiều khẩu trang. (Ảnh: Straits Times).

Ngành giao thông công cộng của thành phố cũng bị áp lực trong bối cảnh dịch virus corona bùng phát. Henry Hui Hon-kit, Chủ tịch Hiệp hội Người lao động Citybus, đại diện cho khoảng 500 tài xế xe bus, cho biết công ty đã ban hành một loạt hướng dẫn dành cho nhân viên, bao gồm đeo mặt nạ khi làm việc và tránh tụ tập tại bến xe bus.

Theo ông, việc vệ sinh xe bus đã được tăng cường, nhưng công ty chỉ cung cấp cho mỗi nhân viên 1 khẩu trang/ngày vì thiếu hụt nguồn cung.

Để giữ khẩu trang, ông Hui, 57 tuổi, tài xế lái xe bus có kinh nghiệm hơn 20 năm, phải đặt một lớp khăn giấy giữa miệng và khẩu trang, để dùng lâu hơn. Ông cũng tránh tiếp xúc với hành khách.

Tiết kiệm khẩu trang

“Ưu tiên hàng đầu là bảo vệ chính mình, như vậy chúng ta mới có thể bảo vệ được hành khách”, ông Hui nói. Ông cũng kêu gọi công ty cung cấp kính bảo hộ và khử trùng các thiết bị điều hòa không khí trên xe bus.

Tuy nhiên, bác sĩ James Fung Tak-kwan tại Bệnh viện Pok Oi cho biết cách làm của ông Hui sẽ làm giảm chức năng bảo vệ của khẩu trang. Bởi khăn giấy sẽ mở rộng khoảng cách giữa khẩu trang và mặt, tạo thêm không gian để virus xâm nhập.

Theo bác sĩ Fung Tak-kwan, người dân cũng không nên tái sử dụng khẩu trang hoặc sử dụng một chiếc khẩu trang quá 8 tiếng. Tuy nhiên, vì tình trạng thiếu hụt, mọi người có thể cất khẩu trang trong túi giấy sạch nếu muốn tái sử dụng.

Dù vậy, khẩu trang vẫn không nên dùng quá một ngày.

Tài xế Hong Kong: 'Tôi đặt khăn giấy vào khẩu trang để tiết kiệm' - Ảnh 3.

Người dân Hong Kong xếp hàng dài để mua khẩu trang phòng virus corona. (Ảnh: Getty Images).

Nhà lập pháp Tony Tse Wai-chuen kêu gọi chính phủ Hong Kong hỗ trợ cho các công nhân làm việc trong lĩnh vực quản lí tài sản, vệ sinh, an ninh để đảm bảo cho họ có thiết bị bảo hộ thích hợp.

Theo ông, chính quyền thành phố nên chi khoảng 1 tỉ HKD (129 triệu USD) để hỗ trợ lĩnh vực này trong vòng 6 tháng.

“Chính phủ đã hỗ trợ các lĩnh vực khác như du lịch và ăn uống, nhưng ba lĩnh vực này cũng không nên bỏ qua vì công việc đòi hỏi họ phải ở tuyến đầu phòng chống đại dịch”, ông nhận định.


chọn
Những ông lớn địa ốc hiện diện tại 'Đất Tổ' Phú Thọ
Vài năm trở lại đây, Phú Thọ liên tục đón các doanh nghiệp lớn ngành bất động sản như GP Invest, T&T hay BV Land... Hiện nay, Ecopark và Tasco cũng đang hướng đến dự án bất động sản đầu tiên tại địa phương này.