Virus corona đang khiến cả thế giới quay cuồng sản xuất khẩu trang

Các nhà máy sản xuất khẩu trang trên khắp thế giới đang hoạt động hết công suất 24h một ngày, 7 ngày một tuần để đảm bảo nguồn cung khẩu trang.

2 phút có 1 đơn hàng khẩu trang mới

Những tiếng máy móc không ngừng vang vọng khắp sàn một nhà máy sản xuất khẩu trang của Pháp. Đây là kết quả bất ngờ của một loại virus gây chết người, đã làm tê liệt các thành phố ở Trung Quốc và cả ở các khu vực khác thuộc châu Á: virus corona chủng mới. 

Thế giới quay cuồng trong cơn sốt khẩu trang - Ảnh 1.

Kolmi Hopen đang phải thuê thêm nhân công, chạy đua với thời gian hoạt động hết công suấy, 24h một ngày và 7 ngày trong một tuần không ngừng nghỉ để đảm bảo nguồn cung cho thị trường. (Ảnh: NYT).

Kolmi Hopen - một công ty chuyên sản xuất khẩu trang của Pháp, cho công suất mỗi năm khoảng 170 triệu chiếc khẩu trang y tế. Thế nhưng, trong tuần trước, số đơn hàng đặt trước của công ty này đã lên tới nửa tỉ. Hòm thư điện tử của bộ phận bán hàng đã bị “khủng bố” bởi những thông báo thư mới, ước tính cứ 2 phút lại có thêm một đơn đặt hàng.

Kolmi Hopen đang phải thuê thêm nhân công, chạy đua với thời gian hoạt động hết công suất, 24h một ngày và 7 ngày trong một tuần không ngừng nghỉ để đảm bảo nguồn cung cho thị trường.

“Chúng tôi đang sản xuất khẩu trang nhanh nhất có thể”, Guillaume Laverdure, Giám đốc điều hành của Kolmi Hopen cho biết. “Tuy nhiên, nhu cầu còn có thể sẽ tiếp tục tăng”.

Nhà máy của Medicom ở Vũ Hán, nơi sản xuất áo choàng phẫu thuật, đã bị đóng cửa từ những ngày đầu dịch bệnh bùng phát, thì nay cũng đã phải mở cửa hoạt động trở lại. Tuy nhiên, sản lượng sản xuất ra không còn được phép xuất khẩu.

“Trong khi đó, tại nhà máy ở Thượng Hải, hơn 3 triệu chiếc khẩu trang sản xuất mỗi ngày đã được nhà nước thu mua ngay lập tức” ông Laverdure nói.

Tình trạng thiếu khẩu trang được dự báo là sẽ tiếp tục trở nên tồi tệ hơn nữa, bởi thực tế là nguyên liệu được nhập từ nhiều nước khác nhau. Một số công đoạn sản xuất khẩu trang cuối cùng thậm chí không được tiến hành ở Trung Quốc đại lục hay Đài Loan mà được chuyển qua bên thứ ba như Nhật Bản, Việt Nam, Mexico hoặc Colombia.

Cơn sốt khẩu trang trên toàn cầu

Sự bùng phát của dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona, đã tạo ra một cơn sốt khẩu trang y tế trên toàn cầu. 

Thế giới quay cuồng trong cơn sốt khẩu trang - Ảnh 2.

Hơn một nửa số khẩu trang trên toàn cầu, tức khoảng 20 triệu chiếc mỗi ngày, tương đương 7 tỉ chiếc mỗi năm cung cấp cho các bệnh viện và các nhân viên y tế ở nhiều quốc gia, hiện đang đến từ Trung Quốc. (Ảnh: NYT).

Để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu công dân phải đeo khẩu trang mỗi khi đi ra ngoài. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, mỗi chiếc khẩu trang chỉ nên dùng một lần, điều này đã khiến các sản phẩm khẩu trang liên tục rơi vào tình trạng khan hiếm, cháy hàng.

Cảnh tượng dòng người đứng chen chân, xếp hàng hàng giờ liền để mua được khẩu trang và những cái lắc đầu từ các hiệu thuốc đã trở nên quen thuộc trong mùa dịch.

“Không còn một hộp khẩu trang nào để mua cả. Dù chỉ là một hộp duy nhất”, Sandy Lo, 60 tuổi - một người dân HongKong cho biết. Bà nói rằng có lẽ bà sẽ phải tái sử dụng chiếc khẩu trang cũ của mình.

Hầu hết khẩu trang trên thế giới đều được sản xuất ở Trung Quốc đại lục và Đài Loan. Tuy nhiên các sản phẩm khẩu trang ở đây đã bị buộc phải tạm dừng xuất khẩu, để có thể phục vụ nhu cầu chống dịch của người dân Trung Quốc, theo lệnh từ Chính phủ Trung Quốc. 

Đầu tuần này, Trung Quốc thừa nhận rằng họ đang khan hiếm mặt hàng khẩu trang và các thiết bị bảo hộ y tế. Chính quyền cho biết sẽ nhập khẩu thêm từ các nhà cung cấp ở châu Âu, Nhật Bản, và cả Hoa Kỳ, để bù đắp cho sự thiếu hụt.

Mọi sự chú ý đã đổ dồn về Kolmi Hopen, nhà máy sản xuất khẩu trang ở miền Tây nước Pháp. Điện thoại nhà máy đổ chuông liên tục, các thương gia Trung Quốc đang lùng sục khắp thế giới để săn tìm khẩu trang.

“Nhu cầu đặc biệt tăng cao đối với loại khẩu trang có màng lọc, có hiệu quả khi ngăn chặn được sự lây lan của virus corona”, ông Laverdure nói. Một nhà máy sản xuất khẩu trang khác của Pháp, ở vùng Augusta, cũng đang tăng cường công suất sản xuất tối đa.

Hơn 90% khẩu trang phẫu thuật bán ở Hoa Kỳ được sản xuất ở nước ngoài, theo Bộ Y tế và Dịch vụ Hoa Kỳ.

Với việc giao thương hàng hoá giữa Trung Quốc với bên ngoài đang bị ngưng trệ, các nhà cung cấp dụng cụ y tế toàn cầu, bao gồm cả những công ty lớn như Honeywell và 3M, đang tranh giành để tìm nguồn thay thế.

Cả hai công ty này đều cho biết các đơn đặt hàng đã tăng lên đáng kể, và công ty sẽ chuyển sang tăng cường sản xuất bất cứ nơi nào họ có thể.

Prestige Ameritech, một nhà sản xuất khẩu trang ở North Richland Hills, Texas là một trong những công ty hưởng lợi nhiều nhất khi virus corona lan rộng ra 24 quốc gia trên thế giới, với số lượng đơn đạt hàng tăng đột biến từ Hong Kong, Singapore và Đài Loan.

“Tôi có hàng nghìn email đặt hàng từ châu Á”, ông Mike Bowen, Phó Chủ tịch điều hành cho biết.

“Tuần trước, chúng tôi đã gửi hơn 1 triệu khẩu trang đến Trung Quốc. Đến trong mơ tôi cũng không thể tưởng tượng được rằng một ngày nào đó doanh nghiệp của tôi sẽ bán khẩu trang cho thị trường Trung Quốc”, Mike nói.

Nguồn cung khẩu trang, thiết bị y tế nhanh chóng cạn kiệt vì virus corona lay lan

Các chuyên gia cảnh báo, trong bối cảnh virus corona đang lây lan nhanh chóng với hàng trăm ca tử vong, thì các nguồn cung cấp khẩu trang cũng như các vật dụng bảo hộ y tế khác cũng sẽ nhanh chóng bị cạn kiệt. 

Thế giới quay cuồng trong cơn sốt khẩu trang - Ảnh 3.

Một số công đoạn sản xuất khẩu trang cuối cùng thậm chí không được tiến hành ở Trung Quốc đại lục hay Đài Loan mà được chuyển qua bên thứ ba như Nhật Bản, Việt Nam, Mexico hoặc Colombia. (Ảnh: NYT).

Các hiệu thuốc ở Hoa Kỳ đã bắt đầu xuất hiện tình trạng “cháy” khẩu trang y tế.

Sự điên cuồng trong các đơn đặt hàng ở Kolmi Hopen cho thấy vai trò quan trọng của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đối với những sản phẩm thiết yếu nhất. Thế giới rơi vào khủng hoảng một khi các nhà máy tại Trung Quốc tạm ngừng sản xuất, hoặc không hoạt động hết công suất.

Hơn một nửa số khẩu trang trên toàn cầu, tức khoảng 20 triệu chiếc mỗi ngày, tương đương 7 tỉ chiếc mỗi năm cung cấp cho các bệnh viện và các nhân viên y tế ở nhiều quốc gia, hiện đang đến từ Trung Quốc.

Trong khi đó, Đài Loan chiếm 20% nguồn cung khẩu trang toàn cầu.

Sản xuất khẩu trang đã bị gián đoạn khi các nhà máy tại Trung Quốc bước vào kì nghỉ Tết Nguyên đán. Một số nhà máy sản xuất xung quanh TP Vũ Hán, tâm chấn của đợt dịch lần này vẫn chưa khôi phục hoàn toàn việc sản xuất và đang hoạt động với công suất khoảng 60%.

Công ty nhỏ cũng bị cuốn vào cơn sốt khẩu trang

Ngay cả các nhà sản xuất khẩu trang nhỏ lẻ cũng bị cuốn vào vòng xoáy sốt khẩu trang.

Pardam, một công ty chuyên sản xuất sợi nano ở Cộng hoà Séc, gần như đã từ bỏ dây chuyền sản xuất khẩu trang của mình trong năm ngoái vì nhu cầu thị trường giảm. Nhưng sau khi dịch virus corona bùng  phát, công ty này đã bán hết veo 2.000 khẩu trang chỉ trong hai ngày, lãnh đạo công ty cho biết thời gian tới sẽ chuyển sang tự động hoá để tăng sản lượng sản lượng.

Thế giới quay cuồng trong cơn sốt khẩu trang - Ảnh 4.

Ngay cả các nhà sản xuất khẩu trang nhỏ lẻ cũng bị cuốn vào vòng xoáy sốt khẩu trang. (Ảnh: NYT).

Tại nhà máy của Medicom ở Angers đã được bổ sung thêm 30 công nhân, với mục tiêu sẽ chuyển sang sản xuất suốt ngày đêm. “Hiện công ty đang đưa ra thị trường hơn 1 triệu chiếc khẩu trang mỗi ngày, gấp đôi số lượng ngày thường”, ông Laverdure nói.

Bên trong nhà máy, hơn một chục máy lắp ráp khẩu trang với tốc độ 80 chiếc/phút hoạt động hết công suất. Bốn công nhân, bao gồm hai người mới bắt đầu được đào tạo trong tuần này đang tiến hành kiểm tra sản phẩm và xếp chúng vào trong thùng, sau đó chuyển đến kho hàng để chờ vận chuyển tới Hong Kong và những nới khác. 

Sở dĩ Medicom có thể đẩy mạnh sản xuất một cách nhanh chóng là bởi vì các nhà cung cấp nguyên liệu thô hiện có sẵn ở Pháp và các nước châu Âu lân cận. 

Medicom trước đó đã từng có kinh nghiệm đối mặt với các đại dịch như SARS, H1N1 hay Ebola. 

Khi những báo cáo về ca bệnh virus corona đầu tiên được gửi về, công ty đã ngay lập tức tổ chức một phòng điều hành khẩn cấp có trụ sở ở Montreal, để theo dõi tình hình dịch bệnh và đưa ra các phương án sản xuất cho các nhà máy tại Trung Quốc, châu Âu và Bắc Mỹ.

“Sản lượng đã tăng, nhưng việc phải chạy đua với thời gian, quản lí nhiều nhân công khiến chúng tôi không khỏi căng thẳng, mệt mỏi”, vị Giám đốc điều hành cho biết.