Nhà cao tầng không phải là thủ phạm gây kẹt xe, ngập nước ở TP HCM?

Nhà cao tầng không phải là “tội đồ” bức tử đô thị, tạo áp lực mà chính do sự phát triển theo hướng tự phát, thiếu quy hoạch, chưa tạo thành cụm và gắn kết với tuyến giao thông công cộng.

Chiều ngày 13/1, tại TP HCM, lãnh đạo TP HCM đã có buổi gặp gỡ những đại biểu kiều bào tiêu biểu, đại diện cho các chuyên gia trí thức, doanh nhân, hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài.

Tại đây, 12 giải pháp về các lĩnh vực để phát triển TP HCM đã được các kiều bào đề xuất. Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn (kiều bào Canada) cho rằng hiện nay, trong quy hoạch, thành phố đang tăng tốc phát triển. Gần đây có nhiều dự án tầm cỡ, trong bối cảnh đó TP HCM đứng trước nhiều thử thách, trong đó có bài toán tăng dân số.

Nhà cao tầng không phải là thủ phạm gây kẹt xe, ngập nước ở TP HCM? - Ảnh 1.

Lãnh đạo TP HCM gặp gỡ kiều bào tiêu biểu và lắng nghe đề xuất hiến kế phát triển thành phố.

Theo ông Ngô Viết Nam Sơn, nhà cao tầng không phải là thủ phạm gây kẹt xe, ngập nước. Phát tirển nhà cao tầng nếu khoa học thì còn góp phần giải quyết tình trạng kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm… “Tuy nhiên, việc phát triển nhà cao tầng ở TP HCM vừa qua khá tùy tiện. Nhà cao tầng mọc lên nhiều, ban đầu nghe rất khả quan nhưng có thực tế nhà cao tầng làm một đường, giao thông công cộng đi một ngã.

Như tuyến Metro số 1, rõ ràng giao thông công cộng và Metro không song hành với nhau. Có thể ngành giao thông và ngành quy hoạch thiếu phối hợp với nhau. Cụm nhà cao nhất của khu vực không đi cùng với tuyến Metro. Việc đi từ cụm chung cư này đến các trạm Metro rất trở ngại. Thực tế có thể kết nối được nhưng sẽ đẩy chi phí xây dựng của dự án lên cao” – ông Ngô Viết Nam Sơn cho biết.

Nhà cao tầng không phải là thủ phạm gây kẹt xe, ngập nước ở TP HCM? - Ảnh 2.

Ngày càng có nhiều kiều bào trẻ quay về quê hương để khởi nghiệp.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn đề xuất, cần có tuyến xe buýt đi vòng từ đường Hàm Nghi qua cầu Thủ Thiêm – hầm Thủ Thiêm. Nếu có tuyến này thì cả khu vực người dân sẽ không cần xe cá nhân, sắp tới có cầu đi bộ thì càng cần thiết hơn.

Trong khi đó, giáo sư Đặng Lương Mô (kiều bào Nhật Bản), TP HCM đang sống trong “địa ngục giao thông”.

Theo giáo sư Đặng Lương Mô, cách đây 12 năm, ông đã nhận xét TP HCM có hàng triệu xe gắn máy chạy vô trật tự. Bây giờ sau 12 năm, nền giao thông còn tệ hơn. Số lượng xe gắn máy đã tăng gấp 2-3 lần; xe ba gác; xe ba bánh tự chế mặc dầu đã có lệnh cấm từ hơn 10 năm nay nhưng vẫn ngang nhiên lưu thông. 12 năm trước chưa có ô tô nhiều, còn bây giờ đã tăng gấp hàng chục lần.

Nhà cao tầng không phải là thủ phạm gây kẹt xe, ngập nước ở TP HCM? - Ảnh 3.

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân chụp hình kỉ niệm với kiều bào.

“Trong khi đường sá thì chỉ thêm vài tuyến như đường Phạm Văn Đồng, còn trong quận nội ô thì cơ bản là đường sá không tăng thêm. Khắp thành phố đều không có bãi đậu xe ô tô, kể cả bãi bãi đậu do tư nhân kinh doanh…” – giáo sư Đặng Lương Mô nhìn nhận.

Bàn về giải pháp thu hút kiều bào quay về khởi nghiệp, ông David Dương, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam Hoa Kỳ cho rằng TP HCM cần có những chính sách ưu đãi, đãi ngộ đối với kiều bào quay về như lo cho con em kiều bào nơi ăn học; tạo điều kiện được mua nhà với chi phí thấp, có chính sách ngộ về thuế đối với kiều bào startup…

Theo Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TP HCM, trong năm 2019, có hơn 425.500 lượt kiều bào nhập cảnh qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất, so với năm 2018 là 424.000 lượt kiều bào. Lượng kiều hối về TP HCM tính đến năm 2019 là 5,6 tỉ USD.

Hiện khoảng 400 chuyên gia, trí thức kiều bào về làm việc dài hạn, 200 trí thức hợp tác với các bệnh viện, trường đại học tại thành phố; khoảng 3.000 doanh nhân kiều bào đầu tư tại TP HCM với tổng số vốn khoảng 45.000 tỉ đồng. Riêng trong năm 2019 có 34 doanh nghiệp do người Việt Nam ở nước ngoài mới thành lập, với tổng số vốn trên 122 tỉ đồng.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.