Thông tin trên được ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc kênh Batdongsan khu vực miền Nam, cho biết tại buổi công bố báo cáo thị trường quý I/2025 mới đây.
Ông cho hay mức độ quan tâm, lượng đăng tin bán phân khúc đất nền tăng mạnh lần lượt 50% và 34% chỉ trong một tháng sau Tết Ất Tỵ. Trong đó lượng quan tâm tập trung ở các tỉnh phía Bắc và khu vực Hà Nội.
Dữ liệu kênh Batdongsan cho thấy lượng cầu đất nền trải dài ở nhiều tỉnh, thành phía Bắc. Nhiều khu vực có mức độ quan tâm đất nền tăng hơn 100% sau Tết gồm Ninh Bình, Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Bình. Một số tỉnh khác như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thái Nguyên có lượng cầu tìm kiếm tăng hơn 64%.
Mức độ quan tâm lớn kéo theo giá bán ở nhiều tỉnh phía Bắc tăng nhiệt, dao động 44-100% so với đầu năm 2023. Thị trường đất nền Hải Dương dẫn đầu về đà tăng giá bán sau hai năm ở mức 100%, theo sau là Bắc Giang (80%), Hưng Yên (75%), Bắc Ninh (52%), Hà Nam (50%), Nam Định, Thái Bình (44%). Đây là những địa phương có thông tin sáp nhập hoặc "nóng" về đất đấu giá. Tại Hà Nội, giá bán đất nền cũng leo thang khoảng 42% sau hai năm.
Theo ghi nhận của VnExpress, giá bán đất nền tại nhiều nơi như TP Hưng Yên, huyện Văn Giang (Hưng Yên), TP Việt Trì, TP Ninh Bình, TP Bắc Giang ... đã rục rịch tăng 10-20% so với cuối năm ngoái. Thậm chí nhiều chủ đất còn rao giá tăng hơn 30% để hưởng lợi từ "sóng" thông tin sáp nhập.
Nhóm môi giới chào bán các lô đất huyện ven Hà Nội. Ảnh: Anh Tú
Trong khi đó, ở phía Nam, lượng cầu đất nền tập trung cục bộ ở khu vực lân cận TP HCM gồm Nhơn Trạch, Long Thành (Đồng Nai), Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu), Thuận An, Dĩ An, Bến Cát (Bình Dương)... Tuy nhiên giá bán những khu vực trên cũng chưa biến động mạnh, tăng khoảng 5-22% sau hai năm. Còn đất nền khu vực khác vẫn ổn định.
Báo cáo của đơn vị tư vấn DKRA cũng chỉ ra mức tăng đất nền sơ cấp tại TP HCM và vùng phụ cận khoảng 2-6% còn thị trường thứ cấp khoảng 20-30%, tùy khu vực. Mức tăng tập trung ở TP HCM và Bình Dương.
"Thị trường đất nền phía Bắc phân bổ giá rộng hơn và cao hơn so với miền Nam do nhà đầu tư nhạy với thông tin quy hoạch", ông Đinh Minh Tuấn cho hay.
Ông nói, khẩu vị của nhà đầu tư phía Bắc chủ yếu là đất nền vùng ven xa trung tâm hoặc ở các tỉnh có mức giá "mềm", nhiều dư địa tăng trưởng. Họ sẵn sàng "đánh bắt xa bờ" nên lượng cầu tăng đồng đều ở nhiều tỉnh, thành. Trong khi đó, nhà đầu tư phía Nam chuộng đất nền gần trung tâm nên chỉ khu vực giáp TP HCM được quan tâm nhiều.
Tuy nhiên, đầu tư đất theo 'sóng' thông tin sáp nhập tỉnh tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là với nhà đầu tư F0 (lần đầu tham gia thị trường). Ông Đinh Minh Tuấn cho hay nhóm F0 tham gia thị trường chủ yếu mua nhanh bán nhanh nhằm kiếm lời. Nếu kế hoạch sáp nhập các địa phương diễn ra chậm hơn dự kiến hoặc quy hoạch thay đổi, kế hoạch "lướt sóng" của nhóm này dễ dàng thất bại.
Trường hợp mua trúng lô đất dính quy hoạch, nhà đầu tư sẽ rơi vào thế mắc cạn vì nguy cơ mất thanh khoản cao. Ông Tuấn nói, rủi ro này không chỉ gây thiệt hại về tài chính mà còn có thể dẫn đến tranh chấp pháp lý, làm mất thời gian, công sức của người mua.
Xuống tiền theo "sóng" tin đồn cũng khiến nhà đầu tư dễ rơi vào cảnh mua cao bán thấp, đầu tư thua lỗ. Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc kênh Batdongsan cho biết giá đất tại nhiều địa phương đã từng tăng nóng 30-50% theo cơn "sốt đất" giai đoạn 2020-2021. Nếu không biết vùng giá thực tế, nhà đầu tư "đánh bắt xa bờ" dễ rơi vào cảnh mua, bán hớ hoặc khi cần bán thì không giao dịch được vì mất thanh khoản.
Nhìn lại thời điểm 17 năm trước, trước khi Hà Tây sáp nhập về Hà Nội được Quốc hội bấm nút, tình trạng giá đất "nhảy nhót" cũng càn quét thị trường khu vực này một thời. Đến nay, hệ lụy từ cơn "sốt đất" vẫn tồn tại, tập trung ở những dự án, khu đô thị bỏ hoang, chậm tiến độ kéo dài ở Mê Linh và Hà Tây cũ, theo ông Quốc Anh.
Các chuyên gia cho rằng bất động sản tăng trưởng bền vững cần ba yếu tố quan trọng gồm kinh tế địa phương, đầu tư công và xuất nhập cư. Ông Nguyễn Quốc Anh khuyến nghị người mua cần nghiên cứu và đánh giá kỹ các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất nền như vị trí, hạ tầng, quy hoạch, nhu cầu việc làm, nhập cư và nền kinh tế của địa phương. Những yếu tố này không chỉ đảm bảo suất đầu tư an toàn trong dài hạn mà còn có khả năng khai thác kinh doanh, tránh tình trạng bỏ hoang đất.
"Đà tăng giá đất nền hiện nay chủ yếu xuất phát từ kỳ vọng của người bán. Từ bài học trong quá khứ, nhà đầu tư cần lưu ý không phải lô đất nào sau khi sáp nhập cũng tăng giá nếu thiếu các động lực phát triển", ông Quốc Anh cho hay.