(Ảnh minh họa: Hải Quân).
Trong vòng 10 năm qua, giá nhà ở các đô thị lớn đã tăng chóng mặt và vượt xa tốc độ tăng thu nhập của người lao động.
Lấy ví dụ tại TP HCM, bà Cao Thị Thanh Hương, Quản lý Cấp cao, Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu, Savills TP HCM cho biết, giá sơ cấp căn hộ vào quý IV/2024 đã tăng 33% theo năm. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân của lao động trên cả nước ở mức 8,6%.
Bên cạnh đó, việc đô thị hóa và phát triển kinh tế tập trung đã gia tăng mật độ dân cư ở các đô thị lớn khiến nhu cầu nhà ở tăng mạnh, trong khi nguồn cung bị thiếu hụt do vướng mắc pháp lý và thiếu quỹ đất.
Việc sở hữu căn hộ tầm trung trở nên khó khăn với thu nhập của một cặp vợ chồng trẻ nếu họ không có sự hỗ trợ từ gia đình hay các gói tín dụng phù hợp. Không ít người phải lựa chọn thuê trọ lâu dài hoặc chấp nhận sống chung nhiều thế hệ để giảm áp lực tài chính.
Trước thực trạng này, Chính phủ đã yêu cầu các ngân hàng cần có những chính sách tín dụng đặc thù, phù hợp với người mua nhà lần đầu, nhất là người trẻ. Theo bà Hương, các gói vay nên kéo dài từ 20 - 30 năm, tương đương với cả chu kỳ lao động của người vay để giúp họ giảm bớt gánh nặng trả nợ hàng tháng.
Về phía người trẻ, chuyên gia khuyến cáo không nên mạo hiểm với khoản vay quá sức. Một khoản trả góp ổn định khoảng 1/3 thu nhập sẽ khả thi hơn so với mức 1/2 thu nhập trở lên - ngưỡng đang khiến nhiều cặp vợ chồng trẻ cảm thấy đuối sức.
Mức vay an toàn nên cân nhắc là tối đa 50% giá trị bất động sản, đây là mức có thể giảm thiểu rủi ro tài chính và tâm lý trong dài hạn.
Cùng với đó, cần cân nhắc kỹ lưỡng khả năng trả nợ, lựa chọn dự án có pháp lý rõ ràng và chủ đầu tư uy tín. Không ít trường hợp người mua gặp rắc rối với các dự án bị đình trệ hoặc chủ đầu tư không thực hiện cam kết hỗ trợ lãi suất.
Mặc dù việc sở hữu nhà ở là không dễ, song theo chuyên gia Savills, trước các thông tin tích cực từ chính sách của Chính phủ cũng như các dự án hạ tầng đô thị đang được gấp rút triển khai, hiện người trẻ và người có thu nhập thấp hoàn toàn có thể kỳ vọng về ước mơ an cư.
Những thay đổi tích cực từ hệ thống pháp luật như Luật Đất đai, Luật Nhà ở hay Luật Kinh doanh bất động sản đã góp phần khơi thông dòng chảy đầu tư vào nhà ở xã hội và nhà ở giá vừa túi tiền.
Đầu tư hạ tầng đô thị, điển hình như các tuyến Metro tại TP HCM và Hà Nội cũng đang mở ra cơ hội giãn dân khỏi vùng lõi thành phố, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vùng ven với chi phí hợp lý và di chuyển thuận tiện, nhu cầu nhà ở sẽ được san sẻ.
"Tuy nhiên, các gói hỗ trợ tài chính để sở hữu nhà không nên dừng lại ở người trẻ dưới 35 tuổi. Hệ thống ngân hàng hiện nay vẫn dè dặt với người vay trên 45 tuổi thu nhập không cao bởi thời gian làm việc còn lại ngắn, thu nhập có thể giảm kèm theo nhiều rủi ro tín dụng.
Xét trên góc độ an sinh xã hội, nhu cầu nhà ở không phân biệt tuổi tác, các chính sách hỗ trợ tín dụng cần được thiết kế đa tầng, linh hoạt theo từng nhóm tuổi, hoàn cảnh và khả năng tài chính để đảm bảo mọi người dân đều có cơ hội an cư", bà Hương đề xuất.
Theo vị này, thị trường bất động sản muốn phát triển bền vững cần xuất phát từ nhu cầu thật, mà nhu cầu lớn nhất hiện nay chính là nhà ở vừa túi tiền. Khi những chính sách tín dụng hợp lý đi vào thực tế, không chỉ người mua hưởng lợi, mà doanh nghiệp địa ốc cũng sẽ cải thiện thanh khoản, giảm hàng tồn và khơi thông dòng vốn.