Covid-19: Trung tâm ngoại ngữ mở tạp hóa, Trung tâm ngoại khóa gọi vốn cộng đồng

Nhiều hoạt động ngoại khóa được tạo ra để duy trì sự kết nối giữa giáo viên với phụ huynh và học sinh; đồng thời tạo ra thu nhập tăng thêm dù nhỏ nhoi, nhưng sẽ tác động tích cực về mặt tâm lí, giúp đội ngũ giảng dạy tại các trung tâm đào tạo kĩ năng sống sớm vượt qua mùa dịch.

Khác với các tổ chức giáo dục tư nhân (từ trường mầm non cho đến cấp đại học), các trung tâm đào tạo kĩ năng tư nhân gặp khó khăn hơn nhiều trong mùa dịch Covid-19, vì nhiều phụ huynh sẽ cắt giảm khoản chi tiêu này đầu tiên, khi trẻ không thể đến trường, do không phải là hoạt động chính khóa. 

Nhưng thay vì ngồi im chờ dịch qua, nhiều Trung tâm nhọc công xây dựng các chương trình mới, hỗ trợ thu nhập cho nhân viên và củng cố kết nối mạng lưới phụ huynh cùng học sinh. Điển hình là 2 câu chuyện  ở Trung tâm ngoại ngữ Khoa Trí (gần 10 năm hoạt động) và Trung tâm huấn luyện kĩ năng sống Tomato (gần 7 năm hoạt động) như TBKTSG Online ghi nhận dưới đây.

Covid-19: Trung tâm ngoại ngữ mở tạp hóa, Trung tâm ngoại khóa gọi vốn cộng đồng - Ảnh 1.

Nhân viên soạn hàng để đi giao cho khách. (Nguồn: Khoa Trí).

Mở gian hàng thực phẩm, gây quỹ ủng hộ

Từ hơn tháng nay, một mô hình độc đáo được áp dụng thử nghiệm tại Trung tâm Ngoại ngữ Khoa Trí, đó là cửa hàng thực phẩm trực tuyến (online). Cửa hàng này được mở ra trên mạng xã hội Facebook và Zalo, trong đó cả người bán lẫn người mua, nếu không phải là giáo viên thì cũng sẽ là phụ huynh của học viên.

Sản phẩm khá đa dạng chủng loại, từ các loại rau củ, trái cây đến các món ăn chế biến sẵn như chà bông, chả cá, gia vị,… được góp bởi nhiều nguồn khác nhau, bao gồm cả nhân viên nhà trường và phụ huynh học sinh, tự sản xuất hoặc có được cung cấp bởi nhà sản xuất uy tín.

Khi có đơn đặt hàng, thực phẩm được tập hợp và gửi đến cho người mua thông qua các “shipper” là giáo viên, nhân viên hành chính của trung tâm. Giáo viên, nhân viên trung tâm và cả phụ huynh cũng có thể tham gia bán hàng, tăng thêm thu nhập.

Gian hàng kiểu “hợp tác xã” được kiểm soát và đảm bảo chất lượng đầu ra bởi bà Đoàn Thị Thu Thủy, nhà sáng lập kiêm Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ Khoa Trí. 

Theo bà Thu Thủy, các sản phẩm này đều đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và có chất lượng cao nên giá bán cũng cao hơn một chút so với thị trường. Sau hơn một tháng “rao vặt”, gian hàng của Khoa Trí đã có lượng khách hàng quen thuộc, ủng hộ đều đặn.

Covid-19: Trung tâm ngoại ngữ mở tạp hóa, Trung tâm ngoại khóa gọi vốn cộng đồng - Ảnh 2.

Hàng dọn sẵn chờ giao. (Nguồn: Khoa Trí).

Theo bà Thủy, về cơ bản đây là một giải pháp tạo thêm công ăn việc làm cho nhân viên trong trung tâm trong thời kì khó khăn vì dịch bệnh, hiện mang tính tâm lí là chủ yếu. Bằng hình thức này, trung tâm góp phần hỗ trợ cho các nhân viên hành chính (vốn đã mất thu nhập vì nghỉ dạy trực tiếp) tiền cơm hàng ngày (khoảng 200.000 đồng tiền đi chợ), còn tiền phí giao hàng hoặc hoa hồng bán hàng được hưởng riêng.

Đội ngũ nhân viên hành chính trước đây được chia thành 2 nhóm, một nửa tiếp tục quản lí các hoạt động giáo dục đang duy trì trực tuyến, một nửa tham gia khâu bán hàng, bao gồm 5 nhân viên bán hàng và 5 nhân viên giao hàng luân phiên. Thậm chí, đầu việc của một số nhân viên lại còn nhiều hơn cả những ngày trước dịch, bao gồm các công tác dạy học trực tuyến, quản lí, đào tạo, quản lí học vụ, hành chính cho tới bán hàng.

Suy giảm hoặc mất đi nguồn thu nhập là khó khăn chung của ngành giáo dục, trong đó nhóm giáo viên mầm non, được đánh giá là nhóm gặp nhiều khó khăn hơn cả. Các giáo viên mầm non vốn có mức thu nhập khá thấp khi so với mặt bằng thu nhập bình quân của ngành, vào khoảng 3-5 triệu đồng/tháng, theo lời chia sẻ của bà Nguyễn Thúy Uyên Phương, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Trung tâm ngoại khóa Tomato Children's Home.

Thống kê cho thấy có khoảng 472.000 giáo viên thuộc các trường, nhóm, lớp ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Đó cũng là lí do vì sao bà Uyên Phương, cùng với 2 người bạn khác thành lập quỹ H.A.T (Help A Teacher Fund), đặt mục tiêu hỗ trợ những giáo viên mầm non có hoàn cảnh khó khăn, với suất hỗ trợ tài chính 8,4 triệu đồng, tương đương 2 tháng lương tối thiểu vùng 2019, với những tiêu chuẩn nhất định.

Từ phía người nhận, các giáo viên phải cam kết sẽ phải “trụ” lại với nghề sau mùa dịch. Đồng thời trong khoảng thời gian giãn cách xã hội, giáo viên phải "đáp đền tiếp nối" bằng những hoạt động hỗ trợ khác, như online để dạy hoặc chơi với trẻ của gia đình có người ở tuyến đầu phòng, chống dịch, hay làm đồ chơi tặng trẻ,…

Được khởi xướng từ đầu tháng 3, tính đến giữa tháng 4 đã gây quỹ được khoảng gần 1,8 tỉ đồng, với khoảng 210 suất và còn tiếp tục nhận hồ sơ đến hết tháng 4, bà Uyên Phương cho biết.

Covid-19: Trung tâm ngoại ngữ mở tạp hóa, Trung tâm ngoại khóa gọi vốn cộng đồng - Ảnh 3.

Các cô giáo của trung tâm ngoại khóa Tomato Children's Home đang chuẩn bị vật dụng thủ công để lên lớp hướng dẫn cho bé. (Nguồn: Tomato).

Giảm chi phí, tăng tính kết nối

Theo đại diện Tomato, các trường tư phải đi thuê đất thương mại để hoạt động giáo dục nên chi phí rất lớn. Tomato cũng đã thương thảo và được chủ nhà giảm 50% tiền thuê mặt bằng, nhưng tình hình vẫn còn rất căng thẳng. 

“Tomato chưa tính tới chuyện trả mặt bằng, nhưng tới giới hạn thì cũng phải xem xét. Mà có lẽ, đến cuối tháng 4 này nhìn chung gần như chạm tới giới hạn của doanh nghiệp rồi”, bà Phương tâm sự.

Với 6 chi nhánh hiện hữu, chuỗi trường ngoại khóa Tomato cung cấp, bổ sung các kĩ năng ngoại khóa ngoài trường học cho trẻ. Từ khi dịch bệnh căng thẳng hơn trong bối cảnh giãn cách xã hội, số lượng nhân sự Tomato đã giảm từ 60 người xuống còn 25 người. Việc cắt giảm này cũng tốn không ít thời gian của đội ngũ quản lí, với mục tiêu “không ai trong đội ngũ nhân viên bị bỏ lại phía sau".

Theo đó, trước khi tiến hành cắt giảm nhân sự hay giảm lương, Tomato tiến hành khảo sát về tình hình khó khăn của từng nhân sự, khảo sát kĩ năng khác xem có thể chuyển đổi được hay không, hay có người nào trong tổ chức có thể tương trợ cho người khác hay không.

“Khi tiến hành cắt giảm thì các thành viên ban giám đốc không nhìn vào con số, mà nhìn vào từng cái tên và từng câu trả lời mà quyết định sắp xếp như thế nào. Thậm chí có nhân viên còn sẵn sàng nghỉ thay để nhường quỹ lương cho nhân viên khác, vốn có hoàn cảnh khó khăn hơn”, bà Uyên Phương kể. 

Tomato cũng đưa ra cam kết về khoản thưởng bù đắp cho nhân viên quay về, khi trường hoạt động trở lại sau dịch.

Covid-19: Trung tâm ngoại ngữ mở tạp hóa, Trung tâm ngoại khóa gọi vốn cộng đồng - Ảnh 4.

Các bạn nhỏ trong độ tuổi teen cùng nhau trò chuyện, chia sẻ các ý tưởng sáng tạo xoay quanh chủ đề Làm gì để giúp ông bà vui khỏe mùa dịch Covid19? (Nguồn: Tomato).

Tuy cắt giảm chi phí nhưng Tomato vẫn duy trì nhiều hoạt động khác nhau để giữ sợi dây liên kết với phụ huynh và học sinh. Theo đó, Tomato đăng kí làm đại diện cho phong trào DFC (Design for Change) trên thế giới, đồng tổ chức và vận hành tại Việt Nam. DFC tạo ra diễn đàn cho trẻ em tham gia đóng góp sáng kiến và thực hiện các dự án có ích cho cộng đồng.

Tại Việt Nam, DFC được dẫn dắt bởi các trường Tomato, trường ICS và Học viện Thanh thiếu niên Hiệu quả YES.

Tại mỗi buổi kết nối, giáo viên Tomato sẽ lắng nghe những câu chuyện chia sẻ của các em học sinh trong thời gian giãn cách xã hội, là giai đoạn mà các tương tác xã hội gần như bị cắt đứt. Ngoài ra, Tomato còn làm nhiều chương trình, video hướng dẫn, bài viết để phụ huynh tương tác và chơi cùng các con ở nhà.

“Covid-19 đã khiến cho ngành giáo dục xáo trộn nghiêm trọng. Các học sinh gần như mất tương tác xã hội, trong đó có xáo trộn cảm xúc. Nhu cầu chăm sóc từ bên trong, tái thiết lập tương tác là những nhu cầu thuộc phạm vi giải quyết của Tomato”, bà Phương lí giải việc tăng cường các hoạt động kết nối giữa nhà trường – học sinh - phụ huynh trong mùa dịch.

Áp lực chuyển đổi online

Khi dịch bệnh Covid-19 lan rộng, kèm theo quy định giãn cách xã hội đã khiến nhiều trung tâm giáo dục tư nhân vắng bóng học viên. Theo bà Thủy, trường ở trong tình trạng bị động, không xoay sở kịp với diễn biến phức tạp của Covid-19, khi các thông báo nghỉ học công bố theo từng tuần chứ không có kế hoạch chung cụ thể.

Đến nay, các trung tâm này đối mặt với áp lực tài chính rất lớn, bao gồm chi phí thuê mặt bằng và cả doanh thu đầu vào vì học phí thường chỉ đóng theo các khóa học ngắn hạn từ 3-6 tháng. Các trường mầm non thậm chí căng thẳng hơn nhiều, vì phụ huynh đa phần đóng học phí định kì theo tháng.

Covid-19: Trung tâm ngoại ngữ mở tạp hóa, Trung tâm ngoại khóa gọi vốn cộng đồng - Ảnh 5.

Các giáo viên bắt đầu dạy online trước khi cả nước bắt đầu thực hiện chương trình giãn cách xã hội từ đầu tháng 4. (Nguồn: Khoa Trí).

Về mảng hoạt động truyền thống là dạy tiếng Anh, Khoa Trí vẫn đang cố gắng giữ lại khoảng 70 giáo viên chính thức của mình, nhưng buộc lòng phải cắt giảm các giáo viên cộng tác. 

Chương trình “đào tạo từ xa” đã sớm được kích hoạt, theo đó các giáo viên sẽ trao đổi trực tiếp, hướng dẫn từ 3-8 học viên tùy theo từng chương trình trong các “lớp học Zalo”. “Tuy nhiên, phương án này cũng chỉ vừa đủ để trả lương cơ bản cho giáo viên, trong khoảng thu nhập từ 3-5 triệu đồng”, bà Thủy cho biết.

Dù vậy, có một điểm may mắn của Khoa Trí là trung tâm đã chuẩn bị sẵn nguồn tài liệu dạy trực tuyến (online) do tự bà Thủy chủ biên từ trước, nên việc triển khai việc đào tạo từ xa không mấy khó khăn. 

"Các video hướng dẫn học viên luyện kĩ năng nghe, nói đã có từ cách đây 3 năm trước, và trường vẫn đang áp dụng vào việc dạy học tại trung tâm, nên việc chuyển đổi là khá nhanh chóng, và vẫn đi theo đúng giáo trình ban đầu đưa ra", bà Thủy nói.

Covid-19: Trung tâm ngoại ngữ mở tạp hóa, Trung tâm ngoại khóa gọi vốn cộng đồng - Ảnh 6.

Một cảnh quay của chương trình Tomato Funny Tips được phát sóng vào 19h30 thứ sáu hàng tuần, hướng dẫn các bạn nhỏ làm thí nghiệm khoa học vui ngay tại nhà với những nguyên vật liệu có sẵn trong hộp Tomo. (Nguồn: Tomato).

Trong khi đó, Tomato thì gặp khó khăn hơn trong việc dạy online. Là trường tập trung nhiều vào kĩ năng ngoại khóa cho trẻ, các hoạt động của Tomato cần sự tiếp xúc trực tiếp nên gần như trường phải dừng lại hoàn toàn trong khoảng thời gian giãn cách xã hội, thay vào đó là những hoạt động kết nối, lắng nghe tâm sự và khuyến khích phụ huynh và học sinh chơi với nhau nhiều hơn.

Tất nhiên những hoạt động kết nối này khó kiếm thêm được doanh thu, nhưng Tomato hiện vẫn chưa quan tâm đến chuyện này. Trong bối cảnh nhiều trường học chuyển hướng online thì trung tâm đào tạo kĩ năng ngoại khóa này lại đi theo hướng tiết kiệm chi phí hết mức có thể, chấp nhận khó khăn hiện tại để bảo toàn “vốn niềm tin” và giá trị giáo dục mà ban lãnh đạo theo đuổi hơn là vốn tài chính.

“Thôi thì đằng nào cũng đã mất 10 đồng, vẫy vùng thêm 2 đồng thì không cũng giúp vượt qua khó khăn, mà có khi làm ảnh hưởng tới niềm tin, vì chất lượng của việc dạy học trực tuyến thực sự vẫn còn bấp bênh. Tomato chấp nhận khó khăn để bảo toàn vốn niềm tin, cơ hội trở lại sau dịch sẽ tốt hơn vì nhu cầu giáo dục của xã hội vẫn còn đó”, bà Phương nói.

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.