Sau khủng hoảng Covid - 19, các công ty bắt đầu rời Trung Quốc tìm đến Việt Nam

Các chuỗi cung ứng sẽ được đa dạng hoá để hạn chế những phụ thuộc vào Trung Quốc, kênh truyền hình Mỹ CNBC đưa tin.

Việt Nam, Bangladesh và Thổ Nhĩ Kì là những điểm đến hấp dẫn thay thế Trung Quốc

Theo các nhà đầu tư tại Mobius Capital Partners, các công ty trên khắp thế giới sẽ thay đổi chuỗi cung ứng, để hạn chế phụ thuộc vào Trung Quốc hơn sau cuộc khủng hoảng Covid - 19.

Trả lời phỏng vấn với CNBC, Mark Mobius - người sáng lập Mobius Capital Partners, cho biết, đại dịch đã khiến một số doanh nghiệp phải suy nghĩ lại và tìm cách giảm thiểu những cú sốc nguồn cung tương tự có thể xảy ra trong tương lai.

"Rất nhiều doanh nghiệp đang phải lệ thuộc vào chuỗi cung ứng ở Trung Quốc đã có suy nghĩ này, và bắt đầu đa dạng hoá nguồn cung của mình", Mobius chia sẻ.

Chẳng hạn đã có một vài công ty Mỹ đang có xu hướng ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp cung ứng có trụ sở tại Mỹ, hoặc ở các thị trường lân cận như Canada và Mexico hơn.

"Tuy nhiên, tôi nghĩ cuối cùng các chuỗi cung ứng này sẽ được chuyển rời đến các quốc gia như Việt Nam, Bangladesh và Thổ Nhĩ Kì, thậm chí là cả Brazil. Đây là một cách để có thể đa dạng hoá chuỗi cung ứng hơn", nhà phân tích nói thêm.

Sau cuộc khủng hoảng Covid - 19, các công ty bắt đầu rời Trung Quốc để tìm đến Việt Nam - Ảnh 1.

Công nhân đang làm việc tại một nhà máy ở Quảng Đông, Trung Quốc. (Ảnh: CNBC).

Đồng quan điểm, nhà phân tích độc lập Fraser Howie cũng cho biết Chính phủ các nước sẽ tìm cách giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Mặc dù vậy, Fraser vẫn lưu ý rằng sẽ không có cách nào loại bỏ hoàn toàn vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhiều lĩnh vực như dược phẩm, nông nghiệp và năng lượng đã chịu áp lực trong bối cảnh cuộc khủng hoảng sức khoẻ toàn cầu lan rộng, bởi nó phụ thuộc quá nhiều vào các nền kinh tế như Trung Quốc. Đồng thời, những hạn chế hậu cần quốc tế đã đè nặng lên chuỗi cung ứng.

Tương tự, một số nhà sản xuất ô tô như Nissan và Toyota đã phải dừng sản xuất tại Nhật Bản, vì sự gián đoạn trong việc nhập khẩu các bộ phận linh kiện từ Trung Quốc. Các công ty dược phẩm Ấn Độ đã cảnh báo rằng sản lượng của họ đang bị đe doạ khi các lô hàng nguyên liệu từ Trung Quốc không thể cập cảng nước này.

Các nhà máy sản xuất công nghiệp điện tử phương Tây phàn nàn rằng họ không có được các bảng mạch Trung Quốc để tiếp tục chế tạo máy móc.

Trong hơn hai thập kỉ qua, Trung Quốc đã bước lên nấc tăng giá trị, để trở thành nhà xuất khẩu hàng hoá trung gian lớn nhất thế giới - công xưởng để chế tạo ra những sản phẩm cuối cùng. Hiện đất nước tỉ dân này đang chiếm tới 1/3 thị phần toàn cầu trong việc sản xuất hàng hoá.

Dịch Covid - 19 đã làm đứt gãy thêm chuỗi cung ứng bị phá vỡ trong hai năm qua, trước cuộc chiến thuế quan giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, buộc các công ty phải lựa chọn các quốc gia thay thế khác.

Từ cuộc chiến thương mại, các công ty Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đã bắt đầu đa dạng hoá sản xuất bằng cách rót tiền vào Việt Nam và các nước ASEAN khác, với quy mô đầu tư vượt cả Trung Quốc. 

Đơn cử như gã khổng lồ Samsung của Hàn Quốc đã biến Việt Nam trở thành một trong những thị trường sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu thế giới của mình.

Trong một diễn biến khác, trước tác động của cuộc khủng hoảng Covid - 19, giá dầu của Mỹ đã giảm mạnh, khiến cung vượt cầu, các hợp đồng tương lai dầu WTI giao tháng 5 lần đầu tiên rơi xuống mức -40 USD/thùng.

Theo chuyên gia phân tích tại Mobius, nhiều thị trường mới nổi sẽ được hưởng lợi từ việc giá hàng hoá đi xuống.

"Giá dầu giảm là một sự thúc đẩy lớn đối với một số thị trường mới nổi như Ấn Độ hay Trung Quốc - những quốc gia đang nhập khẩu dầu. Đây là một thông tin tuyệt vời đối với họ", ông nói.

 "Mặc dù điều này không tốt cho các công ty dầu mỏ, nhưng lại là cơ hội cho một số quốc gia này".

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.