Không 'mua sắm trả thù', người Trung Quốc chỉ mua gạo và mì gói sau dịch Covid-19

Sức mua của người tiêu dùng Trung Quốc đã không bùng nổ trở lại sau dịch Covid-19 như dự đoán. Đa phần gói kích thích tiêu dùng được người dân sử dụng cho các mặt hàng nhu yếu phẩm, còn hàng xa xỉ thật sự xa xỉ trong giờ phút này.

Reuters đưa tin, Trung Quốc đang phát hành hàng tỉ nhân dân tệ dưới dạng phiếu mua sắm để hỗ trợ các nhà bán lẻ bị nghiền nát bởi vụ dịch Covid-19. Nhưng các khoản trợ cấp đang chẳng thấm vào đâu trong việc hỗ trợ kích thích tiêu dùng để vực dậy nền kinh tế.

Nhu cầu mua gạo, mì gói tăng hơn 19%

Thay vì đổ xô mua hàng ồ ạt sau thời gian dài chịu phong tỏa như dự báo, một lượng lớn các hoá đơn mua hàng của người tiêu dùng Trung Quốc được chi tiêu tại các siêu thị cho các nhu yếu phẩm hàng ngày, với rất ít sự gia tăng trong việc chi tiêu cho các nhà hàng, du lịch hoặc các mặt hàng xa xỉ.

Khi Bắc Kinh đấu tranh để phục hồi tiêu dùng, và đưa nền kinh tế trở lại, các nhà phân tích nghi ngờ về khả năng phiếu mua hàng liệu có nhiều tác dụng trong việc khôi phục chi tiêu.

Trương Khải Địch, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Tài chính Quốc tế tại Đại học Tài chính và Kinh tế Trung ương Bắc Kinh, cho biết: "Rất nhiều phiếu giảm giá được chi cho các nhu yếu phẩm hàng ngày. Khi người tiêu dùng sử dụng phiếu giảm giá để mua chúng, họ thực sự có thể tiết kiệm rất lớn khoản tiền mặt mà họ đã chi tiêu".

Không ‘mua sắm trả thù’, người tiêu dùng Trung Quốc chỉ mua gạo, mì gói sau dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Người Trung Quốc chỉ dám ưu tiên mua các nhu yếu phẩm để hạn chế chi tiêu. (Ảnh: WSAU).

Các biện pháp ngăn chặn virus nghiêm khắc của Trung Quốc hồi đầu năm nay đã đẩy nền kinh tế vào sự suy giảm đầu tiên được ghi nhận trong quý I/2020. Doanh số bán lẻ giảm 15,8% trong tháng 3, kéo dài sự suy giảm được ghi nhận trong 2 tháng đầu năm. Cụ thể, chi tiêu cho dầu ăn, gạo, mì gói và ngũ cốc tăng 19,2% trong khi doanh số bán ô tô giảm 18,1% và dịch vụ giảm 46,8%.

Để giúp lĩnh vực bán lẻ, chính quyền địa phương, các công ty và nền tảng thương mại điện tử ở Trung Quốc đã phát hành các phiếu mua sắm.

Thẩm Minh Cao, nhà kinh tế trưởng tại Chứng khoán GF, cho biết như một giải pháp ngắn hạn, chứng từ có thể thúc đẩy người tiêu dùng mua sắm, nhưng không nhất thiết phải chi tiêu lớn. "Nếu giá trị của phiếu giảm giá nhỏ, đừng hi vọng nó sẽ là động lực tiêu thụ lớn", ông nói.

Thay vì tạo ra chi tiêu mới, phiếu giảm giá có thể gây ra lũng đoạn thị trường nếu người tiêu dùng có thể tự do sử dụng phiếu bằng mọi cách. Với phiếu giảm giá, mọi người mua hàng hóa như dầu ăn, gạo, mì gói và kem đánh răng mà hầu như không trả tiền mặt, điều này làm suy yếu kích thích tiêu dùng.

Phát phiếu giảm giá lên đến chục tỉ nhân dân tệ

Trong 2 tháng qua, chính phủ Trùng Khánh, Giang Tô, Quảng Đông và các tỉnh khác đã tung ra các phiếu giảm giá cho người dân địa phương, để chi tiêu trong các nhà hàng và cửa hàng.

Đỗ Ôn Ni, một nhân viên bất động sản 28 tuổi, đã nhận được 5 phiếu mua hàng siêu thị trị giá 33.000 đồng từ thành phố Hàng Châu trong tháng này và sử dụng chúng vào việc mua dầu gội, kem dưỡng tay và kem đánh răng. "Nhiều người đang sử dụng các phiếu giảm giá thay vì trả tiền", cô nói.

Citic Securities đã dự đoán trong một báo cáo vào tháng trước, rằng các phiếu mua hàng trị giá 34,9 tỉ nhân dân tệ sẽ thúc đẩy mức tiêu thụ lên tới 62,9 tỉ nhân dân tệ, tức gấp 1,8 lần giá trị của các phiếu giảm giá.

Văn phòng Thương mại Hàng Châu cho biết thành phố đã cung cấp một khoản trợ cấp trị giá 257 triệu nhân dân tệ vào ngày 10/4, và tin rằng nó đã làm tăng chi tiêu trong thành phố thêm 2,66 tỉ nhân dân tệ.

Đại gia bán lẻ Suning, chuyên bán đồ điện tử, quần áo và cũng điều hành các siêu thị, đã trao phiếu mua hàng hàng trị giá 600 triệu nhân dân tệ vào cuối tháng 3 cho khoảng một triệu người. Kết quả thu về là việc mua ức gà, thịt bò, đồ uống và đồ ăn nhẹ tăng hơn gấp đôi trong một tuần.

Không ‘mua sắm trả thù’, người tiêu dùng Trung Quốc chỉ mua gạo, mì gói sau dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Hàng điện tử, hàng xa xỉ vẫn còn khá ế ẩm hậu đại dịch Covid-19. (Ảnh: Reuters).

Lí Đại Hiếu, nhà kinh tế trưởng tại Yingda Securities, nói rằng ưu tiên kinh tế của Trung Quốc hiện nay là khuyến khích chi tiêu cho thực phẩm và nhu yếu phẩm hàng ngày, trong khi chi tiêu cho các mặt hàng cao cấp như ô tô có thể được cân nhắc trong giai đoạn sau.

Các phiếu giảm giá được ưa chuộng ở Trung Quốc so với việc phát hành tiền mặt như ở Mỹ, vì tỉ lệ tiết kiệm của Trung Quốc rất cao, theo ông Lí. Người dân cần phải tiêu dùng để sử dụng các phiếu giảm giá, vì vậy nó hiệu quả hơn trong việc kích thích nền kinh tế.

Tỉ lệ tiết kiệm của Trung Quốc đã giảm xuống 45%, từ 50% 10 năm trước, nhưng vẫn là mức cao nhất trên toàn thế giới, theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vào tháng 11/2019.

Ở những nơi khác, một số thành phố của Trung Quốc đã khuyến khích kích hoạt chu kì khuyến mãi hai ngày rưỡi cuối tuần (từ chiều thứ 6 đến chủ nhật) để tăng cường tiêu thụ. Chính quyền yêu cầu các quan chức làm gương, bằng cách chi tiêu cho thực phẩm và mua sắm, và khuyến khích bạn bè và gia đình của họ làm điều tương tự.

Người Trung Quốc không "mua sắm trả thù"

Bloomberg nhận định: "Người tiêu dùng cao cấp của Trung Quốc sẽ không 'mua sắm trả thù' tràn lan. Họ chỉ mang mối tình của họ với các thương hiệu xa xỉ thể hiện ngay tại sân nhà".

"Mua sắm trà thù" là thuật ngữ dùng để mô tả hành vi mua sắm của khách hàng xa xỉ có túi tiền sau nhiều tuần bị cấm cửa. Trước đây, "mua sắm trả thù" được đặt ra để mô tả nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc bị dồn nén vào những năm 1980, sau sự hỗn loạn và bất ổn của Cách mạng văn hóa.

Trước đó, một sự đột biến trong doanh số bán hàng Trung Quốc của các cửa hàng được điều hành bởi những ông lớn như LVMH và Hermes International, đã thúc đẩy sự lạc quan rằng nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng xa xỉ sẽ trở lại. 

Thật không may, có vẻ như người tiêu dùng Trung Quốc chỉ muốn mua túi xách cá sấu và đồng hồ kim cương ở trong nước, thay vì ở Hong Kong, Paris hay Milan. Không mua sắm xa xỉ ở nước ngoài đã là xu hướng trước khi có đại dịch vì các chính sách thuế suất.

Không ‘mua sắm trả thù’, người tiêu dùng Trung Quốc chỉ mua gạo, mì gói sau dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Người Trung Quốc đang ưu tiên mua hàng xa xỉ nội địa ngay cả trước đại dịch. (Ảnh: Bloomberg).

Bắc Kinh đã khuyến khích người tiêu dùng trong nước, chiếm khoảng 1/3 doanh số bán hàng xa xỉ toàn cầu năm ngoái, để chi tiêu nhiều tiền hơn ngay trong nội địa. Khoảng cách giữa giá hàng hóa cao cấp trong và ngoài nước đã giảm xuống 15% vào năm ngoái so với khoảng 30% vào 3 năm trước, sau một loạt cắt giảm thuế bán hàng xa xỉ của Trung Quốc.

Các cuộc biểu tình năm ngoái tại Hong Kong, một điểm dừng chân yêu thích của người mua các sản phẩm cao cấp của Trung Quốc đại lục, cũng giúp thúc đẩy doanh số bán hàng trong nước.

Tất cả điều này cho thấy rằng sự bứt phá trong doanh số bán hàng xa xỉ tại Trung Quốc sẽ không giải cứu cả lĩnh vực này trên toàn cầu. Hơn 90% doanh số bán hàng diễn ra trong các cửa hàng ngoài đời thực. Điều dễ hiểu vì nếu bạn sẽ chi hàng ngàn USD cho một mặt hàng thủ công, bạn sẽ muốn chạm vào nó, thay vì chỉ nhấp vào nút trên trang web thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, người mua sắm Trung Quốc vẫn lo lắng về công việc của họ và mối nguy cắt giảm lương. Hầu hết mọi người không có kế hoạch tăng chi tiêu cho hàng hóa cao cấp, theo khảo sát của Morgan Stanley. Khảo sát này cũng cho thấy mức tăng trưởng được báo cáo bởi LVMH, Hermes và L'Oreal SA có thể nhanh chóng mờ dần.

Không ‘mua sắm trả thù’, người tiêu dùng Trung Quốc chỉ mua gạo, mì gói sau dịch Covid-19 - Ảnh 4.

Nhóm bị thay đổi thu nhập tuyệt nhiên nói không với hàng xa xỉ. (Đồ hoạ: Bloomberg. Việt hoá: Tất Đạt).

Trong số 2.000 người tiêu dùng được khảo sát, 29% cho biết họ sẽ chi tiêu ít hơn cho hàng hóa xa xỉ vào tháng tới so với tháng này, trong khi 40% cho biết họ sẽ chi nhiều hơn cho cửa hàng tạp hóa. Cuộc khảo sát bao gồm những người dân thành phố từ 18 đến 49 tuổi ở 19 tỉnh khắp Trung Quốc.

Ông Lucia Lí, thuộc công ty tư vấn Bain & Co, đã chia các sản phẩm tiêu dùng Trung Quốc thành 6 loại về việc hưởng lợi từ Covid-19. Theo đó, nhóm chăm sóc sức khỏe kĩ thuật số đứng đầu xếp hạng, còn các nhà bán lẻ truyền thống lại phải xếp cuối. Bảng xếp hạng đặt hàng hóa xa xỉ trong khung giữa, cùng với rượu và đồ gia dụng.