Trung Quốc chật vật phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 bằng tiêu dùng nội địa, khi người dân còn chưa dám ra khỏi nhà

Tiêu thụ nội địa đóng góp gần 60% tăng trưởng của Trung Quốc vào năm ngoái. Quý I năm nay, tăng trưởng kinh tế giảm 6,8% so với cùng kì năm ngoái. Trong lúc này, việc vực dậy nền kinh tế của Trung Quốc là điều khó khăn hơn bao giờ hết.
 - Ảnh 1.

Một người phụ nữ đeo khẩu trang đang làm sạch lối vào tại một cửa hàng ở Bắc Kinh vào ngày 17/4. Sự bùng phát của dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến cầu nội địa của Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Vào cuối năm ngoái, anh Li Yi đã sử dụng một khoản tiền tiết kiệm lớn của mình để mở cơ sở kinh doanh B&B (bed-and-breakfast), có hướng nhìn ra sông Dương Tử tại quê nhà Trùng Khánh ở Tây Nam Trung Quốc. Tuy nhiên chỉ hai tuần sau đó, công việc kinh doanh của Li đã bị ngưng trệ, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Sau khi dịch bệnh tạm lắng xuống, Li đã rất phấn khích vì có thể bắt đầu lại công việc kinh doanh của mình vào tháng 4, nhưng anh sớm nhận ra một thách thức lớn khác ở phía trước. "Tôi biết rằng nhu cầu của khách hàng có vẻ không mấy khả quan, nhưng cũng không ngờ rằng nó lại tệ hơn tôi nghĩ", Li nói. 

Trong hai tuần đầu tiên của tháng này, chỉ có hai trong số 11 phòng được đặt, ngay cả khi Li đã đưa ra mức giảm giá là 70%. Trước cuộc khủng hoảng Covid-19, tất cả các phòng nghỉ của anh đều được khách đặt hết.

Người đàn ông 38 tuổi than thở: "Người dân Trung Quốc vẫn sợ đi ra ngoài, nhưng tôi vẫn tin rằng họ sẽ trở lại đi du lịch vào năm tới trong điều kiện tốt nhất".

Những người chủ nhà nghỉ như Li đã cố gắng duy trì việc kinh doanh, bằng cách cắt giảm lương và sa thải công nhân, nhưng các nhà kinh tế lo ngại biện pháp tự cứu chữa đó sẽ tạo ra một vòng luẩn quẩn: Khi công nhân Trung Quốc được trả lương ít hơn, họ sẽ chi tiêu ít hơn. Vì thế sẽ có ít triển vọng đối với các nhà bán lẻ, khách sạn và các ngành công nghiệp khác.

Trung Quốc hi vọng sẽ phục hồi nền kinh tế bằng cầu nội địa, đây được coi là một phần quan trọng khi chính phủ nước này đang cố gắng tái cân bằng nền kinh tế. Tiêu thụ nội địa đóng góp gần 60% tăng trưởng của Trung Quốc trong năm ngoái, khi việc đầu tư và xuất khẩu bị thụt lùi.

Dữ liệu vào thứ Sáu tiết lộ rằng trong quý đầu tiên của năm nay, sản lượng kinh tế của Trung Quốc giảm 6,8% so với cùng kì năm ngoái, đây là mức tăng trưởng âm đầu tiên trong gần ba thập kỉ. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đổ lỗi cho việc phong tỏa kéo dài hàng tháng, để ngăn chặn sự lây lan của virus và nói rằng sự phục hồi đang diễn ra.

Nhưng với những tuần hoạt động kinh tế bị ngưng trệ, cùng với các khoản chi bổ sung cần thiết để khởi động lại sản xuất đã giết chết nhiều công ty thiếu tiền mặt. Việc mất việc làm, cắt giảm thu nhập và những lo lắng về triển vọng kinh tế mờ mịt, đang tạo ra những điểm yếu về nhu cầu tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ Trung Quốc, khiến nhiều người lo ngại sự suy thoái có thể kéo dài lâu hơn.

Bruce Pang, người đứng đầu nghiên cứu vĩ mô và chiến lược tại China Renaissance Securities, Hong Kong, cho biết: "Trung Quốc hiện phụ thuộc nhiều hơn vào nhu cầu nội địa và tiêu dùng hộ gia đình, trụ cột mới này của nền kinh tế đã bị ảnh hưởng nặng nề giữa đại dịch Covid-19".

 - Ảnh 2.

Ngân hàng Natixis tại Hong Kong cho biết: "Làn sóng lây nhiễm Covid-19 tồi tệ nhất ở Trung Quốc có thể đã đi qua, nhưng nền kinh tế vẫn sẽ chịu áp lực về việc khởi động lại nhu cầu tiêu dùng, vì sẽ cần tăng trưởng tích cực trong thu nhập khả dụng".

Jay Chan, một nha sĩ ở thành phố Đông Quan phía Nam Trung Quốc, hiểu rõ điều này hơn cả. Số bệnh nhân đã giảm hơn 70% kể từ khi phòng khám của anh được phép mở cửa trở lại vào tháng 4. 

"Khách hàng không muốn đến trừ khi đó là việc khẩn cấp. Chúng tôi đang tiêu tốn tiền mỗi ngày", Chan nói. Sự phục hồi chậm hơn dự kiến đã buộc anh phải cắt giảm ba trong số 8 nhân viên y tá.

Ye Zhenqing, một chủ nhà máy ở Ôn Châu miền Đông Trung Quốc, sản xuất và xuất khẩu kính râm sang thị trường châu Âu và Mỹ, cũng đang trăn trở khi gần hai phần ba lượng đơn đặt hàng của mình bị hủy bỏ trong đại dịch. Ye đã cho tất cả 100 nhân viên giảm 30% tiền lương, chỉ làm việc nửa ngày, và trả tiền bồi thường cho 10 người đồng ý nghỉ việc. "Tôi sẽ giữ cho nhà máy hoạt động cho đến tháng 7. Nếu sau đó tình hình không cải thiện, tôi sẽ phải đóng cửa nhà máy trong ba tháng tới", Ye nói.

Zhou Dewen, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Ôn Châu, ước tính  một trong 5 nhà máy định hướng xuất khẩu trong thành phố đã bị phá sản hoặc bị ngưng trệ sản xuất. 

"Việc đóng cửa kinh doanh có thể sẽ còn tồi tệ hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008", Zhou nói. Ông dự đoán rằng nhiều công ty đã ngưng hoạt động có thể sẽ không bao giờ trở lại thị trường.

Tất cả điều này đã gây thiệt hại cho thị trường việc làm của Trung Quốc. 

Vào tháng 3, Cục Thống kê Trung Quốc đã báo cáo tỉ lệ thất nghiệp là 5,9%, so với tháng trước con số này có vẻ khả quan, nhưng vẫn được đánh giá là xấu kể từ cuộc khảo sát năm 2018.

 - Ảnh 3.

Bên cạnh đó, vẫn có những người khá may mắn khi giữ được công việc của họ mặc dù bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng Covid-19. Xiao Yu, một doanh nhân sở hữu 4 nhà hàng ở Trùng Khánh, đã không sa thải bất kì nhân viên nào trong số 80 nhân viên, mà chỉ yêu cầu tất cả giảm lương tới 50%.

"Chúng tôi không có lựa chọn nào khác", Xiao nói. "Mặc dù chúng tôi đã mở cửa trở lại nhà hàng vào đầu tháng này, nhưng có rất ít thực khách đến. Khối lượng giao dịch chỉ bằng một nửa so với trước đây, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng duy trì nhà hàng".

Với nhiều công ty Trung Quốc cả lớn và nhỏ thực hiện các biện pháp tương tự, các nhà kinh tế dự báo một bức tranh ảm đạm cho những tháng tới. Pang tại China Renaissance Securities cho biết: "Khoản nợ hộ gia đình của Trung Quốc đã tăng lên trong những năm gần đây. Với một tương lai không chắc chắn phía trước, người tiêu dùng có thể bị hạn chế hơn trong chi tiêu, đó là một vấn đề đối với các công ty Trung Quốc".

Mark Williams, Trưởng ban kinh tế châu Á tại công ty thu thập tin tức thị trường Capital Economics ở London, cho biết sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc đã có dấu hiệu bị đình trệ, vì nhu cầu thấp từ người tiêu dùng và từ chính việc cắt giảm tiền lương và cho nhân viên nghỉ việc của các công ty.

 - Ảnh 4.

Để khởi động lại nhu cầu trong nước, các cơ quan chính quyềncác thành phố từ Trường Xuân ở phía Bắc cho tới Quảng Châu ở phía Nam, đã cung cấp các phiếu mua hàng trị giá 5 tỉ nhân dân tệ (~704 triệu đô la) để khuyến khích mua sắm, ăn uống và đi du lịch. Vào tháng 3, doanh số bán lẻ của Trung Quốc đã giảm gần 16% so với năm ngoái, với doanh số bán hàng giảm 12% và doanh thu từ các nhà hàng gần như giảm một nửa.

Pang vẫn tỏ ra nghi ngờ về tính hiệu quả của các phiếu mua hàng này. "Nó sẽ giúp thúc đẩy tiêu thụ, nhưng có thể không đủ để xoay chuyển tình thế. Rốt cuộc, nhiều người vẫn không cảm thấy an toàn khi ra ngoài. Tiết kiệm tiền hoặc bảo vệ mạng sống của mình, cái nào quan trọng hơn?".

Li, chủ sở hữu B&B ở Trùng Khánh, cũng lo lắng không kém. Anh đã bỏ lỡ dịp nghỉ Tết Nguyên đán của Trung Quốc, theo lệ thường kinh doanh vào những ngày này sẽ chiếm một phần tư doanh thu hàng năm trong lĩnh vực khách sạn. Với khả năng phục hồi chậm chạp, Li cho biết anh đã bắt đầu cắt giảm chi tiêu của chính mình, cắt bỏ các chuyến đi tới nhà hàng và rạp chiếu phim hàng tuần. 

"Một số người tin rằng nhu cầu tiêu dùng sẽ eo hẹp lại trong kỉ nguyên hậu Covid-19, nhưng tôi lại không nghĩ như vậy. Chẳng qua ở thời điểm hiện tại, mọi người đang vật lộn với khó khăn, vậy làm gì có ai đem tiền ra để chi tiêu?".

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.