Doanh nghiệp Trung Quốc không thể tái sản xuất vì thiếu các kĩ sư đến từ Nhật Bản và Mỹ

Các biện pháp hạn chế đi lại đã khiến công ty công nghệ của Trung Quốc không thể đưa các cố vấn nước ngoài quay trở lại.

Ngay cả khi một số địa phương đã dỡ lệnh phong toả, thì các nhà sản xuất linh kiện điện tử vẫn đang đứng trước tình trạng thiếu hụt nguồn lực quan trọng để mở rộng sản xuất, đó là những chuyên gia, cố vấn quốc tế - những người chưa thể nhập cảnh vào Trung Quốc.

Các kĩ sư từ Nhật, Mỹ và các nước khác đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng và triển khai dây chuyền tại các nhà máy mới. Tuy nhiên, việc hạn chế di chuyển đã trở thành một trở ngại, khiến họ chưa thể ngay lập tức quay trở lại Trung Quốc.

Việc thiếu vắng cố vấn nước ngoài đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc lắp ráp các thiết bị điện tử tiêu dùng ở Trung Quốc. Và hơn thế nữa, điều này còn gây rủi ro cho các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Trung Quốc như Apple, Nikon,… bởi vai trò quan trọng của nước này trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Doanh nghiệp Trung Quốc gặp khó vì vắng nhân tài nước ngoài

Doanh nghiệp Trung Quốc không thể tái sản xuất vì thiếu các kĩ sư đến từ Nhật Bản và Mỹ - Ảnh 1.

Một kĩ sư kiểm tra ăng-ten tại một nhà máy của Tập đoàn FiberHome Technologies ở Vũ Hán trước khi dịch coronavirus bùng phát. (Ảnh: Reuters).

Hồi đầu tháng này, trong khi cư dân thành phố Vũ Hán ăn mừng vì lệnh phong toả được dỡ bỏ sau 76 ngày, thì một công ty công nghệ lớn có nhà máy đặt tại Vũ Hán lại phải đối mặt với một gánh nặng khác, và một tương lai không mấy sáng sủa.

Đó là BOE Technology Group, Tập đoàn sản xuất màn hình LCD hàng đầu của Trung Quốc. Tập đoàn này đã phải huỷ bỏ kế hoạch mở rộng nhà máy tiên tiến của mình tại Vũ Hán, bởi các cố vấn công nghệ Nhật Bản đã không thể trở lại vì đại dịch. Không có các cố vấn Nhật Bản, nhà máy không thể vận hành các trang thiết bị máy móc mới nhất của mình.

BOE chiếm 1/5 thị trường toàn cầu về màn hình LCD cho TV. Vào cuối năm nay, dự kiến nhà máy tại Vũ Hán sẽ có khả năng xử lí khoảng 90.000 chất nền thuỷ tinh mỗi tháng. Nhưng với việc giới chức Trung Quốc cấm hầu hết người nước ngoài nhập cảnh vào nước này, bắt đầu từ cuối tháng 3, ngay cả những người vẫn còn hạn thị thực, thì chưa biết đến khi nào các kĩ thuật viên Nhật Bản mới có thể trở lại làm việc.

Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử đòi hỏi độ chính xác nghiêm ngặt, cần những kĩ sư chuyên ngành thiết đặt xây dựng. Các máy móc trang thiết bị được BOE nhập khẩu và đặt tại Vũ Hán, nhưng công việc thiết lập thì đã bị đình trệ.

Doanh nghiệp Trung Quốc không thể tái sản xuất vì thiếu các kĩ sư đến từ Nhật Bản và Mỹ - Ảnh 2.

Một màn hình linh hoạt được phát triển bởi BOE của Trung Quốc. Công ty đặt mục tiêu mở rộng sản xuất, nhưng với các kĩ thuật viên nước ngoài không thể có mặt để triển khai máy móc, nên kế hoạch đó sẽ bị trì hoãn. (Ảnh: BOE).

"Nếu tình hình tiếp tục diễn biến như vậy, năng lực sản xuất của nhà máy trong năm nay sẽ giảm khoảng 2/3 so với kế hoạch ban đầu", theo Yoshio Tamura, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường của Display Supply Chain Consulting.

BOE không phải là nhà sản xuất duy nhất cảm thấy tác động của việc hạn chế đi lại. Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc trong tháng trước đã mở một nhà máy chip nhớ mới ở Tây An, Trung Quốc, và là nhà máy thứ hai của gã khổng lồ xứ kim chi trong thành phố này. Các kĩ thuật viên Nhật Bản được cho sẽ là người giúp cài đặt các thiết bị. Nhưng hạn chế đi lại của Trung Quốc và Nhật Bản đã khiến họ không thể tái khởi động sản xuất.

Tập đoàn ASML có trụ sở tại Hà Lan, là nhà sản xuất hệ thống khắc bán dẫn lớn nhất thế giới, đã thông báo các chuyến hàng sẽ bị trì hoãn, do các hạn chế đi lại, và vấn đề hậu cần bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid - 19.

Nhà sản xuất chip Trung Quốc Tsinghua Unigroup, cũng đã ngừng mở rộng nhà máy của mình tại Vũ Hán vì lí do tương tự.

Việc tắc nghẽn lao động kĩ thuật trình độ cao cuối cùng đã tác động tới sản xuất điện tử tiêu dùng. Một số model trong dòng máy tính xách tay Let Note của Panasonic đã hết hàng và không thể tiếp tục sản xuất, vì khó nhập khẩu linh kiện ở Trung Quốc.

Nikon cũng hoãn ra mắt máy ảnh D6 cao cấp, dự kiến trình làng trong tháng 3 cũng vì lí do đó.

Các sản phẩm công nghệ được lắp ráp bên ngoài Trung Quốc , nhưng nhiều bộ phận linh kiện phải phụ thuộc vào quốc gia này. Điều đó khiến các nhà sản xuất trên toàn cầu không khỏi lo lắng khi chuỗi cung ứng có vấn đề.

Theo ước tính, sự chậm trễ trong việc xây dựng các nhà máy chế tạo màn hình LCD mới sẽ làm giảm 4% lượng TV sản xuất trên toàn cầu trong năm nay.

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.