Hàng hóa đang bị tắc nghẽn ở Trung Quốc vì virus corona, chuỗi cung ứng toàn cầu nguy cơ bị phá vỡ

Virus corona đang làm gián đoạn vận chuyển toàn cầu, hàng nghìn tấn hàng hoá bị mắc kẹt ở Trung Quốc.

Các công ty vận chuyển hàng hoá từ Trung Quốc đến phần còn lại của thế giới cho biết nhiều biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh do virus corona đã khiến họ buộc phải cắt giảm số lượng tàu biển hoạt động. 

Theo CNN Business, điều này đe doạ sẽ phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Nguy cơ chuỗi cung ứng toàn cầu bị phá vỡ vì virus corona

Hiện khoảng 80% giao dịch hàng hoá trên thế giới được vận chuyển bằng đường biển, theo khối lượng. Và Trung Quốc là nơi có 7/10 cảng container bận rộn nhất trên thế giới. Ngoài ra, Singapore và Hàn Quốc gần đó cũng đều có một cảng lớn. 

Nhà phân tích Peter Sand tại Hiệp hội vận tải quốc tế, cho biết: “Việc Trung Quốc - trung tâm sản xuất của thế giới ‘bế quan toả cảng’ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng của châu Á nói riêng và toàn cầu nói chung”. 

“Nhiều ngành công nghiệp sẽ bị ảnh hưởng bởi những hạn chế đối với việc vận chuyển hàng hoá bằng container”, nhà phân tích nói.

Huyết mạch của thương mại toàn cầu đang bị tắc nghẽn ở Trung Quốc - Ảnh 1.

Nhiều ngành công nghiệp sẽ bị ảnh hưởng bởi những hạn chế đối với việc vận chuyển hàng hoá bằng container. (Ảnh: Bloomberg).

Tất cả mọi thứ từ ô tô, máy móc đến quần áo thời trang, và các mặt hàng tiêu dùng đều được vận chuyển bằng container qua các cảng biển. Dòng chảy này sẽ bị gián đoạn khi Trung Quốc cố gắng tìm cách ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, bằng cách buộc các nhà máy đóng cửa và công nhân phải ở nhà. 

Cuộc khủng hoảng dịch bệnh càng kéo dài, hàng hoá sẽ càng bị tồn đọng vì không được luân chuyển trên thế giới. 

Bệnh dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới đã giết chết hơn 560 người và khiến 28.000 người bị lây nhiễm, chủ yếu ở Trung Quốc. 

Hãng sản xuất ô tô Hyundai đã phải tạm dừng các hoạt động sản xuất tại nhà máy của họ ở Hà Quốc, vì thiếu linh kiện và các nguồn cung ứng bị ngừng trệ. 

Hàng nghìn tấn hàng hoá bị mắc kẹt trên các cảng biển

Việc đóng cửa cảng biển không có nghĩa là cấm hoàn toàn các tàu biển không được cập cảng Trung Quốc. Tuy nhiên việc tháo dỡ, vận chuyển hàng hoá sẽ bị chậm lại - theo Guy Platten, Tổng thư kí của Văn phòng Vận tải quốc tế cho biết. 

“Một số tàu thuyền bị mắc kẹt ở bên trong bến cảng, chờ công nhân quay trở lại làm việc”, Guy Platten nói thêm.

Huyết mạch của thương mại toàn cầu đang bị tắc nghẽn ở Trung Quốc - Ảnh 2.

Hàng nghìn tấn hàng hoá bị mắc kẹt trên các cảng biển. (Ảnh: CNN).

Tại các cảng biển khác trên thế giới, nhiều tàu hàng Trung Quốc đang bị cách li như một ốc đảo. Cả Austraylia và Singapore đều không cho phép những con tàu hàng đến từ Trung Quốc cập cảng, nếu như chưa xác minh rõ các thuỷ thủ trên tàu có bị nhiễm virus corona hay không. 

Guy Platten nói rằng anh biết ít nhất một thuỷ thủ đoàn đang cạn kiệt lương thực và nước uống, bởi tàu của họ bị “giam lỏng” quá lâu. 

Các công ty vận tải lớn như Maersk, MSC Địa Trung Hải, Hapag-Lloyd và CMA-CGM, cho biết họ đã giảm số lượng tàu hoạt động trên các tuyến nối Trung Quốc và Hong Kong với Ấn Độ, Canada, Mỹ và Tây Phi.

Công ty logistics Freightos gửi thông báo đến khách hàng về sự chậm chễ trong việc vận chuyển hàng hoá ra khỏi Trung Quốc. Công ty cũng đang lên kế hoạch vận chuyển bằng đường hàng không, hoặc tìm nguồn cung ứng hàng hoá thay thế từ các quốc gia khác, nếu có thể. 

“Tình trạng tồn đọng hàng hoá thường xảy ra sau kì nghỉ Tết Nguyên đán của Trung Quốc sẽ càng trở nên tồi tệ hơn, bởi dịch bệnh. Điều này sẽ đẩy giá cước vận tải biển tăng cao”, CEO Freightos nói.

Vận chuyển bằng hàng không cũng bị ảnh hưởng bởi virus corona

Huyết mạch của thương mại toàn cầu đang bị tắc nghẽn ở Trung Quốc - Ảnh 3.

Vận chuyển bằng hàng không cũng bị ảnh hưởng bởi virus corona. (Ảnh: Air Delivery).

Theo thông báo trên trang web của IAG Cargo, một công ty con chuyên cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hoá của hãng hàng không British Airways, cho biết công ty đã huỷ tất cả các chuyến bay đến và đi Trung Quốc đại lục, ít nhất đến hết tháng này. 

Tập đoàn logistics DHL của Đức cũng nói rằng các lô hàng vận chuyển bằng đường hàng không sẽ bị gián đoạn nghiêm trọng, cả trong và ngoài nước Đức. 

Việc ngừng các chuyến bay đến Trung Quốc có thể tác động lớn tới chuỗi cung ứng và sản xuất công nghiệp đối với các ngành như ô tô, dược phẩm, y tế, và sản xuất công nghệ cao. 

DHL đã ngừng việc vận chuyển hàng hoá đến tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Nhưng cho biết chưa có kế hoạch tương tự với các địa phương khác ở Trung Quốc.

Hai công ty vận chuyển khác là UPS và FedEx Express thì tái khẳng định sẽ tiếp tục duy trì các chuyến hàng đi và đến Trung Quốc. Tuy nhiên, UPS cũng cho biết nhu cầu dịch vụ đã giảm đáng kể, do kết quả của việc các cửa hàng kinh doanh phải đóng cửa ở đại lục.