Sẽ tính toán gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, nông dân trồng thanh long, dưa hấu… bị ảnh hưởng bởi dịch virus corona

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sau khi dịch do virus corona được kiểm soát, sẽ kiến nghị gói giải pháp nhằm khắc phục thiệt hại của doanh nghiệp, người dân. Lãnh đạo Bộ nhấn mạnh, trước mắt đối tượng đang chịu thiệt hại nặng nề nhất là nông dân trồng thanh long, dưa hấu…

Tại buổi họp báo thường kì Chính phủ tháng 1/2020, diễn ra chiều qua, 5/2, các vấn đề vĩ mô liên quan kịch bản phát triển kinh tế - xã hội trong năm nay, cũng như việc hỗ trợ nền kinh tế, tránh tác động từ dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV), nhận được nhiều sự quan tâm.

Trả lời các vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng tốc độ tăng trưởng có thể sẽ thấp hơn so với kế hoạch. Bộ đã tính toán đến phương án đưa ra các gói hỗ trợ vì dịch cúm nCoV.

Mức độ ảnh hưởng của dịch nCoV là rất nghiêm trọng

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, kịch bản tăng trưởng GDP là kịch bản dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế theo quý, 6 tháng đầu năm, 6 tháng cuối năm. 

Trong trường hợp các điều kiện tốt hơn thì tốc độ tăng trưởng cao hơn, ngược lại, nếu có tác động tiêu cực thì tốc độ tăng trưởng có thể sẽ thấp hơn so với kế hoạch. 

Sẽ tính toán gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, nông dân trồng thanh long, dưa hấu… bị ảnh hưởng bởi dịch virus corona - Ảnh 1.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết mức độ ảnh hưởng của dịch nCoV là rất nghiêm trọng. (Ảnh: Zing).

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết tùy các cấp độ cập nhật sẽ tham mưu, kiến nghị với Chính phủ và Thủ tướng những giải pháp thích hợp theo từng điều kiện, cố gắng phấn đấu thực hiện được kịch bản đã đề ra.

Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chuẩn bị và phối hợp với các bộ, ngành tổng hợp thông tin, số liệu để xây dựng báo cáo đánh giá tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp tới tăng trưởng kinh tế. Dựa trên cơ sở dữ liệu của tháng 1 để tính toán mức độ tác động đối với tăng trưởng kinh tế. 

Theo số liệu tổng hợp được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán, mức độ ảnh hưởng của dịch nCoV là rất nghiêm trọng. 

Nếu dịch được kiểm soát trong quý I thì tăng trưởng cả năm có thể chỉ còn 6,27%. Nếu dịch kéo dài và được kiểm soát trong quý II, nguy cơ giảm tăng trưởng chỉ còn 6,09%. 

"Đây chỉ là con số chúng tôi ước tính. Còn thực tế tuỳ thuộc vào dịch được kiểm soát ở thời điểm nào cũng như những chính sách, tác động, sự điều hành của Chính phủ đối với nền kinh tế. Đây cũng là phương án để theo dõi", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Tính toán gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, nông dân trồng thanh long, dưa hấu…

Liên quan các gói hỗ trợ cho những ngành, lĩnh vực chịu rủi ro từ dịch nCoV, Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định đây là một trong những chính sách để khắc phục tác động của dịch cúm đến tăng trưởng. 

Ông nêu rõ quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thứ nhất, trong bối cảnh dịch đang diễn ra nên tập trung ưu tiên vào các giải pháp phòng, chống dịch, kiểm soát dịch, vì đây là thời điểm cần dành sức lực, nguồn lực kiểm soát dịch. 

Sẽ tính toán gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, nông dân trồng thanh long, dưa hấu… bị ảnh hưởng bởi dịch virus corona - Ảnh 2.

Sẽ tính toán gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, nông dân trồng thanh long, dưa hấu… (Ảnh: Zing).

Thứ hai, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ kiến nghị gói giải pháp nhằm khắc phục thiệt hại, cũng như phục hồi sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng kinh tế.

"Các gói hỗ trợ cũng là những phương án cần phải tính đến. Tuy nhiên, còn tùy thuộc vào một số yếu tố, như nguồn lực chúng ta có bao nhiêu và chúng ta hỗ trợ đối tượng nào, đây là giải pháp cũng cần tính", Thứ trưởng nói.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhấn mạnh trước mắt, một số đối tượng đang chịu thiệt hại nặng nề nhất từ dịch nCoV là nông dân trồng thanh long, dưa hấu… 

Do vậy, cũng giống như hỗ trợ đối với dịch tả heo châu Phi, đối tượng hỗ trợ như thế nào, mức độ hỗ trợ bao nhiêu và phương thức hỗ trợ như thế nào đều cần có những tính toán cụ thể. 

Thứ trưởng tái khẳng định quan điểm đây là những việc Bộ sẽ làm, dự kiến trong gói giải pháp sau khi dịch bệnh đi qua và khẩn trương phục hồi sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra còn một số giải pháp khác, trong đó có giải pháp như Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Các địa phương cũng cần khẩn trương hoàn thành các thủ tục đưa các dự án chuẩn bị cấp phép, các dự án mới sớm đi vào hoạt động để thúc đẩy tăng trưởng.