Chủ tịch VCCI: Mở cửa sớm thị trường sẽ giúp doanh nghiệp tái khởi động thậm chí còn cấp thiết hơn các 'máy trợ thở' tài chính

Chủ tịch VCCI cho rằng cộng đồng doanh nghiệp mong sớm được nới lỏng, tiến tới dỡ bỏ các biện pháp cách li, nhưng vẫn đảm bảo các điều kiện kinh doanh an toàn để giải cứu các doanh nghiệp đang gặp khó hiện nay.

Doanh nghiệp mong sớm được nới lỏng, phát triển thị trường nội địa

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - ông Vũ Tiến Lộc, vừa có trao đổi về các giải pháp để phục hồi nền kinh tế trong tình hình dịch Covid-19 đang từng bước được kiểm soát, so với giai đoạn dịch diễn biến phức tạp trước đây.

Ông Lộc cho rằng trong điều kiện chưa thể phục hồi thị trường quốc tế, do nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh còn diễn biến phức tạp ở nhiều nơi, thì gói kích thích kinh tế lớn nhất và có hiệu quả nhất lúc này là mở cửa lại thị trường nội địa, để cứu doanh nghiệp, cứu nền kinh tế.

Kiến nghị sớm nới lỏng, dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội để giải cứu doanh nghiệp - Ảnh 1.

Ông Vũ Tiến Lộc kiến nghị sớm nới lỏng, dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội để giải cứu doanh nghiệp. (Ảnh: VCCI).

Theo Chủ tịch VCCI, hiện các nhà máy sản xuất đã được tiếp tục, công trường đã mở cửa trở lại nhưng nếu lưu thông hàng hóa vẫn bị hạn chế, các cửa hàng không được mở, giao thông vận tải vẫn ách tắc, thì chuỗi cung ứng vẫn bị đứt đoạn, nền kinh tế vẫn trì trệ.

Ông cho rằng chi phí cơ hội của việc thực hiện cách li xã hội là rất lớn, và hậu quả mà nền kinh tế phải gánh chịu là rất nặng nề. Hiện rất nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã phải đóng cửa, giải thể hay thu hẹp quy mô sản xuất.

Báo cáo của VCCI cho biết khoảng 50% doanh nghiệp sẽ khó có thể tiếp tục trụ vững sau nửa năm nữa, nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và các biện pháp cách li không được dỡ bỏ hợp lí kịp thời.

Do đó, cộng đồng doanh nghiệp mong sớm nới lỏng, tiến tới dỡ bỏ các biện pháp cách li những vẫn đảm bảo các điều kiện kinh doanh an toàn.

Ông Vũ Tiến Lộc đề nghị xem xét, từng bước cho phép các cửa hàng, cửa hiệu được mở lại, phần lớn các hoạt động dịch vụ được khôi phục, du lịch nội địa được tiếp nối, giao thông nội địa được thông suốt, các đường bay nội địa được hoạt động trở lại rộng khắp hơn, trên cơ sở bảo đảm các điều kiện giãn cách xã hội theo quy định của ngành y tế, như thường xuyên khử khuẩn, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn…

"Dòng chảy kinh doanh cần được khai thông khẩn trương hơn, trên phạm vi và diện bao phủ rộng lớn hơn". Ông Vũ Tiến Lộc phân tích và cho rằng song song đó cần có một cuộc vận động sâu rộng những tháng cao điểm "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", để tận dụng thị trường sân nhà 100 triệu dân.

Theo Chủ tịch VCCI,  mở cửa sớm thị trường, trước hết là thị trường trong nước đang được kiểm soát tốt như hiện nay, sẽ giúp cho các doanh nghiệp thực hiện tái khởi động thậm chí còn cấp thiết hơn các "máy trợ thở" tài chính.

TP HCM, Hà Nội cũng muốn được giảm giãn cách xã hội

Không riêng cộng đồng doanh nghiệp, nhiều tỉnh, thành trong nước, đặc biệt Hà Nội và TP HCM cũng kiến nghị được nới lỏng việc giãn cách xã hội sau ngày 22/4, để tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh quay lại bình thường nhưng vẫn đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch.

Kiến nghị sớm nới lỏng, dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội để giải cứu doanh nghiệp - Ảnh 2.

TP HCM muốn nới lỏng giãn cách xã hội sau ngày 22/4 để khôi phục dần các hoạt động kinh tế. (Ảnh: Phúc Minh).

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Thường trực chiều 20/4, nếu đến ngày 22/4, trên địa bàn không xuất hiện ca nhiễm mới, dịch bệnh vẫn được kiểm soát, thì kiến nghị Hà Nội được ra khỏi nhóm các tỉnh, thành có nguy cơ cao, giảm mức độ giãn cách xã hội, thực hiện theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng.

Theo lãnh đạo UBND TP Hà Nội, cơ sở để thành phố đưa ra kiến nghị này là thời gian qua, nhiều dấu hiệu đã cho thấy tình hình kiểm soát dịch bệnh trên toàn thành phố đã tốt dần lên.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cũng kiến nghị Thủ tướng sau ngày 22/4, thực hiện từng bước nới lỏng các biện pháp giãn cách. TP HCM kiến nghị ban hành một Chỉ thị mới với tinh thần mọi hoạt động phải có quy định an toàn phòng chống dịch. 

Ví dụ quy chế doanh nghiệp an toàn dịch; trường học an toàn dịch; đeo khẩu trang, rửa tay, khoảng cách, quy mô hoạt động của người dân và những cam kết hoạt động đi lại. Đồng thời cần tái lập lại tình trạng bình thường mới.

Theo người đứng đầu chính quyền thành phố, TP HCM đang chuẩn bị sẵn mọi điều kiện để đẩy mạnh việc phát triển kinh tế khi hết cách li xã hội, nhằm thực hiện mục tiêu kép. Trước hết, mở dần một số hoạt động thiết yếu, ít nguy cơ lây nhiễm gắn với bộ tiêu chí kiểm soát dịch bệnh trong từng ngành, lĩnh vực.

Thủ tướng: Từng bước nới lỏng, khôi phục kinh tế xã hội

Ngày mai, 22/4, Chính phủ sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc thực hiện giãn cách xã hội tại các địa phương, sau 2 tuần thực hiện cách li xã hội trên cả nước và 1 tuần thực hiện giãn cách dựa vào phân chia theo nhóm nguy cơ tại các địa phương.

Kiến nghị sớm nới lỏng, dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội để giải cứu doanh nghiệp - Ảnh 3.

Thủ tướng cho biết sẽ xem xét điều chỉnh các nhóm nguy cơ của từng địa phương. (Ảnh: Phúc Minh).

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 vào chiều 20/4, Thủ tướng đưa ra nhận định tình hình dịch bệnh có chuyển biến tốt hơn, cần phải nới lỏng từng bước, nhưng phải có kiểm soát đúng mức, để không có tình trạng chủ quan, coi thường mà dịch bệnh có thể quay lại.

Thủ tướng khẳng định việc thực hiện biện pháp cách li xã hội theo Chỉ thị 16 là đúng đắn, là giải pháp quan trọng trong ngăn ngừa dịch bệnh thời gian qua nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề cấp bách.

Lãnh đạo Chính phủ cũng cho biết tại cuộc họp ngày mai, các nhóm địa phương nguy cơ cao, nguy cơ và nguy cơ thấp cũng sẽ được xem xét để điều chỉnh. Nếu tình hình an toàn thì nhiều địa phương có thể được hạ thấp nguy cơ.

Thủ tướng giao Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố xác định cấp độ nguy cơ cụ thể của từng huyện, xã, thậm chí thôn, bản, khu vực dân cư địa phương và có hình thức áp dụng các biện pháp phù hợp với diễn biến thực tế của dịch bệnh tại địa phương.

"Từng bước nới lỏng, khôi phục các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế, không được lơ là, chủ quan, thoả mãn", Thủ tướng nêu quan điểm.